Tây Bắc ra sức phát triển nhanh và bền vững
Vùng Tây Bắc là địa bàn chiến lược, có nhiều tiềm năng về đất đai, rừng, tài nguyên khoáng sản. Đây cũng là vùng có lợi thế về phát triển các loại đặc sản nông, lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến. Những năm gần đây, Tây Bắc đang ra sức đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư để thúc đẩy kinh tế của vùng phát triển bền vững.
Vùng Tây Bắc là địa bàn chiến lược, có nhiều tiềm năng về đất đai, rừng, tài nguyên khoáng sản. Đây cũng là vùng có lợi thế về phát triển các loại đặc sản nông, lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến. Những năm gần đây, Tây Bắc đang ra sức đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư để thúc đẩy kinh tế của vùng phát triển bền vững.
Tuy bị ảnh hưởng của tác động suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như khó khăn chung của nền kinh tế trong nước, nhưng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế vùng Tây Bắc đã đạt được nhiều tiến bộ khả quan. Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2010 – 2012 đạt 10,25%. Riêng năm 2012 tốc độ tăng trưởng của vùng là 9,46%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân chung; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 18 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực theo hướng tập trung đầu tư khai thác các tiềm năng, thế mạnh của từng tiểu vùng, đẩy mạnh tổ chức sản xuất hàng hoá để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Bước phát triển mới
Kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế của Tây Bắc trong năm qua, đó là sản xuất nông nghiệp. Cùng với việc khai thác tối đa tiềm năng đất trồng cây lương thực, kết hợp với việc sử dụng giống mới, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất, nên an ninh lương thực trong toàn vùng cơ bản đã được đảm bảo. Các vùng chuyên canh tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm tiếp tục phát triển và mang lại hiệu quả khá cao.
Chăm sóc cao su ở Tây Bắc (Ảnh: Đ.H) |
Dự án trồng cây cao su tiếp tục được triển khai, mở rộng ở những vùng có điều kiện sinh thái phù hợp, sử dụng giống chịu lạnh, cải tiến quy trình canh tác, đưa diện tích toàn vùng đạt trên 46.000 ha. Các chỉ số sinh trưởng của cây cao su đều đạt và vượt yêu cầu. Thông qua dự án trồng cây cao su, nhiều mô hình sản xuất mới đã được triển khai. Chẳng hạn ở Công ty Cổ phần cao su Sơn La đã xuất hiện mô hình trồng xen ngô, cỏ ghine,… nên ở vùng này đã xuất hiện mô hình nuôi “bò nhốt” rất hiệu quả. Đồng bào dân tộc ở vùng này được Công ty nhận làm công nhân, vừa có điều kiện làm việc để tăng thêm thu nhập, vừa có điều kiện để trồng cỏ để nuôi bò. Ngoài ra, vùng chè ở Yên Bái, Phú Thọ, vùng trồng cây ăn quả, rau, cây dược liệu ở Lào Cai, Lai Châu, vùng trồng mía nguyên liệu ở Hoà Bình, Sơn La,… tiếp tục phát triển. Đàn trâu, bò thịt, bò sữa phát triển khá nhanh, nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 3%, tạo nguồn thu chủ lực cho nhiều nông hộ. Nhiều mô hình kinh tế trang trại đặc sản được triển khai ở nhiều nơi. Một số địa phương đã nuôi thành công cá hồi, cá tầm trong môi trường nước lạnh, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao như Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái,…
Công tác trồng rừng, bảo vệ rừng cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2012, toàn vùng trồng mới được 121.300 ha, tăng 3.200 ha so với năm trước, đưa tỷ lệ che phủ rừng trong toàn vùng lên 50,5%. Nhiều địa phương có diện tích rừng kinh tế tăng khá như Yên Bái, Hoà Bình, Hà Giang… Công tác sắp xếp, tổ chức lại các nông, lâm trường; giao đất, giao rừng cho chủ rừng; thu và chi trả phí dịch vụ môi trường rừng đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.
Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu phát triển nhanh, đang tạo vị thế mới cho đầu tư, kinh doanh nông, lâm nghiệp. Tiềm năng sản xuất vật liệu xây dựng như đá ốp lát, gạch không nung, xi măng… đang được phát huy. Nhà máy thuỷ điện Sơn La có công suất lớn nhất Đông Nam Á đã hoàn thành vượt tiến độ, bổ sung cho hệ thống điện lưới quốc gia, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Bắc. Công nghiệp khai thác và chế biến sâu các loại khoáng sản có trữ lượng lớn như sắt, đồng, chì, kẽm, apatit… đang được xúc tiến và đẩy mạnh.
Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đặc biệt quan tâm, tập trung cao cho các dự án giao thông, thuỷ lợi, thuỷ điện trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ. Dự án cao tốc Hà Nội – Lào Cai dự kiến sẽ thông tuyến vào cuối năm 2013 này. Các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 2, 3, 6; các tuyến vành đai 37, 279, hệ thống quốc lộ 4 cũng đang được nâng cấp. Hàng nghìn km đường liên huyện, đường đến trung tâm xã được mở rộng, nâng cấp. Phong trào kiên cố hoá đường liên xã, liên thôn, đã làm cho mạng lưới giao thông được cải thiện rõ rệt. Điện lưới quốc gia đã vươn tới hầu hết các xã, đem ánh sáng văn minh và lực lượng sản xuất mới đến từng thôn bản. Năng lực sản xuất mới và hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện một bước, đã mở đường và thúc đẩy các dịch vụ thương mại, vận tải, du lịch phát triển. Doanh thu dịch vụ hàng năm tăng bình quân 18,5%, đáp ứng ngày càng tốt cho nhu cầu đời sống và sản xuất.
Trên cơ sở phát triển kinh tế và thúc đẩy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đời sống văn hoá, xã hội vùng Tây Bắc đã có nhiều tiến bộ. Tính đến hết năm 2012, đã có 61,6% số phòng học được kiên cố hoá. Toàn vùng đều đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt 95,4%. Công tác tuyển sinh, dạy nghề được mở rộng, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35%. 100% số xã có trạm y tế, trong đó tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 66,3%. Nhờ đó, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được tốt hơn. Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo được triển khai tích cực. Bản sắc văn hoá truyền thống đại gia đình các dân tộc Việt Nam trong vùng được bảo tồn, tôn tạo và phát huy. Trên 70% số hộ đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá”…
Khó khăn vẫn hiện hữu
Tuy nhiên, do địa hình vùng Tây Bắc hiểm trở, bị chia cắt, xa các trung tâm kinh tế – xã hội, cho nên việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng chưa đạt kết quả như mong đợi. Kinh tế của vùng nhìn chung phát triển còn chậm.
Kết cấu hạ tầng quy đã được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, nhất là hệ thống giao thông. Đây là một trong những rào cản lớn đối với môi trường đầu tư vào vùng.
Nhà máy thuỷ điện Sơn La (Ảnh: Đ.H) |
Do địa hình phức tạp, nên việc xây dựng các khu công nghiệp tập trung, khu đô thị có quy mô lớn, hiện đại gặp nhiều khó khăn. Việc mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp để tạo ra các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá theo hướng công nghiệp, hiện đại cũng gặp nhiều khó khăn.
Vùng Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất cả nước, đặc biệt là ở Lào Cai và Lai Châu. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhiều nơi còn lúng túng, hiệu quả chưa cao và thiếu bền vững. Đời sống nhân dân các thôn, bản vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Để khắc phục những tồn tại, cũng như để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vùng Tây Bắc cần đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến theo quy hoạch. Sớm hoàn thành việc giao đất, giao rừng trên thực địa; áp dụng các chính sách phù hợp để phát triển mạnh rừng sản xuất, đồng thời bảo đảm cho chủ rừng phòng hộ có thể phát triển bằng bảo vệ rừng, làm cho người dân gắn bó chặt chẽ hơn với sự phát triển của mỗi loại rừng; sớm chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Mở rộng các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, tạo quỹ đất tập trung, thúc đẩy việc hình thành và phát triển các vùng chuyên canh với quy mô thích hợp. Phát huy mạnh mẽ lợi thế về chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
Khuyến khích công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản gắn với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu thông qua liên kết giữa doanh nghiệp, tổ chức khoa học kỹ thuật với hộ nông dân, như công nghiệp gỗ, giấy, chế biến chè, hoa quả, thịt, sữa,… Huy động mạnh mẽ nguồn đầu tư từ các thành phần kinh tế để phát triển tiểu thủ công nghiệp. Tổ chức tốt việc khai thác và chế biến sâu các loại kháng sản, đảm bảo hiệu quả trước mắt và lâu dài. Xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, phân bón, hoá chất để phát huy lợi thế về tài nguyên trong vùng.
Ưu tiên xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, nhất là tuyến đường cao tốc Lào Cai – Yên Bái – Hà Nội; các tuyến đường vành đai, hành lang biên giới. Nâng cấp tuyến đường sắt hiện có cũng như khai thác tốt các tuyến đường sông trong vùng. Thúc đẩy việc triển khai sáng kiến hợp tác Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt – Trung. Phát triển mạnh các điểm, kết nối các tour du lịch văn hoá, lịch sử, sinh thái như Điện Biên Phủ, Pắc Pó, Tân Trào, Đền Hùng, Sa Pa, hồ Thác Bà, hồ Ba Bể, công viên đá Hà Giang,… Đẩy mạnh xây dựng và khai thác các khu kinh tế cửa khẩu. Phát triển dịch vụ vận tải, ngân hàng, bưu chính viễn thông, các trung tâm thương mại và hệ thống chợ nông thôn trên địa bàn.
Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nhất là cho lao động nông thôn. Thu hút lực lượng lao động ở vùng đồng bằng lên làm việc ở những ngành, những lĩnh vực có yêu cầu đào tạo, tạo sự chuyển biến cơ bản về cơ cấu dân cư và chất lượng nguồn nhân lực. Xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, tập trung nghiên cứu, tuyển chọn, du nhập, lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến nông, lâm, thuỷ sản; xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm đến cơ sở…
Dangcongsan
Ý kiến ()