LSO-Một tin vui cho sự phát triển kinh tế của Lạng Sơn, đó là, trung tuần tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Quy hoạch này định hướng 8 nhóm ngành công nghiệp sẽ phát triển như: luyện kim, cơ khí; điện tử, công nghệ thông tin; chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và đồ uống; năng lượng; dệt may, da giày; hóa chất; sản xuất vật liệu xây dựng; và công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, Lạng Sơn sẽ tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất xi măng, điện, lắp ráp ô tô cỡ nhỏ, chế biến gỗ, các sản phẩm nhựa, khu chế xuất… Dây truyền nén thủy lực sản xuất gạch bê tôngTheo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, 3 tháng đầu năm 2012, mọi lĩnh vực kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: thị trường tài chính chưa thực sự ổn định, ảnh hưởng đến niềm...
LSO-Một tin vui cho sự phát triển kinh tế của Lạng Sơn, đó là, trung tuần tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Quy hoạch này định hướng 8 nhóm ngành công nghiệp sẽ phát triển như: luyện kim, cơ khí; điện tử, công nghệ thông tin; chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và đồ uống; năng lượng; dệt may, da giày; hóa chất; sản xuất vật liệu xây dựng; và công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, Lạng Sơn sẽ tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất xi măng, điện, lắp ráp ô tô cỡ nhỏ, chế biến gỗ, các sản phẩm nhựa, khu chế xuất…
Dây truyền nén thủy lực sản xuất gạch bê tông
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, 3 tháng đầu năm 2012, mọi lĩnh vực kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: thị trường tài chính chưa thực sự ổn định, ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư, lãi suất tín dụng tăng cao, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 480 tỷ đồng (hơn 22% kế hoạch, tăng trên 10% so với cùng kỳ).
Nhìn lại năm 2011, sự suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, giá trị công nghiệp của Lạng Sơn tuy vẫn tăng trưởng khá nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp cả năm 2011 được hơn 1.860 tỷ đồng (đạt 92,1% kế hoạch). Theo đánh giá của ngành Công thương tỉnh, nguyên nhân chính là do giá vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng cao làm giá thành sản phẩm tăng, gây khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Xác định rõ tầm quan trọng của năm 2012, ngành Công Thương tỉnh đã sát cánh cùng các doanh nghiệp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất ổn định, đưa năng suất lao động lên mức cao nhất có thể, đặc biệt chú trọng vào những ngành, lĩnh vực then chốt, có tỷ trọng cao. Không chỉ vậy, lường trước được những thách thức của nền kinh tế trong năm 2012, ngày từ những ngày đầu bước vào thực hiện kế hoạch của năm nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ và thu hút đầu tư nhất là trong giải phóng mặt bằng, tiếp cận đất đai, nguồn vốn tín dụng, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu.Trong đó, đặc biệt ưu tiên các dự án đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp tại Lạng Sơn, tập trung xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Khai thác than ở Công ty than Na Dương
Sự định hướng, chỉ đạo đúng này đã tạo nên kết quả khả quan của quý I/2012. Sản xuất công nghiệp ở một số khu vực đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể: khu vực công nghiệp trung ương được 233,5 tỷ đồng, đạt 22,5%, tăng 7,7%; công nghiệp địa phương 221,3 tỷ đồng, đạt 22,7%, tăng 9,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được 31,6 tỷ đồng, đạt 17,6% kế hoạch, tăng 38,2%. Đánh giá về tình hình phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn thời gian qua, tại phiên họp thường kỳ tháng 3 vừa qua, đồng chí Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: việc hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, thiết bị máy móc hiện đại vào các khâu sản xuất, chế biến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng là một trong những giải pháp đã được các doanh nghiệp và các địa phương thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Cùng với đó, việc hình thành cụm công nghiệp theo ngành nghề đang phát huy hiệu quả. Điển hình như cụm công nghiệp Na Dương, công ty Than và Nhà máy Nhiệt điện vẫn phát triển theo kiểu tương hỗ. Cùng với đơn vị sản xuất đá, các doanh nghiệp trong cụm đều sản xuất các sản phẩm có liên quan nên có điều kiện hỗ trợ nhau về nguyên vật liệu, thị trường, sản phẩm…
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp của tỉnh Lạng Sơn
trong giai đoạn tới là Nhiệt điện – Than – Vật liệu xây dựng
Trao đổi về việc Bộ Công thương phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, ông Lý Văn Lục – Giám đốc Công ty Than Na Dương cho biết: vùng công nghiệp Na Dương nằm trong chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh Lạng Sơn. Hạt nhân là hoạt động nhiệt điện, than, vật liệu xây dựng. Trong quy hoạch phát triển công nghiệp tuyến hành lang mà Bộ Công thương vừa phê duyệt đã quy định những lĩnh vực mà Lạng Sơn sẽ tham gia sản xuất có rất nhiều lĩnh vực thuộc thế mạnh của địa phương như xi măng, điện, vật liệu xây dựng… Điều này sẽ tạo dựng một nền móng chắc cho sự phát triển công nghiệp của tỉnh.
Trí Dũng
Ý kiến ()