Tàu container lớn nhất thế giới cập cảng Cái Mép
Với việc đón thành công tàu Margrethe Maersk – một trong những tàu container lớn nhất thế giới, Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) trở thành một trong 20 cảng lớn trên thế giới có đủ năng lực tiếp nhận tàu kích cỡ này.
Tàu Margrethe Maersk có chiều dài hơn chiều cao của tháp Eiffel. Nếu xếp 18.000 container 20 feet khi tàu chở đầy thành một hàng thì chiều dài lên đến trên 100 km. |
Vào lúc 15h ngày 25/10, siêu tàu chở container Margrethe Maersk – một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay có trọng tải 214.121 DWT, sức chở hơn 18.300 TEU, dài gần 400 m, rộng 59 m, đã cập thành công vào Cảng CMIT (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Tàu container Margrethe Maersk đang được liên minh hãng tàu lớn nhất thế giới 2M khai thác trên tuyến dịch vụ đi bờ Tây Mỹ hàng tuần.
Với sự kiện này, CMIT trở thành một trong số 20 cảng lớn trên thế giới có đủ năng lực tiếp nhận tàu kích cỡ này, góp phần khẳng định vị thế của hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải trên bản đồ hàng hải thế giới.
Việc cảng CMIT đủ năng lực và được cấp phép tiếp nhận tàu trọng tải đến hơn 214.000 tấn hạ tải cập cảng cũng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết như EVFTA, CPTPP… Khi đó, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ được xếp lên các tàu mẹ kích cỡ lớn đi thẳng đến các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, mà không cần trung chuyển qua các cảng trung chuyển như Singapore, Malaysia… giúp tiết kiệm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh, giảm thời gian chuyên chở từ đó hàng hóa sớm được tiếp cận với thị trường.
Đây là một bước phát triển lớn của ngành hàng hải để chuẩn bị nguồn lực phục vụ cho tiềm năng tăng trưởng của ngoại thương Việt Nam.
Khởi công dự án cảng tổng hợp có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000 DWT
Chiều 25/10, tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã khởi công dự án Cảng tổng hợp Quang Trung, có tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng với chiều dài 250 m, cùng các hạng mục, công trình đồng bộ liên quan khác.
Theo thiết kế, cảng sẽ bảo đảm khả năng tiếp nhận cỡ tàu lên đến 50.000 DWT, tương lai tiếp nhận được tàu có trọng tải đến 70.000 DWT vào bến neo cập bốc xếp hàng hóa. Năng lực bốc xếp hàng hóa qua cảng này (cả hàng rời và hàng tổng hợp) được thiết kế 1,5 triệu tấn mỗi năm.
Dự án sẽ được đầu tư thành 2 phân kỳ. Trong đó giai đoạn 1 (năm 2020-2021) xây dựng cho tàu 50.000 DWT ra vào và các hạng mục phía sau bến, trước bến. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ được đầu tư sau năm 2021 nhằm nạo vét luồng tàu và khu nước trước bến đến độ sâu bảo đảm cho tàu có tải trọng đến 70.000 DWT vào bến neo đậu, bốc xếp hàng hóa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho biết, dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhờ tạo thêm nhiều việc làm, nộp thuế cho ngân sách tỉnh, đồng thời đưa hoạt động kinh tế biển của tỉnh phát triển mạnh hơn. Thanh Hóa cam kết sẽ đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư hoạt động hiệu quả.
Ý kiến ()