Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hướng mạnh đến xuất khẩu
Mặc dù kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn, nhưng năm 2015 nhiều chỉ tiêu của ngành công thương vẫn cán đích ấn tượng.
Trong đó xuất khẩu đạt 162,2 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014, nhập siêu khoảng 2% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với kế hoạch Quốc hội đề ra ở mức 5%.
Đáng chú ý, trong năm 2015, Việt Nam cũng chứng kiến nhiều dấu ấn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nổi bật là việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đây được cho là đòn bẩy để Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới.
Để có những đánh giá rõ hơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có một số trao đổi với báo chí nhân dịp năm mới 2016 trong việc thực hiện các kế hoạch của ngành.
– Xin Bộ trưởng cho biết những mục tiêu cụ thể mà Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành công thương năm 2016?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng:Năm 2016 các mục tiêu, chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành công thương cao hơn nhiều so với năm 2015, cụ thể tăng trưởng xuất khẩu 10% và nhập siêu dưới 5%.
Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến ngành công thương.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành khác để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hướng mạnh đến việc tìm kiếm mở rộng thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu.
Có thể nói, với hơn 90 triệu dân, thị trường nội địa được coi như “bà đỡ” của doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều giải pháp để phát triển thị trường, chú trọng đến việc đảm bảo cung cầu không để xảy ra thiếu hàng sốt giá.
Hơn nữa, giải pháp tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu để duy trì bảo hộ sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng sẽ tiếp tục được chú trọng.
Trong chương trình tái cơ cấu ngành công thương theo quyết định của Chính phủ, kể cả các tập đoàn, tổng công ty, các sở công thương cũng phải làm tham mưu cho các tỉnh, thành phố xây dựng chương trình tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp, thương mại ở từng địa phương.
Một nhiệm vụ quan trọng của ngành công thương là đẩy mạnh hoạt động hội nhập quốc tế về kinh tế sau khi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do.
Tới đây là giai đoạn thực thi các hiệp định thương mại tự do, vì vậy phải làm thế nào để triển khai tốt các hiệp định đã ký kết, tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định mang lại, cũng như có những biện pháp ứng phó phù hợp với những thách thức và khó khăn.
– Để bắt kịp với hội nhập, ngành công thương có những hành động cụ thể nào?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng:Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thì việc đầu tiên, phải tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp, toàn thể xã hội để mọi người hiểu rõ hơn nội dung các hiệp định qua đó tận dụng được các lợi thế từ các hiệp định mang lại cho Việt Nam. Đồng thời chủ động ứng phó với các khó khăn thách thức trong quá trình thực hiện các hiệp định.
Bên cạnh đó, phải hoàn thiện khuân khổ về pháp luật, quan trọng là ban hành một số luật mới hoặc sửa đổi bổ sung các luật hiện nay đã có nhưng không còn phù hợp.
Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, ngành công thương phải là ngành đi đầu trong việc thực hiện các nội dung, các mục tiêu, phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, các địa phương trong việc thực hiện các cam kết cũng như tìm mọi biện pháp để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia có hiệu quả các các hiệp định thương mại tự do.
– Trong năm 2015 có một số ngành xuất khẩu không đạt kết quả như kỳ vọng. Trong năm 2016, ngành có biện pháp gì để cải thiện vấn đề này?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng:Năm 2015 là năm khó khăn đối với việc xuất khẩu, rất nhiều sản phẩm hàng hóa chúng ta có lợi thế bị giảm giá rất nhiều, đặc biệt như dầu thô, giảm tới 70% so với năm 2014.
Bên cạnh đó, giá một số loại hàng nông sản, thủy sản cũng giảm rất sâu. Đây là vấn đề khách quan. Nếu như giá các mặt hàng này không giảm sâu thì mục tiêu tăng trưởng năm 2015, hoàn toàn có thể thực hiện được, thậm chí cao hơn.
Tuy nhiên, để 2016, đạt mục tiêu Quốc hội giao cho ngành công thương, cũng như tăng trưởng xuất khẩu trên 10%, chúng ta phải thực thi tốt các hiệp định thương mại tư do, các ưu đãi do các hiệp định mang lại.
Theo tôi, công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu về thủ tục hải quan, thủ tục cấp phép phải được thông thoáng hơn qua đó tiết kiệm được thời gian, chi phí sẽ là điều rất quan trọng.
Tôi cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu thì cần có sự phối hợp tốt giữa các bộ như: nông nghiệp, y tế, đặc biệt là ngân hàng cũng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, tỷ giá linh hoạt phù hợp…
– Trong phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng đã yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành công thương trong năm 2016 phải đẩy mạnh cải cảnh thủ tục hành chính, cải cách thể chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân được kinh doanh sản xuất, thúc đẩy đầu tư. Vậy Bộ Công Thương có chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ này như thế nào?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng:Chỉ đạo của Bộ Công Thương hiện nay là ban hành kế hoạch cái cách thủ tục hành chính năm 2016, với mục tiêu làm thế nào trong năm 2016 triển khai tốt hơn, triệt để hơn các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính.
Lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu kiên quyết chấm dứt và bãi bỏ những thủ tục hành chính lâu nay đang tồn tại bộc lộ hạn chế, khiếm khuyết.
Bên cạnh đó, khi ban hành các thủ tục mới liên quan đến quy phạm pháp luật, chúng tôi cũng yêu cầu đến mức tối đa các việc phát sinh các thủ tục mới, còn nếu những thủ tục cần thiết phải cố gắn thật đơn giản, thuận lợi cho tổ chức và công dân.
Một trong những cải cách thủ tục hành chính năm 2016 là tăng cường dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, tất cả giấy tờ của doanh nghiệp và người dân có thể giải quyết qua mạng, để khắc phục những bất cập, tiêu cực nảy sinh trong quá trình cấp phép…
– Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()