Tàu lớn ra khơi, giữ biển làm giàu
Ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chuẩn bị lưới cụ sẵn sàng cho chuyến ra khơi đánh bắt hải sản trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Đi dọc vùng duyên hải miền trung với lợi thế "mặt tiền" hướng biển hiện có hàng trăm nghìn phương tiện, con người tập trung khai thác tiềm năng kinh tế biển, trong đó có hàng nghìn con tàu của ngư dân Quảng Ngãi không ngại hiểm nguy, thường xuyên neo đậu ở Biển Đông ngày, đêm đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thân yêu.Phát triển đội tàuPhó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi Phan Huy Hoàng cho biết: Quảng Ngãi có 28 xã ven biển và ba xã hải đảo (dân số chiếm khoảng 25% toàn tỉnh) và vùng biển có diện tích 11 nghìn km2, trữ lượng hải sản khá lớn, hằng năm, ngư dân khai thác khoảng 100 nghìn tấn hải sản các loại. Có ngư trường rộng lớn, ngư dân đã phát triển nhanh đoàn tàu đánh bắt xa bờ, với công suất hiện nay tăng gấp đôi so với trước....
Ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chuẩn bị lưới cụ sẵn sàng cho chuyến ra khơi đánh bắt hải sản trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. |
Đi dọc vùng duyên hải miền trung với lợi thế “mặt tiền” hướng biển hiện có hàng trăm nghìn phương tiện, con người tập trung khai thác tiềm năng kinh tế biển, trong đó có hàng nghìn con tàu của ngư dân Quảng Ngãi không ngại hiểm nguy, thường xuyên neo đậu ở Biển Đông ngày, đêm đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thân yêu.
Phát triển đội tàu
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi Phan Huy Hoàng cho biết: Quảng Ngãi có 28 xã ven biển và ba xã hải đảo (dân số chiếm khoảng 25% toàn tỉnh) và vùng biển có diện tích 11 nghìn km2, trữ lượng hải sản khá lớn, hằng năm, ngư dân khai thác khoảng 100 nghìn tấn hải sản các loại. Có ngư trường rộng lớn, ngư dân đã phát triển nhanh đoàn tàu đánh bắt xa bờ, với công suất hiện nay tăng gấp đôi so với trước. Nhiều ngư dân đã đầu tư đóng mới tàu lớn có công suất từ 450 đến 600 CV và được lắp đặt các thiết bị hiện đại như máy định vị, thông tin liên lạc và ngư lưới cụ, bảo đảm cho tàu neo đậu thường xuyên ở vùng biển xa để khai thác hải sản. Đến cuối tháng 8-2011, toàn tỉnh có 1.962 tàu đánh bắt xa bờ (công suất từ 90 CV trở lên). Ngư dân trong tỉnh hiện nay chủ yếu phát triển mạnh nghề lưới kéo, lưới vây, lưới rê, nghề lặn và câu mực khơi. Các xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) với hàng chục tàu làm nghề lặn hải sâm ở vùng biển Hoàng Sa. Các xã Nghĩa Phú, Nghĩa An (Tư Nghĩa), Phổ Thạnh, Phổ Quang, Phổ Châu (Đức Phổ) có hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ chuyên nghề lưới kéo xa bờ, lưới vây, lưới cản với hàng nghìn lao động trực tiếp hoạt động trên biển. Riêng xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn) có 72 tàu công suất từ 90 CV trở lên thường xuyên neo đậu ở vùng biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa để thả thúng câu mực khơi. Đây là xã có truyền thống đánh bắt xa bờ từ nhiều thế hệ. Nhiều ngư dân rất dày dạn kinh nghiệm làm nghề câu mực đại dương. Khi tàu ra khơi neo đậu, mỗi thuyền viên xuống thúng của mình hành nghề câu mực trong đêm tối giữa biển mênh mông. Cứ mỗi chuyến tàu đi biển khoảng 90 ngày với 20 lao động, nếu biển lặng thì khai thác đạt khoảng gần 30 tấn mực các loại. Nhiều tàu ở xã Bình Chánh đã có kinh nghiệm hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong mỗi chuyến ra khơi, có tàu trúng lớn thu về hàng trăm triệu đồng từ nghề câu mực khơi…
Tàu QNg 96257 TS do thuyền trưởng Phạm Văn Bình (37 tuổi), quê ở thôn Đông, xã An Hải (huyện Lý Sơn) điều khiển đã hoạt động trong hơn 70 ngày đêm liên tục trên vùng biển Trường Sa cho biết: Cứ mỗi chuyến tàu ra khơi mất gần năm ngày vượt sóng, gió (khoảng 520 hải lý) thì đến vùng biển Trường Sa. Từ đầu năm đến nay, tàu anh đã có bốn chuyến đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến từ 1 đến 2 tháng, với mức thu nhập bình quân khoảng 500 triệu đồng/chuyến (chuyến cao nhất là 700 triệu đồng). Không những ngư dân Lý Sơn thạo biển, giỏi nghề đánh bắt xa bờ, mà nhiều thuyền trưởng của tàu có công suất lớn ở các xã Tịnh Kỳ, Nghĩa An, Nghĩa Phú, Phổ Châu, Phổ Thạnh và Bình Châu, Bình Chánh đều là những người dày dạn kinh nghiệm đi biển. Họ đã không ngại đầu tư những con tàu từ 450 đến 600 CV, trang bị hiện đại các thiết bị, ngư cụ cần thiết đủ sức đánh bắt hải sản dài ngày nơi biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc thân yêu.
Việc ngư dân chuyển dịch ngư trường khai thác hải sản xa bờ là đúng với chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Tuy nhiên, những trở ngại lớn hiện nay đối với tàu đánh bắt xa bờ là ngoài việc cơ sở hạ tầng yếu kém, tàu cá nhỏ, công tác hậu cần nghề cá trên biển còn hạn chế thì mối đe dọa trực tiếp đối với ngư dân trên biển là bị tàu nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, hành hung thuyền viên và thu tài sản trên tàu. Trao đổi với chúng tôi chung quanh vấn đề này, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: Trước tình hình tàu cá của ngư dân địa phương thường xuyên gặp trở ngại trên vùng biển khơi. UBND huyện đảo Lý Sơn đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương các xã trong huyện phối hợp với Đồn Biên phòng và các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong ngư dân về bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Đặc biệt, đối với các chủ phương tiện tàu cá đánh bắt xa bờ, xúc tiến việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá hoặc các tổ đội đoàn kết sản xuất nhằm giúp nhau hỗ trợ tích cực mỗi khi gặp rủi ro, sự cố trên biển, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản đối với bà con ngư dân…
Tổ đoàn kết, tự quản tàu thuyền ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn)
sử dụng máy I.com liên lạc với tàu đánh bắt xa bờ.
Hợp tác vươn ra biển lớn
Tiến ra biển lớn là xu thế tất yếu để tìm kiếm, khai thác tiềm năng kinh tế biển, trong đó đánh bắt xa bờ là mắt xích quan trọng, bởi vậy phải có chiến lược phù hợp nhằm bảo đảm cho những con tàu đủ sức ra khơi xa, neo đậu dài ngày trên biển để khai thác hải sản và bảo vệ vững chắc biển, đảo của Tổ quốc. Có thể nói, ngư dân hiện nay đang gặp phải những thách thức lớn về nguồn vốn cũng như kỹ thuật đánh bắt xa bờ và những dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Muốn tháo gỡ sự tồn tại, khó khăn này không phải ngày một, ngày hai mà cần có một chiến lược lớn, phù hợp với điều kiện trong tình hình hiện nay.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngư dân một cách thiết thực và hiệu quả. Đặc biệt, Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Chính phủ đã ban hành ngày 13-7-2010 về “một số chính sách khuyến khích hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa”. Đây là chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu, mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh GPS và hỗ trợ thuyền viên gặp nạn và rủi ro. Quảng Ngãi là tỉnh đi đầu trong việc ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ. Tỉnh tập trung xây dựng những trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đủ mạnh để phục vụ trực tiếp cho đoàn tàu đánh bắt xa bờ. Quảng Ngãi đã được Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục thủy sản) vừa hỗ trợ lắp đặt hoàn thành trạm bờ máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh GPS phục vụ tàu cá xa bờ. Đây là những yếu tố thiết bị kỹ thuật chiến lược cần thiết hỗ trợ đắc lực cho những con tàu thường xuyên neo đậu ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Hệ thống thiết bị thông tin liên lạc tầm xa HF hiện đại được trang bị cho trạm bờ đặt tại Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi có phần mềm và các thiết bị ngoại vi bảo đảm các dữ liệu cơ bản của tàu và dự liệu báo cáo từ tàu cá truyền qua máy tính để lưu trữ hoặc trích xuất ra máy in phục vụ việc xác nhận vị trí khai thác của tàu cá trên biển. Tàu đánh bắt xa bờ được gắn thiết bị định vị vệ tinh, bảo đảm chủ động truyền, thoại thông tin nhanh, chính xác khi gặp sự cố, rủi ro cần hỗ trợ và các hoạt động khác trên biển với trạm bờ ở cự ly lớn hơn 500 hải lý. Hiện nay, tỉnh đã gắn hệ thống thiết bị định vị vệ tinh GPS cho nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Đây được coi là một trong những tiến bộ mới trong lĩnh vực hậu cần phục vụ tàu cá, bảo đảm khai thác hải sản có hiệu quả và hạn chế được những rủi ro trên biển.
Nhiều tổ chức xã hội ra đời như thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân, “tổ đoàn kết đánh bắt trên biển”, nghiệp đoàn nghề cá bước đầu đã tạo chỗ dựa vững chắc cho ngư dân Quảng Ngãi có điều kiện và niềm tin vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản. Những mô hình mới này hình thành ở một số địa phương như: Nghĩa Phú, Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa), Bình Châu (Bình Sơn), Phổ Thạnh, Phổ Châu (Đức Phổ) và An Hải, An Vĩnh (huyện Lý Sơn) đã đi vào hoạt động giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong khai thác hải sản; tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt trên biển. Đồng thời tương trợ cứu hộ, cứu nạn và đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền, an ninh, trật tự, bảo vệ tài nguyên quốc gia trên các vùng biển, đảo của Việt Nam.
Ra khơi đánh bắt hải sản xa bờ cũng chính là tiếp nối truyền thống của cha ông trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, là động lực thôi thúc hàng nghìn con tàu ra khơi xa, neo đậu dài ngày khai thác hải sản trên biển làm giàu cho bản thân, cho quê hương và đất nước, góp phần bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo trong tình hình mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()