Tập trung vào phổ cập và bình đẳng giới
Giờ thực hành thí nghiệm tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Cao Lộc |
Quy mô trường, lớp hợp lý
Thống kê đến giữa tháng 1/2017, toàn tỉnh có 187.721 học sinh sinh viên (HSSV), trong đó có 160.662 HSSV là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 85,6%. Như vậy, trên thực tế đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển bền vững để thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, thực hiện quy hoạch GD&ĐT đến năm 2020, quy mô và sự phân bố trường học ở Lạng Sơn đã có sự hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc được đến trường một cách thuận lợi. Đến nay, toàn tỉnh đã có 743 trường, trong đó có 228 trường mầm non, 245 trường tiểu học, 229 trường THCS và 26 trường THPT. Bình quân mỗi xã vùng đồng bào dân tộc có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS hoặc phổ thông cơ sở; mỗi huyện, thành phố có 2,36 trường THPT, 1 trung tâm GDNN-GDTX và 1 trường THCS dân tộc nội trú.
Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Theo hướng “giáo viên bám dân, điểm trường bám thôn bản, liên thôn bản”, toàn tỉnh có 784 điểm trường mầm non và 720 điểm trường tiểu học, tạo điều kiện cho trẻ em từ 3-12 tuổi không phải đi quá xa. Vì vậy, tỷ lệ huy động trẻ độ tuổi nhà trẻ đạt 37,98%, huy động trẻ mẫu giáo đạt 98,78% (trẻ 5 tuổi đạt 99,9%); huy động học sinh vào lớp 1 đạt 99,94%, vào cấp THCS đạt 98,9%, vào THPT đạt 77,3%.
Triển khai các chính sách về GDDT của Đảng và nhà nước, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THCS và THPT dân tộc nội trú trong những năm gần đây đã tăng lên (cấp THCS chiếm 6,18% so với tuyển mới cấp THCS). Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, các địa phương đã thực hiện chuyển đổi, thành lập được 99 trường phổ thông dân tộc bán trú với trên 34 ngàn học sinh.
Mạng lưới giao thông tại xã và liên xã, liên thôn phát triển theo hướng “cứng hóa”, việc đầu tư xây dựng trường lớp, các công trình phụ trợ được đẩy nhanh, các chế độ cho học sinh và giáo viên vùng dân tộc được đảm bảo đã tăng cơ hội đến trường, chống tình trạng lưu ban, bỏ học của học sinh nói chung và học sinh dân tộc thiểu số nói riêng.
Duy trì phổ cập, tạo sự bình đẳng về GD&ĐT
Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ từ năm 1998; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và giáo dục THCS từ năm 2004 và hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi năm 2015 là những thành tựu rất lớn lao mà giáo dục Lạng Sơn đạt được. Với phương châm “Một hội đồng, hai nhiệm vụ”, công tác điều tra, huy động người trong độ tuổi ra lớp phổ cập luôn được các nhà trường thực hiện nghiêm túc. Đề án mở lớp bổ túc THPT xã, cụm xã thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 đã giúp trên 6.000 thanh niên, trong đó có nhiều cán bộ xã, thôn được học hết chương trình THPT, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và lao động địa phương. Hiện nay, ngành đang chỉ đạo cơ sở trường học thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng phổ cập phù hợp với tình hình địa phương, đảm bảo tính bền vững các tiêu chí phổ cập. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 10 tuổi trở lên biết chữ đã đạt trên 95%.
Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu quan trọng của GDDT ở tỉnh ta. Hiện nay, trong 160.662 học sinh là người dân tộc, thì có 79.319 học sinh nữ (chiếm tỷ lệ 49,4%). Với sự tuyên truyền sâu rộng của ngành GD&ĐT và các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị, trẻ em gái là người dân tộc đã không còn chịu sự thiệt thòi về quyền được đi học và được học hết cấp học.
Với sự phát triển hợp lý và tính bền vững của chương trình GDDT, tin chắc ngành GD&ĐT sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức 2 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ là phổ cập giáo dục tiểu học – xóa mù chữ và tăng cường bình đẳng giới trong giáo dục đối với các dân tộc thiểu số.
Ý kiến ()