Tây Bắc sẽ trở thành trung tâm du lịch cộng đồng quốc gia?
Vùng Tây Bắc – cái nôi của cách mạng Việt Nam, đang được kỳ vọng là “mỏ vàng thô” sớm được khai phá trong tương lai gần để có thể trở thành trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch làng bản quốc gia.
Sau một loạt chương trình kích cầu được Hiệp hội Du lịch triển khai khá rầm rộ ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, vùng Đông Bắc…, nay vùng Tây Bắc được chọn là điểm dừng chân tiếp theo của hơn 150 doanh nghiệp du lịch trên khắp cả nước.
Chương trình kích cầu được những người làm du lịch kỳ vọng có thể giúp khai phá thêm một “mỏ vàng thô,” vốn là cái nôi của cách mạng Việt Nam, để Tây Bắc trong tương lai không xa có thể trở thành trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch làng bản quốc gia.
Ngay trước khi đoàn khảo sát sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc lên đường, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam đã có những trao đổi về tiềm năng của mảnh đất này.
– Ông đánh giá thế nào về tiềm năng du lịch vùng Tây Bắc của Việt Nam hiện nay?
Ông Vũ Thế Bình:Các tỉnh ở vùng Tây Bắc tuy chậm phát triển nhưng giàu tiềm năng. Riêng với Tây Bắc, chúng tôi luôn dành những tình cảm tốt đẹp, bởi đây là cái nôi của cách mạng, nơi tài nguyên vẫn còn nguyên vẹn.
Chúng ta cùng chờ đợi một ngày không xa, khi tất cả các doanh nghiệp du lịch đều ủng hộ, lãnh đạo các địa phương cùng vào cuộc thì Tây Bắc sẽ trở thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.
– Sự tham gia của các doanh nghiệp trong Chương trình kích cầu du lịch vùng Tây Bắc lần này thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Thế Bình:Hiện chúng ta đang trong thời gian kích cầu nội địa. Với Chương trình kích cầu du lịch vùng Tây Bắc, đang có rất nhiều doanh nghiệp từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Đồng bằng sông Cửu Long… và đương nhiên các doanh nghiệp phía Bắc cũng tham gia rất đông đủ.
Với 150 doanh nghiệp trên khắp cả nước tham gia Chương trình khảo sát sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc, kéo dài trong 5 ngày (từ 12-16/6), trong tương lai gần chúng ta sẽ có lượng khách nội địa rất lớn tới khu vực này. Chúng ta làm sao để du lịch Tây Bắc phục hồi và bước chân của những người du lịch sẽ lại đến với tất cả các điểm du lịch nơi đây.
– Theo ông, để hấp dẫn du khách trong thời điểm hậu giãn cách COVID-19 , du lịch Tây Bắc cần xây dựng những sản phẩm như thế nào để tạo cạnh tranh?
Ông Vũ Thế Bình:Có rất nhiều vấn đề cần đặt ra nếu muốn phát triển du lịch Tây Bắc. Chúng ta không chỉ cần một tình yêu với du lịch mà chúng ta cần phải hành động.
Hành động thứ nhấtlà phải xây dựng các sản phẩm du lịch. Dù Tây Bắc có rất nhiều tài nguyên, tiềm năng du lịch nhưng phải biến những tài nguyên đó thành sản phẩm du lịch , phải đầu tư, nghiên cứu cùng sự vào cuộc của các doanh nghiệp với chính quyền địa phương, nhân dân địa phương. Chúng tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới, Tây Bắc sẽ đi đầu và là trung tâm của du lịch cộng đồng , du lịch làng bản.
Thứ hailà về chất lượng dịch vụ đang là khó khăn ở khu vực này. Chúng ta không có đủ điều kiện để có thể đào tạo tất cả những người dân từ các làng bản xa xôi trở thành những người làm du lịch ngay được, mà phải từ từ từng bước.
Nhà nước cũng phải đặt ra lộ trình hỗ trợ bà con chuyển đổi nghề nghiệp từ làm nông sang làm du lịch. Để làm được điều đó, người dân sẽ phải học rất nhiều, từ những cái nhỏ nhất như chuẩn bị cơ sở vật chất thế nào, cách giao tiếp với khách ra sao tới việc vận hành mô hình homestay…
Nhưng tôi tin rằng, với sự thân thiện và hiếu khách của người dân Tây Bắc, họ sẽ làm được.
Điều thứ ba, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá cho Tây Bắc. Chúng ta đều biết Tây Bắc rất đẹp đấy nhưng những người biết đến những điểm đẹp của Tây Bắc liệu được bao nhiêu? Do đó, chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp sau khi đến với vùng đất này, chính họ sẽ trở thành một đầu mối và tuyên truyền mạnh mẽ hơn cho Tây Bắc để làm sao cả nước biết và rồi sẽ đến với Tây Bắc.
Chỉ khi nào lượng khách tăng lên gấp nhiều lần so với bây giờ thì Tây Bắc mới thực sự trở thành trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch làng bản quốc gia.
Ông Vũ Thế Bình:Hiệp hội Du lịch phục vụ cho cả nước, nên đầu tiên chúng tôi đã triển khai chương trình ở Đồng bằng Sông Cửu Long vì muốn khuấy động một vùng đất giàu tiềm năng nhưng hoạt động du lịch còn chưa được sôi nổi. Sau đó chúng tôi triển khai kích cầu ở miền Trung, Tây Nguyên, tuần trước là tuyến Đông Bắc và bây giờ là Tây Bắc.
Sau đây chúng tôi sẽ tiếp tục kích cầu một số vùng ở Bắc Bộ. Ngoài ra, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Chúng ta còn nhiều vùng cần kích cầu lắm, ngay cả những vùng đã đi rồi thì chúng ta vẫn có thể đi lại để làm sao không khí du lịch ở đó trở nên sôi nổi, rầm rộ hơn. Chỉ khi nào toàn dân quan tâm tới du lịch thì ngành du lịch mới thực sự phát triển được.
– Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.
Ý kiến ()