Tây Ninh thu hút gần 4 tỷ USD đầu tư nước ngoài
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh, đến nay, trên địa bàn tỉnh này đã có 242 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 4 tỷ USD. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh cũng đang có 5 khu công nghiệp được cấp phép thành lập với quy mô hơn 3.384 ha, đã xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ.
5 khu công nghiệp hiện đang hoạt động bao gồm: Trảng Bàng, Linh Trung 3, Thành Thành Công, Phước Đông và Chà Là. Tổng diện tích đất quy hoạch là 3.384 ha, đã giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng diện tích 2.209 ha. Đất công nghiệp có thể cho thuê là 1.445 ha, đến nay đã cho thuê trên 790 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 54,6%.
Tại các khu công nghiệp của Tây Ninh đã thu hút được 180 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký chiếm gần 90% vốn đầu tư nước ngoài của toàn tỉnh. Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh, hiện nay, tại các khu công nghiệp của tỉnh quỹ đất sẵn có, hạ tầng hoàn thiện, có thể tiếp nhận các dự án có quy mô lên đến 50 ha với chi phí thuê đất rẻ.
Hiện hạ tầng các Khu công nghiệp: Phước Đông, Thành Thành Công, Chà Là sẽ tiếp tục được đầu tư hoàn chỉnh. Đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng tốt cho yêu cầu sản xuất, kinh doanh; bên cạnh đó, ngành Điện sẽ đầu tư trạm điện riêng cho Khu công nghiệp Chà Là và Khu công nghiệp Thành Thành Công để phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, Ban quản lý còn đẩy mạnh thực hiện các bước tiếp theo của dự án “Phát triển các đô thị hành lang tiểu vùng sông Mê Kông” nhằm sớm triển khai bước giải ngân xây dựng hạ tầng tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư. Tập trung triển khai thực hiện dự án Đường 65 Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, dự án Sửa chữa Văn phòng đại diện tại Mộc Bài.
Trong năm qua, Tây Ninh có mức tăng GDP là 11,1%, trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng đóng góp 5,7%. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tây Ninh là vùng nguyên liệu mía, mì, cao su lớn nhất nước về diện tích, chất lượng và sản lượng. Tây Ninh cũng có nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản; chế biến các sản phẩm tinh chế từ cao su, mía đường, tinh bột khoai mì… gắn với vùng nguyên liệu.
Do có vị trí địa lý thuận lợi, nhất là có các cửa khẩu đường bộ quốc tế lớn nhất phía Nam, tiếp giáp với Campuchia thông qua hành lang kinh tế Xuyên Á nên Tây Ninh đã có sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Tây Ninh luôn quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là công tác cải cách hành chính. Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, luôn lắng nghe phản ánh những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để chỉ đạo xử lý kịp thời, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Những kết quả đạt được từ sự nỗ lực trên đã giúp cho chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Tây Ninh công bố năm 2015 xếp thứ 16 trên 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thực hiện chủ trương đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tỉnhTây Ninh đã chủ động hình thành các phân khu công nghiệp phụ trợ, thu hút được các dự án hàng đầu trong ngành với quy mô hàng trăm triệu USD như các công ty Brotex, Gain Lucky, Ilsin, Sailun, Firsteam.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()