Tập trung xây dựng các mô hình phát triển sản xuất
LSO-Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX) thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.
Mô hình trồng quế tại xã Cao Minh, huyện Tràng Định |
Xã Cao Minh, huyện Tràng Định là 1 trong 5 xã đặc biệt khó khăn được tỉnh chỉ đạo điểm về đích xây dựng NTM, giai đoạn 2016 – 2020. Song song với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Cao Minh đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Hồ Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Mặc dù quế là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của xã, nhưng việc phát triển cây quế gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Năm 2016, từ nguồn vốn hỗ trợ PTSX, xã đã tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ các thôn thành lập 8 tổ hợp tác trồng quế. Xây dựng được hình thức tổ chức sản xuất mới, người dân tập trung mở rộng diện tích quế thêm 52 ha. Năm 2017, xã tiếp tục được hỗ trợ 406 triệu đồng để thực hiện trồng quế ở 4 thôn: Vằng Can, Khuổi Lài, Khuổi Nặp, Khuổi Làm quy mô hơn 56 ha với 97 hộ tham gia. Ngay khi được hỗ trợ, xã cùng người dân chuẩn bị kỹ từ giống, hiện trường, tập huấn kỹ thuật để sẵn sàng trồng khi đến thời vụ.
Cũng như xã Cao Minh, năm 2017, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng được phân bổ 420 triệu đồng vốn hỗ trợ PTSX. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, xã đã tìm hiểu, tham khảo lựa chọn các mô hình PTSX phù hợp. Qua đó, xã đã chọn mô hình trồng rau, củ, quả với tổng diện tích 7,53 ha. Trong đó, có 13 hộ trồng rau bò khai trên diện tích 1,63 ha tại thôn Hố Mười, 15 hộ mở rộng mô hình trồng dứa trên diện tích 5,9 ha tại thôn Cã Trong. Không chỉ hỗ trợ cụ thể vật chất, xã còn phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo phát huy hiệu quả các mô hình. Qua 2 tháng triển khai, mô hình đang phát triển ổn định.
Năm 2017, UBND tỉnh bố trí vốn hỗ trợ PTSX và các hình thức tổ chức sản xuất 28,63 tỷ đồng để thực hiện các dự án, mô hình điểm về PTSX từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và hỗ trợ cho 43 xã xây dựng các mô hình (gồm 24 xã đã đạt chuẩn NTM; 14 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2017 và 5 xã đặc biệt khó khăn tỉnh chỉ đạo phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 – 2020). Đến hết tháng 7/2017, có 10/11 huyện, thành phố thẩm định xong đề xuất và có quyết định phân bổ vốn cho các xã. Tổng số mô hình thực hiện là 41 mô hình. Trong đó, 16 mô hình trồng cây lương thực, thực phẩm; 2 mô hình ngành nghề; 9 mô hình chăn nuôi; 10 mô hình trồng cây ăn quả; 4 mô hình trồng cây dược liệu.
Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Quy trình lựa chọn, thẩm định mô hình được thực hiện theo định hướng chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn của ngành chuyên môn, do vậy, các mô hình được lựa chọn đã phát huy được thế mạnh của địa phương. Các mô hình sản xuất đã được áp dụng công nghệ cao như mô hình trồng cây ăn quả, trồng rau tại các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Bắc Sơn, Tràng Định, Cao Lộc… Một số huyện đã bước đầu quan tâm đến việc xây dựng nhãn hiệu, bao bì sản phẩm như: cao khô Vạn Linh, na Chi Lăng; thịt, rau của hợp tác xã Nà Sèn, thành phố Lạng Sơn; gạo nếp cái hoa vàng huyện Bắc Sơn…
Để nâng cao hiệu quả mô hình PTSX, thời gian tới, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các mô hình PTSX; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục trình phê duyệt các mô hình PTSX. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ, đảm bảo duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất trên địa bàn.
TÂN AN
Ý kiến ()