Tập trung vào các sản phẩm chủ lực
LSO-Trước khi tính tới việc sẽ chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp nào thì các Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp phải có phương án tái cơ cấu. Muốn phương án hợp lý, có hiệu quả thì phải tập trung vào các sản phẩm chủ lực trên địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh.
Nông dân huyện Lộc Bình khai thác nhựa thông |
Trên địa bàn tỉnh hiện nay còn 2 Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp do UBND tỉnh quản lý, đó là Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đình Lập và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình. Điểm chung của 2 Công ty này là hầu như các phương án quản lý, sản xuất, kinh doanh không có gì thay đổi so với trước khi chuyển đổi loại hình. Bởi vậy hiệu quả không cao, thậm chí Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đình Lập đã phải nợ tới 1,7 tỷ đồng tiền lương và các loại bảo hiểm cho cán bộ.
Yêu cầu đặt ra là các công ty này phải tiếp tục sắp xếp, đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Thế nhưng trước khi tính tới việc sắp xếp, đổi mới thì trước tiên phải xây dựng được các phương án sản xuất, kinh doanh, hay nói cách khác là phương án tái cơ cấu hợp lý. Bà Nguyễn Anh Yến, Trưởng phòng Tài chính – Doanh nghiệp (Sở Tài chính) nhận định: cả 2 công ty đều lúng túng trong việc xây dựng phương án, muốn phương án khả thi, có hiệu quả, doanh nghiệp cần tập trung bám sát vào các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm chủ lực trên địa bàn.
Sản phẩm chủ lực ở đây không phải nói chung chung mà nó đã được tỉnh xác định. Ở vùng Đình Lập, Lộc Bình sản phẩm chủ lực là thông và nhựa thông. Diện tích thông ở 2 huyện này lên tới trên 65 nghìn héc ta; sản lượng nhựa đạt trên 2.500 tấn và sản lượng gỗ tròn đạt hơn 2,6 nghìn mét khối.
Ngày 22/3/2013, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 28 về “Triển khai dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ lực của doanh nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2012-2020”. Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình là 1 trong 20 doanh nghiệp được xác định là có sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ lực để đưa vào thực hiện dự án.
Mới đây nhất, ngày 2/7/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1030 “Phê duyệt quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Vùng thông Lộc Bình, Đình Lập là 1/19 vùng cây nguyên liệu trong quy hoạch này.
Có thể nhận thấy các dự án, quy hoạch kể trên có tác động tích cực, trực tiếp tới 2 Công ty Lâm nghiệp. Bởi từ trước tới nay, sản phẩm chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty này cơ bản là gỗ thông và nhựa thông. Tuy nhiên trong các phương án tái cơ cấu mà các công ty đưa ra vẫn còn rất chung chung chưa tập trung, bám sát vào nâng cao năng suất, chất lượng, đổi mới phương thức liên kết, thu mua sản phẩm để chế biến nâng cao giá trị… Chủ yếu vẫn tập trung vào trồng và khai thác.
Ông Chu Văn Đặng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình bộc bạch: muốn đổi mới, chẳng hạn như tập trung xây dựng nhà máy chế biến nhựa thông, nâng cao giá trị để xuất khẩu nhưng việc thu mua nguyên liệu từ trong dân là rất khó bởi sự cạnh tranh của các cơ sở thu mua tư nhân. Cũng với lý do trên, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đình Lập cho rằng: từ trước đến nay, mặc dù có hợp đồng với các hộ nhận giao khoán khai thác nhựa thông, nhưng dòng nhựa không đổ về công ty mà đổ ra các cơ sở thu mua nhỏ lẻ bởi các cơ sở này thu mua nhỉnh hơn vài giá.
Bà Nguyễn Anh Yến, Trưởng phòng Tài chính – Doanh nghiệp phân tích: chính bởi những khó khăn kể trên nên các doanh nghiệp cần phải đổi mới, trong đó phải tính toán, sắp xếp lại từ các phương án sử dụng đất, nhân lực đến liên doanh, liên kết với người dân và phải thực sự năng động để đạt được hiệu quả cao.
Cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp ở huyện Đình Lập – Ảnh: BT |
Một ví dụ điển hình là trước đây cũng có khá nhiều doanh nghiệp muốn thu mua để chế biến và xuất khẩu sản phẩm hồi, nhưng hầu hết đều e ngại về việc cạnh tranh trong thu mua nguyên liệu. Thế nhưng với sự năng động, sáng tạo trong liên doanh, liên kết với nông dân, Công ty TNHH Chế biến nông lâm sản Lạng Sơn đã thành công. Qua đó không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty mà có góp phần nâng cao giá trị, đưa sản phẩm hồi (một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh) xuất khẩu tới nhiều quốc gia, nâng cao thu nhập cho người trồng hồi.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()