Tàu cao tốc Cần Thơ-Côn Đảo phải giảm tốc do sạt lở đê nghiêm trọng tại Sóc Trăng
Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT liên quan tới phản ánh của cử tri tỉnh Sóc Trăng về tàu cao tốc tuyến Cần Thơ – Côn Đảo hoạt động trở lại gây sạt lở nghiêm trọng đê bao cồn tại khu vực tỉnh Sóc Trăng.
Văn bản cho biết, tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo Cần Thơ – Côn Đảo hành trình từ Cảng thủy nội địa hành khách du lịch Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đến cảng Bến Đầm (Côn Đảo) và ngược lại đi qua luồng hàng hải Định An – sông Hậu do Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ quản lý.
Tại đầu bến Cần Thơ, tàu khởi hành từ Cảng thủy nội địa hành khách du lịch Ninh Kiều do Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV quản lý, cấp phép. Tại đầu bến Côn Đảo, tàu khởi hành từ cảng Bến Đầm do Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu quản lý, cấp phép.
Hiện nay, có 3 tàu cao tốc hoạt động trên tuyến.
Để bảo đảm lịch chạy tàu theo bảng đăng ký, tàu hoạt động trên tuyến hành trình với tốc độ khoảng từ 20 – 27 hải lý/giờ. Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, do lượng khách sụt giảm nên hiện nay tàu Mai Linh Express chỉ duy trì 1 chuyến/tháng.
Hai tàu khác là tàu Côn Đảo Express và tàu Trưng Nhị của Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc có sức chở 598 hành khách đã đăng ký hoạt động tuyến vận tải hành khách cố định trên tuyến với tần suất 1 ngày/1 chuyến đi hoặc về. Các tàu hoạt động trên tuyến hành trình với tốc độ khoảng 25 hải lý/giờ để bảo đảm lịch chạy tàu đã công bố và đạt hiệu quả khai thác.
Yêu cầu các hãng tàu giảm tốc
Sau khi nhận được phản ánh của người dân về hoạt động của tàu cao tốc gây sạt lở bờ sông, mất an toàn giao thông đường thủy khi tàu cao tốc hành trình qua địa phận tỉnh Sóc Trăng, cơ quan này đã chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ chủ trì phối hợp cùng Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng, Sở GTVT Cần Thơ, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV và các doanh nghiệp có tàu hoạt động trên tuyến cùng các bên liên quan tại địa phương, tổ chức cuộc họp để xem xét giải quyết, đề ra các giải pháp hạn chế ảnh hưởng hoạt động của tàu cao tốc tuyến Cần Thơ – Côn Đảo khi hành trình trên tuyến luồng hàng hải Định An – sông Hậu.
Cảng vụ cũng đã tổ chức cuộc họp với nhiều đơn vị liên quan nhằm đánh giá tình hình sạt lở bờ sông trên địa phận huyện Trà Ôn – tỉnh Vĩnh Long và huyện Kế Sách – tỉnh Sóc Trăng do ảnh hưởng của tàu cao tốc hoạt động tuyến Cần Thơ – Côn Đảo; đánh giá các giải pháp đã triển khai và đề xuất, kiến nghị nhằm giảm thiểu tình trạng sạt lở bờ sông.
Theo đó, đại diện các bên tham dự đã thống nhất hiện tượng sạt lở bờ sông cùng biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang là vấn đề nóng và đã tồn tại lâu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Để có giải pháp khắc phục, hạn chế sạt lở bờ sông triệt để, cần có những nghiên cứu khoa học để đưa ra các giải pháp phù hợp đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế – xã hội tại địa phương.
Để giảm thiểu tình trạng này, Cảng vụ đã yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, có việc yêu cầu tàu Mai Linh Express giảm tốc độ chạy tàu dưới 20 hải lý/giờ khi đi qua các khu vực sạt lở, khu vực dân cư, các đoạn sông hẹp, hành trình giữa sông.
Cần đánh giá chính xác ảnh hưởng do sóng tàu có thể gây ra sạt lở
CTCP Mai Linh Tây Đô cũng được yêu cầu mời người dân và các bên có liên quan tại địa phương cùng tham gia khảo sát thực tế tốc độ chạy tàu để đánh giá mức độ ảnh hưởng của sóng do tàu gây ra đến việc sạt lở bờ sông; Xây dựng lại phương án chạy tàu phù hợp sau khi đi khảo sát, đảm bảo hạn chế thấp nhất sóng do tàu gây ra và vẫn đúng thời gian chạy tàu đã đăng ký.
Về lâu dài, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Công ty CP Mai Linh Tây Đô đặt hàng Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu đề tài khoa học về ảnh hưởng sóng do tàu gây ra để có đánh giá chính xác về mức độ ảnh hưởng, nguyên nhân sạt lở và đề ra giải pháp phù hợp sớm khắc phục.
Ý kiến ()