Tất bật chăm sóc, phục hồi gốc đào cảnh sau tết
– Những năm gần đây, sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, người trồng đào ở Lạng Sơn lại tất bật với công việc chăm sóc, phục hồi các gốc đào của vườn nhà cũng như các gốc đào mà khách gửi chăm sóc. Công việc này không chỉ giữ được vẻ đẹp của cây đào cho mùa vụ mới mà còn tăng thu nhập cho các chủ vườn.
Trong 3 năm trở lại đây, thay vì phải bỏ ra một khoản tiền có giá trị để mua đứt các cây đào to, đẹp thì một số gia đình, đơn vị, doanh nghiệp tìm đến các vườn đào để thuê về “chơi” tết. Sau tết, các gốc đào này được trả lại cho chủ vườn chăm sóc. Cùng đó, một số gia đình mua cây thì sau khi “chơi” tết còn gửi gốc đào cho nhà vườn chăm sóc với một khoản chi phí nhất định. Anh Nguyễn Hà, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: Nhà tôi có gốc đào rừng rất đẹp. Trước đây, sau khi “chơi” tết xong, tôi tự trồng ở nhà thì không cho ra hoa đúng vụ thậm chí có năm không ra hoa. Hai năm trở lại đây, tôi gửi ở nhà vườn có kinh nghiệm tại xã Quảng Lạc chăm sóc với tiền công là 1 triệu đồng/năm đã tiết kiệm hơn so với mua gốc đào mới mà lại vẫn có đào đẹp để “chơi” tết.
Người dân xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn chăm sóc đào sau tết
Có dịp đến thăm vườn đào của gia đình anh Hoàng Văn Hưng, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn vào những ngày gần Tết Nguyên đán và trở lại dịp giữa tháng Giêng năm Quý Mão, chúng tôi được chứng kiến không khí nhộn nhịp vận chuyển cây đào ở đây. Nếu như trước tết, gia đình anh bận rộn với việc đưa cây lên chậu, chuyển giao cho khách thì sau tết lại tất bật vận chuyển đào về vườn để chăm sóc. Việc chăm sóc đào cảnh sau tết đòi hỏi đúng kỹ thuật nên những ngày này, người trồng đào dành nhiều thời gian cho việc làm đất, chăm sóc cây. Anh Hưng cho biết: Gia đình tôi trồng hơn 1.000 gốc đào các loại. Hiện tại, gia đình tôi nhận chăm sóc một số gốc đào của khách với giá từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/gốc/năm. Với nhu cầu ngày càng cao nên thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng quỹ đất để nhận chăm sóc thêm được nhiều gốc đào của khách hàng.
Được biết, quá trình chăm sóc đào sau tết rất công phu, đòi hỏi người chăm sóc phải đầu tư nhiều thời gian, công sức. Đối với các gốc đào cũ do trong quá trình “chơi” tết thường ít được chăm sóc, tưới nước hay cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng nên việc trồng lại cần phải kỹ hơn. Các chủ vườn phải lấy đất màu mỡ ở nơi khác về vun luống nhằm có đất tơi xốp, nhiều dưỡng chất. Cùng đó là bôi vôi ngay trên những cành đào vừa cắt để tránh chảy nhựa. Các cây đào sẽ được cắt tỉa lại cành và đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật ngay từ những ngày đầu. Theo người dân trồng đào trên địa bàn tỉnh, thời gian để chăm sóc và phục hồi cây đào tốt nhất là trước ngày lập xuân hằng năm. Sau khi làm lại đất tơi xốp, bón phân, tưới nước… giúp cây bám rễ tốt, các chủ vườn bắt đầu cắt tỉa cành, ghép cành và tạo dáng cho cây phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Mỗi nhà vườn lại có bí quyết riêng để chăm sóc cây đào sau dịp tết.
Bà Nguyễn Thị Huế, Trưởng Phòng Trồng trọt – Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Đào là loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Để người dân trồng đào có thêm hiểu biết, kỹ năng chăm sóc đào, chúng tôi đã tham mưu với lãnh đạo chi cục, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đào cảnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành có liên quan tổ chức các buổi tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đào.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 560 ha đào, được trồng ở hầu hết các huyện, thành phố, trong đó, tập trung tại thành phố Lạng Sơn và các huyện: Bắc Sơn, Hữu Lũng, Văn Quan… với các loại đào phổ biến như: đào bích, đào phai, đào bạch, đào Mẫu Sơn, đào thất thốn… Nghề trồng đào cảnh trên địa bàn tỉnh những năm gần đây ngày càng phát triển, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân (hộ thu nhập cao từ 300 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/năm, hộ ít cũng có thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên).
Vụ đào mới lại bắt đầu với sự ủng hộ của tiết trời xuân. Dù là đầu vụ nhưng người dân rất chuyên tâm, cẩn thận chăm sóc chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán năm sau.
Ý kiến ()