Tây Nguyên tăng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông
Từ năm 2010 đến nay, Nhà nước đã đầu tư hơn 64.069 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên, trong đó, vốn cho các công trình do trung ương quản lý khoảng 45.347 tỷ đồng, còn lại là vốn cho các công trình địa phương quản lý.
Nhiều công trình giao thông trọng yếu của vùng như đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các quốc lộ 19, 20, 24, 25, 27, 28… được tập trung đầu tư, một số tuyến đã hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực. Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thiện tám dự án đường bộ, với tổng kinh phí khoảng 15.692 tỷ đồng, tổng chiều dài quốc lộ được nâng cấp, cải tạo khoảng 681 km bằng các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, xã hội hóa… Các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư hơn 18.722 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường địa phương, trong đó, vốn dành cho đường tỉnh hơn 4.403 tỷ đồng, còn lại là đầu tư cho giao thông nông thôn. Ngoài phần lớn các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ được thảm nhựa, các tuyến đường huyện trên địa bàn Tây Nguyên cũng đã được cứng hóa gần 71%; đường xã cứng hóa đạt gần 52%; đường thôn, xóm cứng hóa khoảng 30%. Toàn bộ 600 xã của Tây Nguyên đã có đường ô-tô đến trung tâm xã, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Nhà nước cũng đầu tư nâng cấp ba cảng hàng không Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đác Lắc), Plây Cu (Gia Lai) để máy bay A320 hạ, cất cánh phục vụ tốt yêu cầu đi lại, vận tải của hành khách…
Phát triển hạ tầng giao thông đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Tây Nguyên. Năm 2016, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 151 nghìn tỷ đồng, tăng gần 7,5% so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 39,56 triệu đồng.
* Tỉnh Yên Bái đã tập trung nhiều nguồn lực, chính sách để củng cố và phát triển mạng lưới y tế, đào tạo đội ngũ cán bộ, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã cơ bản tháo gỡ được tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng trong ngành y tế, nhất là đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao: đã thu hút, tuyển dụng được 68 bác sĩ, 27 dược sĩ đại học, năm cử nhân điều dưỡng đại học chính quy về công tác. Đến nay, Yên Bái cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu bác sĩ, dược sĩ đại học; đạt tỷ lệ 8,35 bác sĩ trên 10 nghìn dân; 1,12 dược sĩ đại học trên 10 nghìn dân; tỷ lệ bác sĩ có trình độ sau đại học chiếm 37,4%, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục quan tâm việc phát triển, thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ một lần đối với các cán bộ, công chức, viên chức về công tác lâu dài tại tỉnh. Cụ thể, mức hỗ trợ đối với tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 140 triệu đồng/người; mức hỗ trợ đối với thạc sĩ, bác sĩ nội trú là 50 triệu đồng/người; mức hỗ trợ đối với bác sĩ đa khoa tốt nghiệp loại khá trở lên, dược sĩ đại học tốt nghiệp loại giỏi trở lên là 30 triệu đồng/người.
Theo Nhandan
Ý kiến ()