Tây Ninh huy động từ cộng đồng dân cư trên 1.200 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh, đến nay, toàn tỉnh đã có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Số vốn huy động trong cộng đồng dân cư để xây dựng nông thôn mới đạt trên 1.200 tỷ đồng đã cho thấy sự đồng thuận của người dân nơi đây với phong trào này.
Với sự đóng góp của nhân dân, các doanh nghiệp trên địa bàn…, đường giao thông nông thôn
của tỉnh Tây Ninh ngày càng khang trang, sạch đẹp (Ảnh: K.V)
Cũng theo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh, trong năm 2015, tỉnh đã thẩm định hồ sơ của 10 xã về mức độ đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, qua thẩm tra có 9 xã đạt 100% số phiếu biểu quyết và 1 xã đạt 97% số phiếu. Như vậy, trong năm qua, Tây Ninh đã có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Duy Ân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, từ năm 2011 đến nay, nguồn lực huy động từ doanh nghiệp và nhân dân đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở Tây Ninh không phải là nhỏ. Theo đó, vốn huy động từ doanh nghiệp là 542 tỷ đồng để hỗ trợ công tác an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng cấp xã, đầu tư nâng cấp lưới điện nông thôn… Huy động từ cộng đồng dân cư là 1.253 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cấp, sửa chữa nhà ở; xây dựng công trình vệ sinh hộ gia đình… Đối với việc vận động đối ứng những dự án cơ sở hạ tầng, các địa phương không quy định mức thu cụ thể, tuỳ theo điều kiện để cân đối ngân sách từng xã; việc vận động doanh nghiệp, nhân dân đóng góp dưới nhiều hình thức như tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất, di dời vật kiến trúc, hoa màu, nguyên vật liệu làm đường giao thông…
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng cơ sở vật chất, thu nhập, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế… Trong năm qua, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; huy động tối đa nguồn lực của xã hội; tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên địa bàn từng xã gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; triển khai nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bao hiểm y tế; quan tâm công tác quản lý, vận hành khai thác, duy tu bảo dưỡng các công trình cấp nước, tập trung công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.
Trong thời gian tới, công tác triển khai chương trình sẽ được đổi mới phù hợp với tiến trình phát triển; tăng cường sự tham gia của người dân theo phương châm “dân cần, dân biết, dân bàn, dân góp, dân làm, dân kiểm tra quản lý và hưởng thụ”; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân dưới nhiều hình thức, phù hợp từng đối tượng để nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện; ban hành các chính sách về huy động nguồn lực; huy động tối đa nguồn lực của xã hội bảo đảm cơ cấu nguồn vốn theo quy định; tăng cường phân cấp cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng thực hiện. Cần tập trung chỉ đạo thực hiện cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để hình thành, nâng cao chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Ân, trong năm 2016, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh đặt ra mục tiêu quyết tâm giữ vững 16 xã đạt chuẩn, và phấn đấu đến hết năm 2016 có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh các mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo tỉnh cũng chú trọng đến một số giải pháp trọng tâm, như: ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển cho các dự án giao thông, thuỷ lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá. Đối với các dự án có tỷ lệ đối ứng của cấp huyện, phải có vốn đối ứng mới được bố trí vốn. Đối với vốn sự nghiệp, ưu tiên hỗ trợ cho công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát; hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường nông thôn.
Đồng thời, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh cũng yêu cầu các ngành, các cấp trong tỉnh cần đổi mới việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, phải tăng cường sự tham gia của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện thật hiệu quả phương châm: dân cần- dân biết- dân bàn- dân đóng góp- dân quản lý- dân hưởng thụ; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn ngân sách nhà nước; xây dựng nhanh và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững đến năm 2020; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch các đề án xây dựng nông thôn mới phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội chung, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()