Tây Nguyên tập trung phát triển kinh tế - xã hội
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong 6 tháng đầu năm 2014, tình hình kinh tế- xã hội các tỉnh Tây Nguyên vẫn có những chuyển biến tích cực. Đây là cơ sở để Tây Nguyên tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành các mục tiêu phát triển trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
![]() |
Nhiều km đường được nhựa hóa trong dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh đi qua các buôn, làng tại các tỉnh Tây Nguyên. |
Đó là khẳng định của đồng chí Phùng Thế Vinh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên với phóng viên bên lề Hội nghị sơ kết công tác của Ban Chỉ đạo 6 tháng đầu năm tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) mới đây.
Đồng chí Phùng Thế Vinh cho biết, GDP toàn vùng trong 6 tháng qua đạt 10,3%; trong đó tỉnh Kun Tum GDP tăng 11,68%, Gia Lai tăng 11,6%, Đắk Lắk tăng 6,05%, Đắk Nông tăng 12,2%, Lâm Đồng tăng 12,8%… Cùng với đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của vùng cũng tăng 12,6%; nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã phục hồi sản xuất và hoạt động ổn định; ở một số địa phương số doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể giảm so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu của vùng 6 tháng đạt 1,38 tỷ USD, tăng 51,2%. Trong đó, tỉnh Kon Tum đạt 26 triệu USD, Gia Lai 410 USD, Đắk Lắk 360 triệu USD, Đắk Nông 320 triệu USD, Lâm Đồng 248 triệu USD.
Về thu ngân sách, mặc dù các địa phương thuộc Tây Nguyên không có nguồn thu từ kinh doanh nông sản (theo Nghị định 209, ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật giá trị gia tăng nên các địa phương này không còn thu thuế kinh doanh nông sản), nhưng vẫn tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013 và đạt 46% dự toán cả năm.
Trong khi đó, đối với các chương trình, dự án thuộc vùng dân tộc thiểu số, theo ông Phùng Thế Vinh, thì các cấp, các ngành tại các địa phương Tây Nguyên đã chủ động thực hiện; trong đó trọng tâm là hỗ trợ trực tiếp và cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho trên 31 nghìn hộ nghèo tại Tây Nguyên được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo.
Cùng với phát triển kinh tế, công tác giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân tại Tây Nguyên những tháng đầu năm 2014 cũng được quan tâm. Hầu hết các địa phương trong khu vực đều ưu tiên đầu tư cho nguồn lực Y tế gắn với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Theo đó, đến nay toàn vùng có 82 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; 704/722 xã, phường có trạm y tế (đạt tỷ lệ 97,5%); trên 66% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; đội ngũ cán bộ y tế 18.325 người, tỷ lệ bác sỹ 6,4/1 vạn dân. Trong khi đó, các cấp học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông đều tăng cả về số trường, số lớp và số học sinh; các tỉnh cũng đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực theo địa chỉ và thực hiện chính sách đặc thù trong tuyển sinh đại học cũng như quan tâm đến công tác cử tuyển tại các địa bàn khó khăn.
Đối với công tác xây dựng nông thôn mới, theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đây là nhiệm vụ trọng tâm được các địa phương khu vực Tây Nguyên hết sức quan tâm. Đặc biệt, thông qua các chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được nhiều địa phương chú trọng; đồng thời, công tác chăn nuôi ở nhiều nơi đã chuyển dần từ nhỏ lẻ lên quy mô lớn hơn, phổ biến là mô hình trang trại.
Đến nay theo thống kê của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong số 597 xã thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới thì có 593 xã đã lập và phê duyệt đề án (đạt 99,3%, cao hơn gần 20% so với bình quân cả nước. Để đầu tư cho Chương trình này, các địa phương Tây Nguyên đã huy động gần 53 nghìn tỷ đồng, đồng thời xây dựng được 1.045 mô hình sản xuất có hiệu quả. Bên cạnh đó, đến nay toàn khu vực Tây Nguyên đã có 15 xã đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (chiếm 2,51%), 22 xã đạt 14 đến 18 tiêu chí (chiếm 19,93%). Đặc biệt, các chỉ tiêu về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, chợ nông thôn đạt khá cao so với mức trung bình cả nước.
![]() |
Mô hình đầu tư phát triển sản xuất tại Tây Nguyên hiện khá đa dạng, tạo những chuyển biến tích cực cho bức tranh kinh tế- xã hội tại các địa phương |
Cụ thể, theo đồng chí Phùng Thế Vinh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến nay đã có 60/597 xã đạt tiêu chí về giao thông, đạt tỷ lệ 10,1% (cao hơn vùng Tây Bắc nước ta), 226/597 xã đạt tiêu chí về thủy lợi, đạt tỷ lệ 37,9% (cao hơn trung bình cả nước), 398/597 xã đạt tiêu chí về điện, đạt tỷ lệ 66,7% (cao hơn trung bình cả nước), 82/597 xã đạt tiêu chí về trường học, đạt tỷ lệ 13,7% (thấp hơn trung bình cả nước), 192/597 xã đạt tiêu chí về chợ nông thôn, đạt tỷ lệ 32,2% (cao hơn trung bình cả nước).
Ngoài các thành tựu kể trên, trong 6 tháng đầu năm, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể tại các tỉnh Tây Nguyên còn kết hợp với các Bộ, ban, ngành hữu quan của Trung ương để đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp đường Hồ Chí Minh, qua đó góp phần nâng cao năng suất giao thông và vận chuyển đi qua địa bàn các tỉnh, đồng thời tạo thuận lợi để giao thương với các tỉnh và khu vực trong cả nước.
Cụ thể, đến nay đã triển khai đầu tư nâng cấp 553 km còn lại trên toàn tuyến với tổng vốn đầu tư 20.824 tỷ đồng của 24 dự án. Trong đó, đã có 13 dự án đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 đã cơ bản hoàn thành; 5 dự án BOT đã khởi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2015-2016; 6 dự án trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 được Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ 10.781 tỷ đồng để đầu tư và hiện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, triển khai thi công.
Đồng thời với đó, việc giải quyết tồn đọng các dự án thủy điện sau phê duyệt loại bỏ 246 dự án thủy điện của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên đã tạm dừng đầu tư trước năm 2015 đối với 38 dự án; tập trung chỉ đạo giải quyết những tồn động, vướng mắc liên quan đến các công trình thủy điện, nhất là công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư nhằm ổn định sản xuất và đời sống người dân tại các địa bàn có dự án như Thượng Kon Tum, Đăk Drinh, An Khê- Ka Nak…
Theo Dangcongsan.vn

Ý kiến ()