Tàu Bệnh viện khởi hành chuyến khám chữa bệnh đầu tiên tại Trường Sa
Sáng 20-5, Bệnh viện “nổi” trên biển mang tên HQ561 đã bắt đầu hải lộ đầu tiên khám chữa bệnh cho quân và dân tại quần đảo Trường Sa.
– Sáng 20-5, Bệnh viện “nổi” trên biển mang tên HQ561 đã bắt đầu hải lộ đầu tiên khám chữa bệnh cho quân và dân tại quần đảo Trường Sa.
Trước đó, kể từ khi được hạ thủy vào tháng 4-2012 đến nay, HQ561 đã thực hiện thành công năm chuyến đưa đoàn công tác đến thăm các đảo và nhà giàn ở huyện đảo này.
Theo trung úy, bác sĩ Thái Đàm Lương, trong chuyến đi này, tàu HQ561 chở 31 bác sĩ, dược sĩ và kỹ sư của Bệnh viện 187, Bệnh viện Y học Hải quân, Đội điều trị 486 thuộc Bộ Tư lệnh vùng 4… Đây là những bác sĩ ưu tú, có kinh nghiệm đi biển cũng như hoạt động khám chữa bệnh trên biển.
Dự kiến, con tàu mang hình chữ thập màu đỏ, biểu trưng cho hòa bình này sẽ đến tất cả các nhà giàn và điểm đảo để khám chữa bệnh cho quân và dân trên tất cả các điểm đảo và nhà giàn, cũng như cấp cứu cho các ngư dân gặp nạn trên biển.
Các trang thiết bị cũng như nhân lực trên tàu đủ đáp ứng cho việc điều trị tất cả các ngành nội, ngoại khoa, thần kinh, da liễu, sản phụ khoa, nội nhi, chẩn đoán hình ảnh…, đặc biệt là điều trị các bệnh do tai biến vì lặn sâu của ngư dân.
Tại các đảo nổi, tàu Bệnh viện sẽ thực hiện việc khám chữa bệnh ngay trên đảo, nhằm khai thác các trang thiết bị y tế hiện có trên đảo và mang những trang thiết bị hiện đại trên tàu như điện tim, siêu âm… Các bác sĩ cũng sẽ lấy mẫu máu của bệnh nhân và mang về tàu để xét nghiệm.
Còn với các đảo chìm và nhà giàn, tàu HQ561 sẽ phối hợp để đưa người bệnh lên tàu khám chữa bệnh.
Tàu HQ561 có trọng tải 2.200 tấn, do Nhà máy Z189 đóng cho Hải quân Việt Nam. Tàu được đầu tư khá hiện đại với 15 giường bệnh, 4 buồng bệnh, một kho vật tư, một kho thuốc và nhiều phòng chức năng như phòng hồi sức cấp cứu, điện tim, răng – hàm – mặt, xét nghiệm, phòng mổ, nội soi, siêu âm, buồng giảm áp và phòng X-quang. Đặc biệt, phòng nội soi được trang bị máy tân tiến nhất giúp chẩn đoán và điều trị nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng và đại trực tràng. Riêng phòng mổ được trang bị camera trực tuyến có khả năng kết nối với những chuyên gia đầu ngành và Bệnh viện Quân y 175 nhằm hỗ trợ thực hiện những ca phẫu thuật phức tạp, nguy hiểm ngay trên tàu. Buồng giảm áp được trang bị máy giảm áp thế hệ mới nhất của Mỹ, có nhiệm vụ khám tuyển quân nhân làm nhiệm vụ tàu ngầm và có thể cấp cứu cùng lúc 10 người gặp tai biến khi lặn – một tại nạn thường gặp của ngư dân đi biển.
Bác sĩ Lương cho biết, trước đây, khi chưa có tàu này, hải quân Việt Nam đã thực hiện một chuyến khám chữa bệnh thử nghiệm bằng tàu vận tải. Theo đó, toàn bộ máy móc sẽ được chở đến đảo để thực hiện việc khám chữa bệnh. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều máy móc sẽ bị hư hỏng do va đập nếu khám chữa bệnh theo cách này.
Ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh, các bác sĩ gồm có ba kíp ngoại khoa, hai kíp chẩn đoán hình ảnh và hai kíp gây mê hồi sức còn thực hiện nhiệm vụ phẫu thuật thực nghiệm trên động vật trong điều kiện sóng gió cũng như điều kiện bình thường để đánh giá khả năng sử dụng thực tế của con tàu hiện đại này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()