Tây Ninh: Tạo nhiều việc làm cho người lao động
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2014, địa phương này đã giải quyết việc làm cho khoảng 13.400 lao động, đạt gần 67% kế hoạch năm.
Trong đó, thu hút lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, kinh tế trang trại và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ được 12.342 lao động. Dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm xét duyệt 88 dự án với số tiền hơn 7,1 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1 nghìn lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã đưa 46 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Ngoài ra, công tác hỗ trợ người nghèo vay vốn ưu đãi được ngành chức năng chú trọng thực hiện bằng việc tạo điều kiện cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số dư nợ hơn 1.330 tỷ đồng. Trong đó, hộ nghèo vay 312 tỷ đồng, để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định, chủ yếu để trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ. Đồng thời triển khai các chính sách vay vốn đối với học sinh, sinh viên, dạy nghề được tiến hành đúng đối tượng, kịp thời, đến nay tổng dư nợ cho đối tượng này 389 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều địa phương ở Tây Ninh đã làm tốt công tác đào tạo nghề thu hút lao động nông thôn góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo, có việc làm và tăng thu nhập. Ông Nguyễn Chí Sang, Phó trưởng Phòng Lao động , Thương binh và Xã hội huyện Tân Biên cho biết, trong năm 2014, huyện Tân Biên đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chủ yếu tập trung ở các xã nông thôn mới. Điều đó góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, có việc làm và tăng thu nhập. Theo đó, huyện Tân Biên mở 37 lớp đào tạo nghề với gần 1.300 học viên tham dự, với các nghề như khai thác mủ cao su, trồng rau sạch, chăm sóc cây cảnh, trồng gừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm.v.v…
Năm 2014, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh cũng mở 28 lớp đào tạo nghề cho 980 lao động nông thôn và tập trung vào những ngành nghề đáp ứng với nhu cầu của địa phương. Đối tượng tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn là lao động nông thôn thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật và có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo…
Được biết, trong năm 2013, toàn tỉnh Tây Ninh đã tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 201 lớp, 6.429 học viên, 20 nghề, đạt 124,59% so với kế hoạch. Việc tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được thực hiện đúng quy định, nhiều nghề sau đào tạo, học viên đã tự tạo được việc làm hoặc được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, thu nhập của người lao động sau học nghề được tăng thêm. Cũng trong năm 2013, đã có 6.387 người đã học xong, có 4.795 người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn đạt 75,07%.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()