Tất bật chăm sóc đào cảnh sau tết
– Sau Tết Nguyên đán, các chủ vườn đào trên địa bàn tỉnh lại tất bật với công việc thu gom và chăm sóc lại các gốc đào cảnh.
Toàn tỉnh hiện có 470 ha đào với các loại đào phổ biến như: đào bích, đào phai, đào thất thốn… Đào được trồng ở hầu hết các huyện, thành phố, trong đó tập trung tại thành phố Lạng Sơn và các huyện: Bắc Sơn, Hữu Lũng, Văn Quan…
Những năm gần đây, một số gia đình, đơn vị, doanh nghiệp đã tìm đến các vườn đào để thuê cây đào về trưng dịp Tết Nguyên đán. Sau tết, các cây đào này được trả lại cho chủ vườn chăm sóc. Ông Trần Văn Nhiễm, khối Đại Thắng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Gia đình tôi hiện có trên 600 gốc đào thất thốn. Đối với giống đào này, cây càng nhiều tuổi, giá trị càng lớn. Do đó, thay vì mua đứt cây, nhiều gia đình, doanh nghiệp chọn thuê cây để chơi trong dịp Tết Nguyên đán. Tết Giáp Thìn vừa qua, ngoài bán cây gia đình tôi còn cho thuê khoảng 100 gốc đào thất thốn. Khách hàng thuê chủ yếu là người dân trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành như: Quảng Ninh, Hà Nội… Giá cho thuê cây dao động từ 700.000 đồng đến 5.000.000 đồng/cây tuỳ vào độ to, nhỏ và thế đào. Hiện gia đình tôi đang thu gom, vặt hoa, cắt tỉa và làm đất để trồng lại các gốc đào. Trước rằm tháng Giêng, gia đình sẽ thu lại toàn bộ cây để tiến hành phục hồi và chăm sóc lại cây phục vụ thị trường tết năm sau.
Bên cạnh việc thuê cây, một số gia đình, đơn vị lại chọn mua đứt cây đào để chơi trong dịp tết. Sau tết các gốc đào được gửi lại nhà vườn để chăm sóc với một khoản chi phí nhất định. Anh Nguyễn Anh Dũng, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: Gia đình tôi có một gốc đào thất thốn đã nhiều năm tuổi. Tôi không có kỹ thuật chăm sóc, cùng đó điều kiện khí hậu tại địa phương cũng không phù hợp nên cây vàng lá và nở hoa không đúng dịp tết. Do đó, nhiều năm nay gia đình tôi đã chuyển cây lên nhà vườn tại thành phố Lạng Sơn để chăm sóc. Nhờ đó, cây đào ra hoa đẹp, nở đúng dịp tết.
Sau tết là thời điểm các hộ dân, hợp tác xã trồng đào trên địa bàn tỉnh tất bật với công việc phục hồi, chăm sóc các gốc đào. Công việc này không chỉ giúp giữ được vẻ đẹp của cây đào cho mùa vụ mới mà còn giúp tăng thu nhập cho các chủ vườn.
Anh Nguyễn Văn Quỳnh, thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn cho biết: Sau tết do không có đất trồng và không nắm được kỹ thuật, nhiều gia đình, doanh nghiệp đã tìm đến nhà vườn gửi cây đào để chăm sóc. Tùy vào nhu cầu của khách hàng mà gia đình sẽ dành một phần diện tích đất vườn để trồng và chăm sóc các gốc đào này. Sau khi cây được vận chuyển về tôi sẽ tiến hành vặt hoa, cắt tỉa cành, tạo tán… Tùy thuộc vào sự sinh trưởng, tổn thương bộ rễ mà mỗi cây đào sẽ cách chăm sóc khác nhau. Chi phí để chăm sóc các gốc đào thường dao động từ 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng tùy cây. Đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi đã nhận chăm sóc hơn 50 gốc đào các loại.
Đào là loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh việc phục hồi, chăm sóc lại những gốc đào cũ, hiện nhiều chủ vườn còn áp dụng khoa học kỹ thuật ươm giống, trồng thêm các lứa cây mới.
Bà Phùng Thị Kim Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vật thực vật tỉnh cho biết: Để người trồng đào nắm được quy trình kỹ thuật, chi cục thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành có liên quan tổ chức các buổi tập huấn cho người dân. Ngoài ra, chi cục tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đào cảnh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, công việc thu gom gốc đào sau tết thường được các nhà vườn thực hiện bắt đầu từ mùng 10 tháng Giêng và kết thúc sau đó khoảng 20 ngày. Những gốc đào vận chuyển về đến vườn đầu tiên là phải làm tươi cho cây bằng cách để trong bóng mát, cắt bớt cành lá, tưới nước, sau vài ngày mới hạ đất, trồng bầu…. Như vậy cây mới nhanh bén rễ, sinh trưởng phát triển tốt.
Với kinh nghiệm của các chủ vườn, các gốc đào sẽ được chăm sóc đúng kỹ thuật, hứa hẹn sẽ kịp khoe sắc vào đúng dịp tết năm sau. Qua đó, góp phần làm đẹp không gian của mỗi gia đình mỗi dịp tết đến, xuân về.
Ý kiến ()