Tây Bắc mùa măng rừng
Mùa xuân về, tiết trời ấm áp, muôn hoa cây trái đua nở. Rừng già Tây Bắc mùa này tràn ngập hương sắc của hoa ban, hoa mận, hoa chôm chôm rừng. Giống măng vầu đắng cũng đội đất rừng mà sinh sôi. Người vùng cao đi “ăn măng” ngay từ trước tết để có được những “ấu măng” ngay khi còn trong lòng đất vừa giòn vừa ngọt. Người dân vác thuổng lên rừng, lách bụi rậm xung quanh những gốc măng già, lật tìm những chỗ đất nứt để đào lên những ngọn măng non vỏ còn trắng nguyên.
Đọt măng này mang về thái lát mỏng, xào với lá kiệu xanh non thì ngon biết mấy. Sau Tết, trời mưa phùn nhiều hơn, đất ẩm, măng vầu mọc lên nhiều. Mấy hôm đầu chỉ lác đác vài ngọn chồi lên khỏi mặt đất. Vài hôm sau, cả khu rừng măng mọc lên tua tủa như chông như mác vậy. Những ngọn măng vầu non, đầu nhọn hình mũi tên, tai vểnh hai bên, mình tua tủa lông. Lúc này, măng đã mọc lên khỏi mặt đất thì sẽ không còn ngọt như khi còn trong lòng đất nữa.
Vị ngăm ngăm đắng của măng vầu ngày càng đậm và khi ấy, người Tày, người Mông không còn vất vả đào măng nữa mà chỉ cần dùng dao chặt măng về. Mùa này, trong không gian ấm áp trên mỗi căn nhà sàn, ẩm thực từ măng rừng lại trở lại trong mỗi bữa ăn của đồng bào. Măng vầu đắng để cả ngọn, luộc nhừ sau đó dùng tay xé làm tư, chấm với giấm mẻ chưng cá suối là món ăn quen thuộc trong mỗi bếp ăn của người Tày.
Vị đắng của măng vầu hòa với vị chua thanh của mẻ, vị ngọt bùi của cá suối làm thành dư vị đặc trưng chỉ có ở vùng Tây Bắc xa xôi này. Người ta còn nướng măng trên bếp lửa sau đó thái ra chấm với muối giềng ăn vào thấy dư vị vừa quen lại vừa lạ. Củ giềng già bào nhẹ trên thân cây song tua tủa gai thành từng sợi nhỏ, trộn lẫn muối tạo thành món chấm khá ngon cho măng vầu luộc. Người Tày còn làm nem măng vào dịp rằm tháng giêng. Lá măng luộc qua nước dùng để cuốn thịt gà băm nhỏ với rau răm rồi cho vào nồi hấp thành món ăn vừa ngon miệng, vừa bổ dưỡng.
Mùa nào thức ấy, Tây Bắc xa xôi không mùa nào không có măng rừng. Người dân nơi đây gắn bó với măng rừng như người bạn của mình trong cuộc mưu sinh đầy gian khó. Hình như vị ngăm ngăm của măng rừng đã hòa vào máu của người vùng cao để mỗi mùa, người ta lại lặn lội lên núi cao để tìm hương vị quen thuộc ấy.
Những bó măng rừng là món hàng phổ biến ở các sạp hàng của đồng bào trong những ngày này.
Dù mâm cơm có sang trọng đến mấy, thì người vùng cao vẫn không quên vị đắng ấy của núi rừng. Có một câu chuyện rất cảm động về măng rừng. Ở một bản Tày nhỏ, một pả (bà) đã cao tuổi, ốm nặng lâu ngày, một hôm, pả bỗng thấy thèm ăn miếng đắng. Mấy người con lặn lội lên đỉnh núi cao trước nhà đào được ngọn măng vầu đắng, luộc lên. Bà cụ ăn miếng măng, nước mắt giàn giụa rồi từ từ trút hơi thở cuối cùng. Có lẽ, cả cuộc đời của người vùng cao luôn đi cùng vị măng đắng tượng trưng cho sự gian khó, nhọc nhằn nơi non cao rừng thẳm.
Lên Tây Bắc hôm nay, đứng trên đỉnh đèo nhìn ra phía xa xa, có thể thấy những đồi măng vầu bạt ngàn, trùng điệp. Trong gió nhẹ, giọt mưa lất phất hòa vào sắc ban trắng hồng, hoa mận chúm chím, người ta nghe thấy vị ngăm ngăm của măng rừng tự thuở nào../.
Ý kiến ()