Tàu ngầm lớp Taigei mới của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản có gì đặc biệt?
Nhật Bản đã nghiên cứu, thiết kế và phát triển thành công tàu ngầm phi hạt nhân mới lớp Taigei, vốn kế thừa sức mạnh từ các tàu ngầm tấn công lớp Soryu trước đó.
Dự án đóng 7 tàu ngầm lớp Taigei
Tập đoàn Kawasaki Heavy Industries (KHI) hôm 14-10 đã hạ thủy thành công tàu ngầm SS-514 Hakugei cho Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) tại cơ sở Kobe. Đây là tàu ngầm phi hạt nhân thứ 2 thuộc lớp Taigei (29SS) và là chiếc thứ 30 được đóng tại nhà máy đóng tàu Kawasaki ở Kobe sau Thế chiến 2. Con tàu bắt đầu đóng vào tháng 1-2019, dự kiến bàn giao cho Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản vào tháng 3-2023.
Mùa hè năm 2019, công ty Mitsubishi Heavy Industries (MHI) của Nhật Bản đã bắt đầu đóng tàu ngầm phi hạt nhân đầu tiên của lớp mới (29SS), chiếc SS-513 Taigei. Trong khi đó, việc chế tạo chiếc tàu ngầm thứ hai SS-514 Hakugei được thực hiện tại các cơ sở của tập đoàn KHI. Có thông tin cho rằng, chiếc Taigei đầu tiên sẽ được sử dụng làm tàu ngầm thử nghiệm. SS-514 Hakugei sẽ là tàu ngầm lớp Taigei đầu tiên đi vào trực chiến.
Tàu ngầm Hakugei lớp Taigei hạ thuỷ hôm 14-10 tại Kobe. Ảnh: JMSDF |
Tháng 12-2018, chính phủ Nhật Bản đã được phê duyệt Chương trình Phòng thủ Trung hạn (MTDP), bao gồm giai đoạn 5 năm (từ 2019-2023). Trong đó, Tokyo lên kế hoạch đóng thêm 5 tàu ngầm thuộc lớp mới. Tổng cộng dự kiến sẽ đưa vào hoạt động 7 tàu ngầm lớp Taigei (29SS). Hiện tại, có thêm 2 tàu ngầm nữa của dự án này đang được đóng. Theo kế hoạch, chiếc tàu ngầm thứ ba của loạt 5 chiếc trên có tên gọi “SS-515”, sẽ được chế tạo bởi MHI.
Thông tin chi tiết về khả năng của tàu ngầm chưa được tiết lộ nhiều. Theo dữ liệu hiện có, chiều dài của tàu ngầm là 84m, rộng 9,1 m, thủy thủ đoàn gồm 70 người. Tàu có lượng choán nước 3.000 tấn (lớn hơn so với tàu ngầm lớp Soryu, với lượng choán nước 2.950 tấn).
Các tàu ngầm mới lớp Taigei sẽ được trang bị pin lithium-ion, thay vì pin axit chì như hai chiếc cuối cùng trong số 12 tàu ngầm lớp Soryu (SS-511 và SS-512). Điều này cho phép chúng hoạt động dưới nước lâu hơn. Tàu cũng sử dụng vật liệu tiêu âm mới, lắp đặt hệ thống chống ngư lôi đối phương để tăng khả năng sống sót.
Hiện Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đang trang bị 12 chiếc tàu ngầm lớp Soryu. Chiếc tàu ngầm cuối cùng của lớp Soryu, được đặt tên là “Toryu” (Rồng chiến), được hạ thủy vào ngày 6-11-2019. Ngoài ra, nước này còn sở hữu 12 chiếc tàu ngầm lớp Oyashio, có lượng choán nước 2.750 tấn, hoạt động từ năm 1998.
Thử nghiệm trên biển
Trước khi hạ thuỷ tàu ngầm thứ hai SS-514 Hakugei, Nhật Bản đã tiến hành quá trình thử nghiệm trên biển tàu ngầm phi hạt nhân đầu tiên SS 513 Taigei thuộc dự án 29SS.
Theo đó, tàu ngầm SS 513 Taigei được đặt đóng vào ngày 16-3-2018 tại nhà máy đóng tàu Kobe Mitsubishi Heavy Industries, và hạ thủy vào ngày 14-10-2020. Sau khi đưa vào hoạt động, SS 513 Taigei sẽ trở thành tàu ngầm thứ 25 trong Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản.
SS 513 Taigei (có biệt danh là “Cá voi lớn”) là tàu ngầm dẫn đầu thuộc thế hệ tiếp theo, sẽ thay thế các tàu ngầm lớp Soryu. Tàu ngầm mới vẫn giữ nguyên hình dạng chung của vỏ tàu ngầm Soryu, nhưng có một số thay đổi về thiết kế. Tàu ngầm đầu tiên lớp Taigei thay đổi các thiết kế để giảm lực cản thủy động lực học và cải thiện đặc tính tiếng ồn. Ngoài ra, nội thất bên trong tàu ngầm đã có những thay đổi đáng kể.
Tàu ngầm có một hệ thống đường ống đặc biệt, được cải tiến để giảm dấu hiệu, đồng thời vật liệu hấp thụ âm thanh mới được sử dụng để giảm dấu vết của tàu ngầm. Sự khác biệt chính so với tàu ngầm lớp Soryu thế hệ trước là việc loại bỏ động cơ Stirling. Thay vào đó, pin lithium-ion mới sẽ được lắp đặt.
Tàu có lượng choán nước tiêu chuẩn khoảng 3.000 tấn, chiều dài thân tàu 84 m, chiều rộng 9,1 m. Phi hành đoàn 70 người. Các chi tiết khác vẫn chưa được tiết lộ. Theo Military Leak, việc chuyển giao tàu ngầm cho lực lượng tự vệ hải quân dự kiến vào tháng 3-2022.
Tàu ngầm SS 513 Taigei đầu tiên của dự án 29SS. Ảnh: navalnews. |
“Người kế nhiệm” xứng đáng
Tại Nhật Bản, việc phát triển tàu ngầm lớp Taigei (29SS) được thực hiện vài năm qua, và dự kiến sẽ thay thế các tàu ngầm diesel-điện lớp Soryu, vốn được chế tạo từ năm 2009. Thông tin này đã được trang web Navy Recognition đăng tải cách đây không lâu. Bên cạnh đó, lớp Soryu gần đây đã được nâng cấp. Các tàu ngầm cải tiến sẽ trang bị pin lithium-ion tiên tiến, có độ ồn thấp. Đây được xem là một trong những bước đột phá công nghệ lớn được kế thừa từ dự án 29SS Taigei mới.
Soryu được xem là một trong những tàu ngầm phi hạt nhân tiên tiến nhất và chạy êm nhất thế giới. Con tàu diesel-điện chạy bằng động cơ Stirling nặng xấp xỉ 3.000 tấn và là tàu ngầm lớn nhất sau chiến tranh của Nhật Bản, “mang lại lợi thế chiến thuật và chiến lược quan trọng so với các đối thủ”. Hiện tại, hạm đội Nhật Bản sở hữu 12 tàu ngầm loại này. Ba chiếc nữa đang được chế tạo và sẽ được đưa vào vận hành vào năm 2023.
Mitsubishi Heavy Industries, nhà sản xuất tàu ngầm hàng đầu Nhật Bản, trước đó đã công bố thiết kế sơ bộ của lớp Taigei (29SS). Theo đó, tàu ngầm lớp Taigei giữ nguyên hình dạng tổng thể của thân tàu Soryu, tuy nhiên tàu sẽ được trang bị một ống phóng (dạng máy bơm phản lực) thay thế cho chân vịt truyền thống dùng để đẩy. Tuy nhiên, sự đổi mới này được cho là đã có trên các tàu ngầm lớp Attack trong tương lai của Hải quân Australia.
Tàu ngầm lớp Taigei mới có khả năng sẽ giữ nguyên vũ khí trang bị như các tàu ngầm lớp Soryu, với 6 ống phóng ngư lôi 533mm, mang tối đa 30 ngư lôi khác nhau, như Type 89, Type-80. Đồng thời tàu sẽ trang bị thêm tên lửa chống hạm UGM-84C Harpoon. Tên lửa này có khả năng phóng từ tàu nổi, tàu ngầm, bờ biển hoặc máy bay, với tầm bắn tối đa 124km.
Ngoài ra, khả năng của hệ thống sonar và chỉ huy chiến đấu của tàu ngầm lớp Taigei cũng được nâng cao. Chúng được trang bị thêm các thiết bị đối phó ngư lôi (Torpedo Counter Measures), phóng mồi nhử để tăng cường khả năng sống sót. Hiện chi phí sản xuất 1 chiếc tàu ngầm phi hạt nhân lớp Taigei vào khoảng 76 tỉ yên (720 triệu USD).
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()