Tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tích cực đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước
Đánh dấu chặng đường phát triển mới bằng kết quả toàn diện năm 2021, trong bối cảnh kinh tế, xã hội ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã minh chứng sức mạnh đoàn kết và năng lực đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh tập trung nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng bộ Khối đã lãnh đạo, chỉ đạo các đảng ủy doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp “vừa phòng, chống dịch-vừa sản xuất, kinh doanh” và “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, phục hồi kinh tế.
Nỗ lực được bù đắp khi phần lớn các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối, đều đạt và vượt so kế hoạch, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Việc đối diện khó khăn chưa từng có, chủ động vượt qua đã tạo nên những giá trị, động lực mạnh mẽ để các cấp ủy trong Đảng bộ Khối vươn tới những mục tiêu cao hơn, xa hơn.
Lãnh đạo sát sao nhiệm vụ chính trị
Từ nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng ta luôn xác định vị trí, vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quyết định thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, ngày 11/4/2007 của Bộ Chính trị đã đáp ứng kịp thời yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng đối với những doanh nghiệp giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế.
15 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Khối đã từng bước xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, nâng cao năng lực cấp ủy, lãnh đạo các doanh nghiệp đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Từ Đảng bộ gồm 31 tổ chức đảng trực thuộc, trong đó có 29 đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng; hai đảng bộ cơ quan với hơn 47.000 đảng viên, phát triển lên 38 đảng bộ trực thuộc, với 1.148 tổ chức cơ sở đảng, 5.742 chi bộ trực thuộc và gần 87.600 đảng viên.
Bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp nhà nước và xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ủy Khối đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận chuyên đề về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Qua từng giai đoạn, kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị luôn có mức tăng trưởng khá, cơ bản hoàn thành và vượt các chỉ tiêu quan trọng do Nghị quyết Đại hội các nhiệm kỳ đề ra. Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng luôn khẳng định vai trò dẫn dắt thị trường, thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ, là công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô; góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
Hiệu quả của những chủ trương đúng được minh chứng bằng kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khối qua những con số “biết nói”. Tại thời điểm cuối năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, so với năm 2010, vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng đạt 1.486.591 tỷ đồng, tăng 56,6%; lợi nhuận trước thuế đạt 162.861 tỷ đồng, tăng 69,7%; nộp ngân sách nhà nước đạt 254.908 tỷ đồng, tăng 72,1%.
Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kết quả sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng; lợi nhuận toàn Khối và tổng doanh thu đều giảm. Tuy nhiên, tổng nộp ngân sách của các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối vẫn đạt 106,9% kế hoạch năm. Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp với các đợt giãn cách xã hội liên tiếp, Đảng ủy Khối và cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp tích cực thực hiện “mục tiêu kép”.
Kết quả đáng ghi nhận khi các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch, tăng cao so cùng kỳ. Việc khảo sát nghiên cứu, tổng hợp thông tin từ doanh nghiệp góp phần quan trọng giúp Trung ương nắm rõ hơn tình hình các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng trong Khối; làm căn cứ để xây dựng cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Khắc phục những chậm trễ, vướng mắc trong thực hiện cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Đảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sáp nhập, chia tách, giải thể, thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết theo đề án được phê duyệt. Song song phát triển kinh tế, các doanh nghiệp chú trọng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nhất là vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, biên giới, biển đảo…
Trong các thời điểm đất nước gặp khó khăn do biến động từ môi trường quốc tế, thiên tai, dịch bệnh, các doanh nghiệp nhà nước luôn là công cụ mạnh để Nhà nước, Chính phủ điều tiết, giảm tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp trong Khối đã tham gia cứu trợ đồng bào di chuyển khỏi các vùng dịch trên thế giới, cung cấp vật tư, thiết bị y tế; miễn, giảm một số phí, giá dịch vụ, sản phẩm để ổn định thị trường… Các doanh nghiệp trong Khối luôn đi đầu thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; các chương trình an sinh xã hội trên cả nước, với tổng số tiền 30.898 tỷ đồng (2007-2015) và hơn 9.754 tỷ đồng (2016-2020).
Tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh
Bảo đảm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ Trung ương giao, Đảng bộ Khối luôn chú trọng các giải pháp toàn diện, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; kiện toàn bộ máy, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên; đẩy mạnh hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, công tác dân vận…
Từ đó, củng cố, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong các đơn vị, tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng thương mại thuộc Khối; chủ động phối hợp ban cán sự đảng các bộ, ngành, các ban đảng Trung ương nâng cao hiệu quả lãnh đạo các đảng bộ trực thuộc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội vững mạnh.
Điểm nhấn đáng chú ý từ triển khai Quy định số 69-QĐ/TW, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước có vốn chi phối là góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp nhà nước, tinh gọn đầu mối tổ chức, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo.
Hiện nay, 100% cấp ủy trực thuộc đã bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng thành viên/hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc doanh nghiệp; phó bí thư thường trực cấp ủy phụ trách công tác xây dựng Đảng. Ghi nhận bước đầu cho thấy, vai trò lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng tại doanh nghiệp nhà nước ngày càng rõ nét. Các ban sau hợp nhất cơ bản thực hiện tốt đồng thời chức năng tham mưu cho cấp ủy về công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ chuyên môn của doanh nghiệp.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các Quy định về trách nhiệm nêu gương đã trở thành việc làm thường xuyên. Hiệu quả thực tế được kiểm chứng bằng kết quả xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm, bằng số lượng, chất lượng đảng viên mới tăng lên qua mỗi nhiệm kỳ. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, doanh nghiệp được đề cao. Nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm, đặc biệt là các yếu kém trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được tháo gỡ.
Từ đó, lan tỏa năng lượng tích cực, nhân rộng phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo. Đã xuất hiện nhiều nhân tố tiêu biểu, điển hình tiên tiến, những quần chúng ưu tú giới thiệu bồi dưỡng kết nạp Đảng. Theo đó, bình quân từ năm 2007 đến 2020, các đảng bộ trực thuộc đã kết nạp 4.400 đảng viên mới/năm.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ Khối qua 15 năm đã góp phần phát hiện, chấn chỉnh khuyết điểm, cảnh báo vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên. Giai đoạn 2007-2022, thực hiện đúng phương châm “giám sát mở rộng”, “kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Khối luôn thực hiện nghiêm kế hoạch kiểm tra, giám sát chuyên đề; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 152 tổ chức đảng và 859 đảng viên (trong đó có 239 cấp ủy viên các cấp); giải quyết tố cáo đối với 20 tổ chức đảng và 325 đảng viên, giải quyết khiếu nại kỷ luật đối với 22 đảng viên; thi hành kỷ luật 48 tổ chức đảng cấp dưới và 3.122 đảng viên (trong đó có 643 cấp ủy viên các cấp).
Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực thi quyết liệt giúp doanh nghiệp giải quyết kịp thời, có hiệu quả những nguyện vọng chính đáng của công nhân, viên chức và người lao động; củng cố niềm tin đối với Đảng, tạo sự đồng thuận cao trong doanh nghiệp, đơn vị.
Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ Đại hội XIII, được Trung ương xác định đó là, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập.
Trong đó, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung vào những lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; lành mạnh hóa tài chính, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, tác động nhiều chiều từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước để giữ vững vai trò, vị trí nòng cốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhiệm kỳ này, Đảng bộ Khối xác định mục tiêu chủ yếu, tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, sức mạnh đoàn kết và năng lực đổi mới sáng tạo; tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, với 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 4 đột phá phát triển.
Phấn đấu đến năm 2025, các doanh nghiệp nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh; có 1-2 ngân hàng thương mại trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á và có ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài; tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn. Các tập đoàn, tổng công ty hoàn thành cơ bản mục tiêu, nhiệm vụ về cổ phần hóa và thoái vốn.
Để hiện thực hóa tầm nhìn, các cấp ủy đảng trong Đảng bộ đã chọn đột phá, lộ trình cụ thể, phù hợp điều kiện thực tiễn, nhằm huy động sử dụng tiết kiếm, hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là đất đai, khoa học-công nghệ, văn hóa, con người, tài chính. Song song phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực quản trị, đội ngũ trí thức và nguồn cán bộ chủ chốt, các cấp ủy chỉ đạo đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học-công nghệ; đổi mới sáng tạo; phát huy sức mạnh, hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ niềm tin, ý chí, lòng tự hào, khát vọng, sức mạnh của mỗi người lao động vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trước mắt, để nắm bắt cơ hội bứt phá, phù hợp xu thế tất yếu khách quan, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK về chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị. Đây là yêu cầu cấp bách, nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng; là công cụ thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, sức cạnh tranh, vị thế dẫn dắt trong nền kinh tế, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia trên ba trụ cột: kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.
Đảng ủy Khối xác định, chuyển đổi số thành công nhanh hay chậm phụ thuộc vào sự chuyển đổi nhận thức, sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội và đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là người đứng đầu. Theo đó, Đảng ủy Khối và các cấp ủy trực thuộc đã phân công lãnh đạo chủ chốt trực tiếp phụ trách công tác chuyển đổi số. Mỗi doanh nghiệp, đơn vị trong Khối xác định sớm lộ trình, bước đi phù hợp và tận dụng tối đa cơ hội để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
Với quyết tâm chính trị cao, hành động cụ thể, lộ trình đạt mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 tuy rõ ràng nhưng còn không ít khó khăn. Phá bỏ rào cản để tiến lên bằng tinh thần chủ động, sáng tạo, có sự hỗ trợ đắc lực của khoa học-công nghệ sẽ tạo đột phá.
Áp lực thay đổi đặt ra đề bài buộc cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa bảo đảm nền tảng thúc đẩy doanh nghiệp, đơn vị phát triển vững mạnh, hiệu quả; giữ vững vị trí then chốt, dẫn dắt nền kinh tế, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam cường thịnh, tự tin hội nhập sâu rộng nền kinh tế quốc tế.
Ý kiến ()