Tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo trí tuệ, chính quy, mẫu mực phục vụ đổi mới công tác giáo dục, đào tạo
* Thượng tướng PHAN VĂN GIANG, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) trong quân đội giai đoạn 2011-2020 (gọi tắt là Chiến lược), công tác GD-ĐT của quân đội đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Trong các kết quả đó có sự trưởng thành, lớn mạnh của đội ngũ nhà giáo quân đội, đã xây dựng được nhiều thế hệ nhà giáo trí tuệ, chính quy, mẫu mực, là nhân tố quyết định chất lượng GD-ĐT trong quân đội.
Trong nội dung của Chiến lược xác định rõ: Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn theo quy định của Chính phủ, nâng cao chất lượng, bảo đảm đủ số lượng theo biên chế và dự trữ 10% của các học viện, trường. Phấn đấu đến năm 2020, 100% giảng viên các học viện, trường sĩ quan, trường đại học có trình độ đại học, trong đó hơn 60% trình độ sau đại học (trong đó có 25% trở lên là tiến sĩ); thực hiện 100% giảng viên giảng dạy đại học có trình độ sau đại học; 90% giáo viên các trường cao đẳng, trung cấp, trường quân sự quân khu, quân đoàn có trình độ đại học, trong đó 25% trình độ sau đại học. Các học viện, trường sĩ quan bảo đảm 100% giảng viên sử dụng được một ngoại ngữ thông dụng theo chuyên ngành… Những chỉ tiêu trên đặt ra cho hệ thống nhà trường quân đội nhiệm vụ không nhỏ về công tác xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đòi hỏi các trường và bản thân từng giáo viên, giảng viên phải thực sự nỗ lực, cố gắng mới có thể hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu Chiến lược đã đề ra.
Ngay sau khi Chiến lược được Bộ Quốc phòng (BQP) ban hành, các học viện, nhà trường bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, giáo viên với quyết tâm cao. Cục Nhà trường đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương (QUTW), BQP, Bộ Tổng Tham mưu, xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển GD-ĐT trong quân đội giai đoạn 2011-2020. Trong đó đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, phần việc, phương pháp tiến hành bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ nhà giáo quân đội, đồng thời xác định rõ các mốc thời gian hoàn thành. Từ kế hoạch chung, các học viện, nhà trường tiếp tục cụ thể hóa thành các chỉ tiêu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tiễn của đơn vị.
Thượng tướng Phan Văn Giang và lãnh đạo Học viện Quân y động viên các học viên bước vào năm học 2019-2020.
Nhận rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ nhà giáo đối với công tác GD-ĐT trong quân đội, QUTW, BQP đã thường xuyên chỉ đạo các trường quan tâm đặc biệt đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Trên cơ sở đội ngũ nhà giáo hiện có, các học viện, nhà trường đã tích cực tạo nguồn, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ về số lượng, đúng thành phần, cơ cấu và đã khắc phục cơ bản những bất cập về cơ cấu, độ tuổi. Qua 10 năm thực hiện Chiến lược cho thấy, số lượng nhà giáo luôn đáp ứng đủ nhu cầu của công tác GD-ĐT, có tỷ lệ dự phòng phù hợp với từng cấp học, từng chuyên ngành đào tạo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin… đối với đội ngũ nhà giáo được đặc biệt chú trọng. Các học viện, nhà trường đã quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 89/CT-BQP ngày 9-11-2016 của Bộ trưởng BQP về nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường quân đội. Với sự tích cực, chủ động của các nhà trường, đến năm 2019 đã có một số nhà trường (5 trường) đề nghị được đưa môn Ngoại ngữ vào thi tốt nghiệp. Việc cử nhà giáo đi học tập, bồi dưỡng ở các trường trong và ngoài quân đội, đi học tập, đào tạo ở nước ngoài, đi thực tế ở các đơn vị cũng được thực hiện tích cực, với gần 8.100 lượt cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia. Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu đã tích cực rà soát chất lượng đội ngũ nhà giáo và đã tham mưu với bộ, tổ chức được 125 lớp tập huấn, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, phương pháp nghiên cứu khoa học… cho gần 9.350 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong toàn quân. Đội ngũ nhà giáo đã tích cực tham gia diễn tập và tham quan diễn tập ở các cấp, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, góp phần tích cực vào việc nâng cao năng lực sáng tạo trong dạy học, từng bước chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong quân đội. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng hằng năm đã tạo động lực cho mỗi cán bộ, giảng viên quyết tâm hơn để nâng cao trình độ, yêu nghề hơn.
Hiện nay, tỷ lệ nhà giáo có trình độ sau đại học trong toàn quân đã tăng 20,71%; tỷ lệ cán bộ quản lý giáo dục có trình độ sau đại học tăng 11,65% so với năm 2011. Các học viện, trường sĩ quan đều có tỷ lệ nhà giáo có trình độ sau đại học cao hơn so với mục tiêu xác định trong Chiến lược (học viện đạt 73,22%; trường sĩ quan đạt 61,46%). Toàn quân trong 10 năm qua đã xét, đề nghị công nhận chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) đối với 523 nhà giáo (37 GS, 486 PGS); đề nghị trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND), Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) đối với 63 nhà giáo (5 NGND, 58 NGƯT); công nhận 1.104 nhà giáo đạt danh hiệu Nhà giáo giỏi cấp bộ. Kết quả đó đã góp phần động viên, khích lệ đội ngũ nhà giáo tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho công tác GD-ĐT và nghiên cứu khoa học trong quân đội.
Công tác chăm lo, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong quân đội cũng được chú trọng. BQP đã xây dựng cơ chế đãi ngộ phù hợp đối với các nhà giáo nói chung, nhất là các nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm, trình độ sư phạm đã chuyển ngành, hoặc nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy trong các trường quân đội. Chính sách ưu đãi để thu hút nhà giáo quân đội tình nguyện công tác lâu dài ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa cũng được thực hiện tích cực, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện của BQP. Các nhà trường cũng tích cực tạo điều kiện, đề ra các chính sách hợp lý để khuyến khích các nhà giáo phát huy năng lực chuyên môn trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tất cả những yếu tố đó đã bảo đảm cho hệ thống nhà trường quân đội luôn duy trì được đội ngũ nhà giáo có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, tạo cơ sở nền tảng để không ngừng nâng cao chất lượng GD-ĐT trong quân đội.
Những năm tới, nhiệm vụ xây dựng quân đội nói chung, xây dựng hệ thống nhà trường quân đội nói riêng sẽ có những thuận lợi nhất định. Đó là sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự đồng thuận của toàn dân trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc; uy tín, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế không ngừng nâng lên… Bên cạnh đó, chúng ta cũng gặp không ít thách thức, như: Khoa học công nghệ không ngừng phát triển với tốc độ nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng các “nhà trường thông minh” của quân đội; đồng thời mặt trái của cơ chế thị trường tác động mạnh tới tâm tư, tình cảm của đội ngũ nhà giáo; nhiệm vụ phát triển GD-ĐT của quân đội có những yêu cầu mới, ngày càng cao và nặng nề, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các học viện, nhà trường và bản thân mỗi nhà giáo… Vì vậy, để tiếp tục củng cố, xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT trong quân đội thời kỳ mới, các học viện, nhà trường, các cơ quan chức năng của quân đội cần làm tốt một số nội dung, biện pháp sau:
Trước hết, phải nghiên cứu, nắm chắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, QUTW, BQP về đổi mới toàn diện công tác GD-ĐT để triển khai công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo cho phù hợp với yêu cầu xây dựng, phát triển của quân đội. Hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, quân đội về công tác GD-ĐT chính là hành lang pháp lý để quy hoạch đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong quân đội bảo đảm đúng hướng, đúng mục tiêu mà chiến lược đặt ra. Vì vậy, các cơ quan chức năng, các học viện, nhà trường quân đội cần phải nghiên cứu, quán triệt sâu kỹ nội dung các văn bản, từ đó tham mưu với QUTW, BQP các giải pháp để tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI) của Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Kết luận số 16-KL/TW của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021; Luật Giáo dục; Luật Giáo dục đại học (sửa đổi năm 2018); Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11-2-2019 của QUTW về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới v.v.. Từ đó, tham mưu với QUTW, BQP xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án nhằm kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo từng giai đoạn, trước mắt là giai đoạn 2020-2030, định hướng cho những năm tiếp theo. Mục tiêu, yêu cầu đặt ra là, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo phải gắn kết chặt chẽ với định hướng xây dựng, phát triển Quân đội nhân dân Việt Nam, hệ thống nhà trường quân đội và nền giáo dục quốc dân.
Hai là, làm tốt công tác tạo nguồn, không ngừng hoàn thiện khung nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm khoa học, hiện đại. Công tác tạo nguồn nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội có nhiều thế hệ, có sự kế cận, kế tiếp hợp lý, với đầy đủ các thành phần, đúng cơ cấu, chuyên ngành, sát với đặc thù nhiệm vụ của các nhà trường quân đội. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nếu không làm tốt sẽ tạo ra khoảng trống trong quá trình dạy học, làm ảnh hưởng đến công tác GD-ĐT. Vì vậy, việc tạo nguồn nhà giáo quân đội phải được chú trọng thực hiện ngay từ các nhà trường, thậm chí ngay từ các khoa, ban trong các học viện, nhà trường. Do đó hằng năm các nhà trường cần phải rà soát đội ngũ nhà giáo, có kế hoạch bổ sung ngay những vị trí khuyết thiếu. Cục Nhà trường và các cơ quan chức năng phải bám sát các học viện, nhà trường, nắm chắc thực trạng số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo của toàn quân để tham mưu với QUTW, BQP các giải pháp ở tầm vĩ mô về tạo nguồn đội ngũ nhà giáo trong quân đội. Quá trình tạo nguồn cũng là quá trình chọn lọc đội ngũ nhà giáo, kiên quyết đưa ra khỏi công tác giảng dạy đối với những nhà giáo không còn đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Việc xây dựng khung nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo quân đội phải được ưu tiên xây dựng bảo đảm chuẩn quốc gia và đúng quy định của BQP, tiệm cận với những chương trình, phương pháp đào tạo khoa học, hiện đại trên thế giới. Phải làm cho nội dung, chương trình đào tạo giáo viên, giảng viên luôn đi sớm, đi trước về tính hiện đại, khoa học.
Ba là, tăng cường rèn luyện đội ngũ nhà giáo vững về lý luận, có kiến thức thực tiễn phong phú, chuẩn mực về nền nếp, tác phong. Đội ngũ nhà giáo quân đội luôn là những tấm gương cho học viên, do đó việc rèn luyện đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ lý luận sâu sắc, có kiến thức thực tiễn phong phú, chuẩn mực về nền nếp, tác phong là trách nhiệm của mỗi nhà trường quân đội. Yêu cầu đối với mỗi nhà giáo trong môi trường quân đội là phải hiểu rõ các hình thức tác chiến, hình thức chiến tranh và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của quân đội để đào tạo ra những sĩ quan (dù ở lĩnh vực nào) đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Do đó, mỗi trường phải thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phát huy vai trò gương mẫu, tính tự học, tự rèn của mỗi nhà giáo. Phải làm cho mỗi nhà giáo nhận rõ việc tự học, tự rèn theo hướng chuẩn hóa là đòi hỏi khách quan, là nhiệm vụ, trách nhiệm của bản thân đối với tập thể và sự nghiệp GD-ĐT của quân đội. Bên cạnh đó, các học viện, nhà trường cần phải tạo mọi điều kiện để các nhà giáo tham gia vào các hoạt động, nhất là các hoạt động liên quan đến công tác dạy-học như tập huấn, tọa đàm, hội thảo… để các nhà giáo tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, bồi dưỡng về phương pháp, tác phong. Khuyến khích và bảo đảm chế độ thỏa đáng, phù hợp với điều kiện của mỗi học viện, nhà trường, để các nhà giáo tích cực, tự nguyện tham gia nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ GD-ĐT.
Bốn là, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhiều nhà giáo đầu ngành, xây dựng đội ngũ nhà giáo giỏi, tiên phong trong các lĩnh vực mới, lĩnh vực khó. Thực tiễn cho thấy, sự nghiệp GD-ĐT trong quân đội sẽ càng chất lượng, hiệu quả khi có được đội ngũ chuyên gia sâu ở mọi lĩnh vực, có đội ngũ đông đảo các nhà giáo giỏi. Vì thế, Cục Nhà trường và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để xây dựng kế hoạch mang tính chiến lược, vĩ mô về bồi dưỡng, đào tạo chuyên gia, đội ngũ nhà giáo giỏi ở tất cả các lĩnh vực, chuyên ngành đào tạo của quân đội. Bản thân các học viện, nhà trường cũng cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề này và phải xác định là nhiệm vụ, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các học viện, nhà trường. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT, các học viện, nhà trường cần theo dõi chặt chẽ sự tiến bộ của các nhà giáo, kịp thời phát hiện các nhà giáo, cán bộ có tố chất, phẩm chất, năng lực tốt để lựa chọn, bồi dưỡng, rèn luyện thành các chuyên gia, nhà giáo giỏi. Nhiệm vụ này phải được tiến hành song song với việc chuẩn hóa các chức danh, danh hiệu đối với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc gia và quân đội trong công tác GD-ĐT. Cần phải tránh hiện tượng để các nhà giáo “đơn thương độc mã”, “tự bơi” trên con đường phấn đấu trở thành chuyên gia trong sự nghiệp GD-ĐT của quân đội.
Năm là, tích cực tổng kết thực tiễn, nêu bài học kinh nghiệm về xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong quân đội. Sự nghiệp GD-ĐT của quân đội là cả một quá trình lâu dài, bền vững, gồm nhiều giai đoạn, do đó việc tổng kết thực tiễn, đúc rút thành lý luận, bài học kinh nghiệm là rất cần thiết. Tổng kết kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta phát huy được những ưu điểm, thành tựu, hạn chế được những thiếu sót, giúp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội sớm đạt được thành quả mong đợi. Vì vậy các học viện, nhà trường cần phải tiếp tục nghiên cứu các vấn đề đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thực hiện Chiến lược ở cấp mình, để phát huy những kết quả, đồng thời tìm giải pháp khắc phục những hạn chế về xây dựng, đào tạo, rèn luyện đội ngũ nhà giáo trong suốt 10 năm qua. Trước mắt, cần tìm giải pháp sớm chuẩn hóa trình độ ngoại ngữ cho các giáo viên, giảng viên, bảo đảm đúng với quy định trong Chỉ thị số 89/CT-BQP ngày 9-11-2016 của Bộ trưởng BQP; phấn đấu nâng dần số lượng nhà giáo, chuyên gia đầu ngành, các nhà giáo có chức danh GS, PGS, NGND, NGƯT theo chuẩn của Nhà nước.
Xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội trí tuệ, chính quy, mẫu mực là một nhiệm vụ có tính cốt lõi trong sự nghiệp GD-ĐT của quân đội. Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với bản chất, truyền thống của Quân đội ta, với sự nỗ lực, quyết tâm của hệ thống nhà trường toàn quân và của mỗi nhà giáo quân đội, chắc chắn chúng ta sẽ luôn duy trì và xây dựng được đội ngũ nhà giáo quân đội vừa “hồng” vừa “chuyên”, đáp ứng tốt nhiệm vụ GD-ĐT của quân đội trong thời kỳ mới.
Ý kiến ()