Từ đầu năm đến nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, quá trình cải tổ ngân hàng thật sự không dễ dàng gì khi đồng thời vừa phải giải quyết thanh khoản cho các ngân hàng hoạt động bình thường vừa phải xử lý những ngân hàng có nợ xấu nhưng không ảnh hưởng đến toàn hệ thống.Đây là một quá trình cần thiết, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) một mặt thận trọng nhưng cũng phải quyết liệt hơn trong quá trình triển khai.Thực tế thời gian qua, chính sách tiền tệ đã được NHNN điều hành khá linh hoạt và chủ động, phối hợp tương đối nhịp nhàng với chính sách tài khóa. Thay vì như trước đây mỗi khi chính sách tài khóa có dấu hiệu nới lỏng thì chính sách tiền tệ lại có sự thắt chặt tương đối, hay ngược lại, thời gian gần đây, cụ thể là trong sáu tháng qua, hai chính sách đã có những bước đi song hành, hỗ trợ lẫn nhau. Nhờ đó, xếp hạng tín dụng của Việt Nam được nâng lên một bước,...
Từ đầu năm đến nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể. |
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, quá trình cải tổ ngân hàng thật sự không dễ dàng gì khi đồng thời vừa phải giải quyết thanh khoản cho các ngân hàng hoạt động bình thường vừa phải xử lý những ngân hàng có nợ xấu nhưng không ảnh hưởng đến toàn hệ thống.
Đây là một quá trình cần thiết, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) một mặt thận trọng nhưng cũng phải quyết liệt hơn trong quá trình triển khai.
Thực tế thời gian qua, chính sách tiền tệ đã được NHNN điều hành khá linh hoạt và chủ động, phối hợp tương đối nhịp nhàng với chính sách tài khóa. Thay vì như trước đây mỗi khi chính sách tài khóa có dấu hiệu nới lỏng thì chính sách tiền tệ lại có sự thắt chặt tương đối, hay ngược lại, thời gian gần đây, cụ thể là trong sáu tháng qua, hai chính sách đã có những bước đi song hành, hỗ trợ lẫn nhau. Nhờ đó, xếp hạng tín dụng của Việt Nam được nâng lên một bước, từ chỗ triển vọng tiêu cực đã được chuyển thành triển vọng ổn định. Cũng chính sự ổn định trở lại của thị trường tiền tệ đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Phó Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải cho biết: Việc siết lại quy định cho vay ngoại tệ chỉ dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp có nhu cầu thanh toán ngoại tệ, sử dụng linh hoạt các công cụ bơm hút tiền, truyền thông minh bạch nên chính sách tiền tệ và thị trường ngoại hối đã phát huy tác dụng. Theo ghi nhận của Phó Tổng giám đốc Phạm Hồng Hải, các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm trở lại với thị trường vốn Việt Nam khi lạm phát giảm và tỷ giá ổn định.
Đánh giá về việc điều hành chính sách tiền tệ sáu tháng đầu năm của NHNN, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng: Trong hoàn cảnh đặc biệt thì cần những giải pháp đặc biệt, nếu xét về ngắn hạn, NHNN đã làm tốt. Nhìn vào kết quả thì nổi bật nhất là thanh khoản các ngân hàng không còn là nỗi lo thường trực của NHNN, lãi suất đã giảm nhanh, và nhất là sự ổn định của thị trường ngoại hối giúp NHNN mua vào lượng dự trữ ngoại tệ lớn, gần đạt mức kỷ lục trước đây.
Cũng theo TS Lê Xuân Nghĩa, việc lập lại trật tự trong việc tuân thủ trần lãi suất tiền gửi, trích lập dự phòng nợ xấu,… của NHNN có thể tạo khó khăn cho một số ngân hàng và làm tình hình nợ xấu trầm trọng hơn, nhưng ông Nghĩa khẳng định: Đây là việc làm cần thiết vì nếu không đối mặt trực diện với những vướng mắc thì không thể giải quyết cơ bản những vướng mắc đó.
Theo báo cáo của Thống đốc NHNN trong phiên họp Quốc hội vừa qua thì nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã lên tới khoảng 10% tổng dư nợ, với con số tuyệt đối lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, đây chính là điểm mấu chốt và nếu NHNN không rốt ráo xử lý thì việc lưu thông tiền tệ sẽ không thể thực hiện được. Ngân hàng muốn cho vay mới thì phải tìm cách “tiêu hóa” được các món nợ cũ. Vấn đề quan trọng của tái cấu trúc ngân hàng là giải quyết dứt điểm nợ xấu. Cụ thể hơn, công cuộc tái cấu trúc ngân hàng chỉ hoàn thành khi giải quyết dứt điểm nợ xấu và có được nền tảng pháp lý bảo đảm rằng nợ xấu không xuất hiện trong tương lai. Phân tích cụ thể hơn, ông Nghĩa cho rằng để không lặp lại nợ xấu sau 10 năm nữa thì cần công khai minh bạch tình trạng tài chính của các ngân hàng thương mại và áp dụng chuẩn mực quốc tế về hạch toán nợ xấu và báo cáo tài chính; đặc biệt là quản lý rủi ro của ngân hàng cần được thực hiện chặt chẽ và tuân thủ quy định quản lý rủi ro hiện tại.
Đây không phải là lần đầu ngành ngân hàng Việt Nam đối mặt với bài toán nợ xấu, và bản thân các nước trên thế giới sau mỗi lần khủng hoảng cũng đều phải giải bài toán này. Trước đây, NHNN đã sử dụng biện pháp khoanh nợ, giãn nợ để xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam khi nợ xấu chủ yếu nằm trong khối doanh nghiệp nhà nước. Biện pháp này trong thời điểm hiện nay không còn phù hợp bởi nợ xấu nằm ở rất nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau. Giải pháp hữu hiệu nhất lúc này là thành lập Công ty mua bán nợ xấu (AMC) như đề xuất của NHNN, đây cũng là cách mà nhiều nước đã áp dụng thành công sau cuộc khủng hoảng năm 2008, tất nhiên là cách thức vận hành AMC cần nghiên cứu thêm để phù hợp với đặc thù Việt Nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()