Thứ 4, 25/12/2024 12:18 [(GMT +7)]
Tay ngang làm nghệ thuật
Chủ nhật, 20/02/2011 | 10:24:00 [(GMT +7)] A A
Chưa học làm nghệ thuật bao giờ nhưng Đinh Tiến Dũng đã chinh phục khán giả bằng vai diễn hài hước của mình. Anh là đồng tác giả kịch bản của các chương trình Táo quân trên VTV
Nửa năm nay, sau khi Thư giãn cuối tuần (phiên bản mới của Gặp nhau cuối tuần) lên sóng, nhân vật Giáo sư Cù Trọng Xoay đã trở thành một cái tên quen thuộc của nhiều khán giả.
“Làm luôn” rồi bén duyên
Sự dí dỏm toát trên gương mặt hài hước có phần ngơ ngác của vị “giáo sư” tuổi còn trẻ mà mặt rất già đã khiến người xem mỗi tối thứ bảy phải ngồi chờ trước màn hình để nghe những câu “hỏi xoáy đáp xoay” về đủ thứ chuyện trên trời dưới đất của cặp Xuân Bắc – Cù Trọng Xoay.
Điều này đã tạo nên dấu ấn cho Thư giãn cuối tuần. Mái tóc bù xù, râu ria lởm chởm, đôi mắt tỉnh queo, Đinh Tiến Dũng đã thực sự là một gương mặt hút khách của chương trình. Facebook của anh luôn tấp nập người ra vào, thậm chí cộng đồng mạng còn có cả “Hội những người phát cuồng vì Giáo sư Cù Trọng Xoay”.
Chưa học làm nghệ thuật bao giờ, “Giáo sư Cù Trọng Xoay”- Đinh Tiến Dũng tốt nghiệp một trường không liên quan tí nào đến giải trí: ĐH Nông nghiệp Hà Nội, khoa trồng trọt. Ra trường, anh đầu quân về FPT, chuyên tổ chức các sự kiện cho tập đoàn này nhờ năng khiếu viết kịch bản hài từ những ngày còn đi học phổ thông.
Đinh Tiến Dũng .Ảnh: Thanh Hà
Tiến Dũng bảo chính nhờ việc viết kịch bản và tổ chức sự kiện này mà anh có cơ hội làm việc với ê-kíp thực hiện chương trình Gặp nhau cuối năm, sau đó là Thư giãn cuối tuần của VTV3.
Ở Thư giãn cuối tuần, vai trò ban đầu của Đinh Tiến Dũng chỉ là viết kịch bản cho Hỏi xoáy đáp xoay nhưng như thừa nhận của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, tìm được người thuộc thoại dài, đặc biệt là nhiều số liệu, dữ kiện là vừa khó vừa mất thời gian nên anh động viên Dũng “làm luôn”.
Rất may, ngoại hình có phần “ngơ ngơ” của một giáo sư “ngộ” chữ cùng với sự tếu táo trong tính cách của Đinh Tiến Dũng đã khiến không chỉ đạo diễn chương trình mà cả khán giả đều rất hài lòng.
Tự làm giàu vốn sống Hài hước, đa năng và thích rẽ ngang nhưng “Giáo sư Cù Trọng Xoay” bảo anh sẽ không rẽ hẳn sang truyền hình, giải trí mà gắn bó với FPT, nơi các đồng nghiệp luôn tạo điều kiện cho anh làm việc. Sau một năm thành công với cả nhân vật Giáo sư Cù Trọng Xoay lẫn Gặp nhau cuối năm, Đinh Tiến Dũng muốn nghỉ ngơi chút ít để nạp năng lượng cho một năm mới. Vẫn viết và biên tập tiểu phẩm hài cho các chương trình truyền hình, Dũng bảo thách thức của anh là vừa sắp xếp việc viết kịch bản với các công việc khác để luôn tự làm giàu vốn sống của mình. Theo anh, cạn vốn thì dù có muốn cũng chẳng viết được nữa. |
Những chương trình đầu, Dũng diễn còn cứng, vì thiếu kinh nghiệm thực tế nhưng các đạo diễn, đặc biệt là bạn diễn Xuân Bắc, đã giúp anh rất nhiều. Nhưng không ai hiểu con mình bằng chính cha đẻ của chúng, việc đảm nhận một lúc hai vị trí, tác giả kịch bản và diễn viên, đã khiến nhân vật Giáo sư Cù Trọng Xoay trở nên đặc biệt hơn bất cứ ai trong chương trình.
Dũng tâm sự đôi khi nhớ nghề nông được đào tạo bài bản tới tận 4 năm, anh lại gài vào các câu trả lời những thông tin liên quan đến nhiều loại cây cối, tên khoa học của chúng, thậm chí cả các loại gien di truyền.
Cũng có thể vì những thông tin thuộc loại “độc” này mà khán giả nhớ nhiều đến một giáo sư giàu kiến thức khoa học thường thức, nhảm nhí mà cũng rất đáng yêu.
Luôn quan sát, tìm tòi
Từng có thời gian đi học vẽ nên ít nhiều Đinh Tiến Dũng cũng có chút vốn liếng về hội họa nữa. Biết chơi đàn guitar, đánh trống, thời sinh viên còn lập ra một ban nhạc có tên RTC (rượu thịt chó), Đinh Tiến Dũng có nhiều tài lẻ làm người ta bất ngờ. Nhiều clip ghi âm giọng hát của anh trên YouTube có lượng truy cập lên đến khoảng 70.000 lượt.
Dũng cho biết ngoài công việc chính ở FPT, viết kịch bản, ghi hình, anh còn tham gia ca hát với những người bạn. Càng làm nhiều, anh càng có vốn sống, trải nghiệm, kiến thức để đưa vào chương trình của mình.
Thành công của Gặp nhau cuối năm chính là nhờ Dũng luôn giữ cho mình thói quen ghi nhớ những điều tưởng nhỏ nhặt của cuộc sống, của bạn bè, của sách vở, báo chí. Anh tham khảo nhiều bài viết để tạo dựng khả năng lập luận logic, chặt chẽ, sắc sảo, rất hợp với kiểu hỏi xoáy đáp xoay.
Chính nhờ sự quan sát, tìm tòi ấy mà anh cùng ê-kíp viết kịch bản Gặp nhau cuối năm của Trung tâm Sản xuất phim Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng được những chương trình thật sự ý nghĩa: Hài hước nhưng rất “đau”, dù đau nhưng vẫn cười vui vẻ, như cuộc thi Hoa táo 2009 hay Táo quân thi Idol 2011.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()