Tập trung xây dựng hải quan “phi giấy tờ”
– Năm 2022, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, của Tổng cục Hải quan, Hải quan Lạng Sơn tập trung nhân lực, vật lực để xây dựng hải quan “phi giấy tờ”, từng bước hướng đến xây dựng thành công hải quan số, hải quan thông minh trong những năm tiếp theo.
Những năm qua, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK), Hải quan Lạng Sơn đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động XNK hàng hóa tại các cửa khẩu của tỉnh. Tuy vậy, một số thủ tục hải quan vẫn phải triển khai thủ công , cụ thể đến cuối năm 2021, vẫn còn 20 – 25% số thủ tục hải quan chưa được “số hóa”. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoạt động của ngành hải quan, đặc biệt là trong môi trường triển khai các hoạt động, quy trình khai báo trên Nền tảng cửa khẩu số, cũng như trên Cổng thông tin dịch vụ quốc gia.
Cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tân Thanh kiểm tra các thông tin của lô hàng xuất khẩu qua hệ thống giám sát điện tử
Ông Nguyễn Anh Tài, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết: Nhằm hướng đến thực hiện khai báo trên hệ thống, loại bỏ việc sử dụng giấy tờ trong thực hiện thủ tục khai báo hải quan, ngay từ đầu năm 2022, Cục Hải quan Lạng Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của cục và cử cán bộ tham gia các đợt tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số. Cùng đó, cục đã đầu tư kinh phí nghiên cứu, ứng dụng 5 phần mềm mới phục vụ quy trình nghiệp vụ trên nền tảng số nhằm hoàn thiện và chuyển sang “số hóa” các thủ tục hải quan. Song song với đó, lãnh đạo cục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát cắt giảm những chứng từ, giấy tờ, trình tự, thủ tục không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với định hướng xây dựng mô hình hải quan “phi giấy tờ”, “hải quan thông minh”.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Hải quan Lạng Sơn đã áp dụng các phần mềm công nghệ tiến tiến vào quy trình nghiệp vụ và dành nhiều nguồn lực để đầu tư nâng cấp hệ thống hải quan để đồng bộ hóa với Nền tảng cửa khẩu số của tỉnh đang triển khai, đồng bộ với hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Ông Nguyễn Tiến Bộ, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cho biết: Thời gian qua, chi cục đã triển khai mô hình quản lý chuỗi cung ứng tích hợp theo hướng dẫn tại khung an ninh và tạo thuận lợi thương mại (SAFE) của Tổ chức hải quan thế giới. Công tác soi, kiểm tra hàng hóa cũng được tiến hành qua hệ thống soi công-ten-nơ điện tử. Song song với đó là thực hiện “số hóa” kết quả giải quyết thủ tục hải quan… Đến thời điểm hiện tại, 99% các thủ tục liên quan tới hàng hóa XNK của doanh nghiệp làm thủ tục qua chi cục đều được thực hiện thông qua hệ thống tự động trên nền tảng số mà không phải sử dụng bản giấy.
Cùng về vấn đề này, ông Phùng Văn Ba, Phó Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho biết: Hàng hóa XNK qua cửa khẩu phần lớn là hàng hóa thuộc luồng xanh, do vậy, việc kiểm soát, kiểm tra chất lượng, chủng loại, mã hàng… đều xử lý tự động trên hệ thống điện tử. Vì vậy, Chi cục đã chủ động triển khai thủ tục hải quan và các thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa XNK hoàn toàn trên môi trường điện tử, hiện nay, 99,6% thủ tục liên quan đều được xử lý tự động trên hệ thống điện tử. Vì thế, đối với những lô hàng luồng xanh chỉ mất 1 – 2 phút là có thể thực hiện thông quan.
Chi cục Hải quan CKQT Hữu Nghị triển khai thiết bị soi công-ten-nơ tự động
Có mặt tại cửa khẩu Tân Thanh để thực hiện thông quan hàng hóa, ông Nông Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Bắc Giang (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết: Khi lên cửa khẩu, doanh nghiệp không cần phải cầm theo bất kỳ một loại giấy nào bởi trước đó, các giấy tờ liên quan đến lô hàng đã được kê khai trên hệ thống điện tử. Do vậy, khi hàng hóa lên cửa khẩu là chỉ đợi để thực hiện thông quan chứ không cần kê khai thêm. Điều này giúp doanh nghiệp giảm nhiều loại chi phí và thời gian đi lại.
Không chỉ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh mà các đơn vị hải quan trực thuộc Cục Hải quan Lạng Sơn cũng đang tập trung triển khai và đưa phần mềm quản lý toàn diện chuỗi thông quan dựa trên quản lý rủi ro, lấy phân tích dữ liệu trên hệ thống làm nền tảng và căn cứ xử lý hồ sơ hải quan mà không thực hiện kiểm tra qua hồ sơ giấy. Qua đó, theo thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, đến hết tháng 9/2022, số thủ tục hải quan, thủ tục hành chính phải sử dụng bản giấy chỉ còn khoảng 10%. Hiện tại, 90% các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến hoạt động hải quan đều ở cấp độ 4 và cấp độ 3, không còn dịch vụ nào ở cấp độ 2.
Được biết, hiện Cục Hải quan Lạng Sơn đang tiếp tục xây dựng và từng bước đưa các phần mềm quản lý theo chuỗi giá trị để đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát toàn bộ quá trình kê khai của doanh nghiệp cũng như quá trình xử lý của các bộ phận liên quan. Mục tiêu của Cục Hải quan Lạng Sơn là đến cuối năm 2023, các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan sẽ được chuẩn hóa, số hóa dữ liệu và được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, phi giấy tờ.
Ý kiến ()