Tập trung tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL
Tiếp tục các hoạt động trong chuyến công tác đi kiểm tra, thị sát các công trình kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sáng 23/6, tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (Thành phố Cần Thơ), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc với các bộ, ngành hữu quan và các địa phương trong vùng về tình hình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của vùng.
Phó Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Vùng ĐBSCL có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội với 340 km đường biên giới với Campuchia; 6 cửa khẩu quốc tế và 12 cửa khẩu phụ kết nối với Campuchia; có đường bờ biển dài gần 740km và vùng biển rộng lớn tiếp giáp với các nước ASEAN; có điều kiện thuận lợi phát triển giao thương với các nước khu vực, trong đó giao thông vận tải có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.
Hệ thống giao thông vận tải của vùng hiện nay có 4 phương thức vận tải chủ yếu gồm đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không, trong đó phương thức vận tải chính là đường bộ và đường thủy nội địa.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự cố gắng của các địa phương trong ưu tiên nguồn lực đầu tư, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL có sự phát triển nhanh, diện mạo giao thông của vùng có nhiều thay đổi, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu lưu thông và phát triển.
Sự phát triển nhanh của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, hàng hóa trong vùng thông suốt, nhanh chóng. Giai đoạn từ năm 2010-2015, tổng khối lượng vận tải của toàn vùng đạt trên 4.657 triệu lượt khách và gần 470 triệu tấn hàng hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân lần lượt là 4,4%/ năm đối với hành khách và 4,9%/ năm đối với hàng hóa.
Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương trong vùng bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục quan tâm cân đối nguồn lực đầu tư cho các công trình giao thông trọng điểm của vùng, đặc biệt các tuyến đường kết nối; giải quyết một số vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng; đồng thời có các chỉ đạo tháo gỡ khó khăn khó khăn về cát san nền, cát xây dựng đang ngày càng khan hiếm, giá tăng cao do thực hiện chủ trương về tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác cát…
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tập trung tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL
Sau khi nghe báo cáo, ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm có vai trò và vị trí hết sức quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Trong những năm qua, ĐBSCL luôn được Đảng và Nhà nước dành quan tâm đầu tư phát triển, trong đó có có đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và các địa phương trong vùng cũng đã hết sức chủ động trong triển khai đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
“Có thể nói rằng, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông của ĐBSCL đạt được những kết quả hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của khu vực ĐBSCL và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu và nhận định, qua sự quan tâm đầu tư đã tạo ra hệ thống hạ tầng giao thông của khu vực ĐBSCL khá đồng bộ, cả về đường thủy, đường bộ và đường hàng không.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, hệ thống giao thông của khu vực ĐBSCL còn nhiều bất cập, cần tập trung để đầu tư mới cũng như nâng cấp các công trình giao thông. Những bất cập, hạn chế nổi lên là có nhiều công trình giao thông xuống cấp, sụt lún; triển khai quy hoạch về giao thông còn chậm; thực hiện các dự án ưu tiên chưa đạt yêu cầu so với thực tế đòi hỏi; các nút thắt giao thông chưa được tháo tháo gỡ, trong đó có nút thắt về giao thông từ TPHCM tới Cần Thơ và nút thắt Quốc lộ 60, đây là hai nút thắt lớn nhất cần sớm tập trung đầu tư tháo gỡ…
Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển mới khai thác được 60% công suất; một số tuyến đường thủy nội địa đã được đầu tư nâng cấp song sự kết nối giữa các tuyến đường thủy nội địa trong vùng và kết nối với ngoại vùng ở một số nơi còn chưa phù hợp nên hiệu quả khai thác chưa cao; còn nhiều dự án dở dang đang triển khai nhưng thiếu vốn đầu tư; các cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư cũng như các quy định của pháp luật về đầu tư hạ tầng còn có bất cập, do đó làm chậm tiến độ thực hiện và làm hạn chế khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nguồn vật liệu để phục vụ cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đang ngày càng khan hiếm và khó khăn hơn…
Từ sự phân tích như trên, Phó Thủ tướng yêu cầu “phải tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở vực ĐBSCL, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Phải rà soát các dự án đầu tư, sắp xếp thứ tự ưu tiên để cân đối với khả năng về nguồn lực. Để làm được điều này, cần có sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ”, đồng thời Phó Thủ tướng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến các nội dung phát triển hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL và Thủ tướng sẽ trực tiếp nghe báo cáo thực trạng về phát triển giao thông của vùng để có các ý kiến chỉ đạo tháo gỡ.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trên tinh thần như vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành hữu quan tập trung từ nay đến năm 2020 phải tháo gỡ được các nút thắt chính về hạ tầng giao thông của vùng.
Theo đó, nút thắt lớn nhất là nút thắt của trục giao thông chính, đó là trục cao tốc TPHCM đi Cần Thơ. Trục này có 2 dự án, 1 dự án là Trung Lương đi Mỹ Thuận với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng và dự án thứ 2 là dự án Mỹ Thuận đi Cần Thơ với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm, có ý nghĩa quyết định tháo gỡ nút thắt, kết nối giao thông giữa khu vực ĐBSCL và TP HCM, đồng thời tạo ra giao thông đối ngoại với bên ngoài, góp phần phần nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của khu vực ĐBSCL. Trên tinh thần này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành, tháo gỡ các khó khăn để sớm triển khai dự án BOT Trung Lương-Mỹ Thuận, cố gắng phải hoàn thành dự án này vào năm 2019. Dự án thứ 2 là dự án Mỹ Thuận đi Cần Thơ, Bộ GTVT đã chủ động thực hiện dự án này, yêu cầu phải sớm làm các thủ tục để tổ chức đấu thầu trên tinh thần đấu thầu minh bạch, chọn nhà đầu tư có năng lực, bảo đảm lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân.
Với tuyến N2, tổng đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng, gồm có 2 cụm dự án chính, 1 cụm dự án là cầu Cao Lãnh và một đoạn tuyến tới Vàm Cống, tổng đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng cần thiết phải hoàn thành vào cuối năm 2017. Cùng với đó, cụm dự án từ Vàm Cống đến Kiên Giang với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 6.000 tỷ, cần phải hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2018.
Ngoài ra, phải triển khai các dự án nâng cấp Quốc lộ 30 để kết nối giữa tuyến N2 với đường cao tốc TPHCM-Cần Thơ và Quốc lộ 1.
Nút thắt thứ 3 là tuyến nối Quốc lộ 1 tại Sóc Trăng theo Quốc lộ 60 (qua Trà Vinh-Bến Tre) nối với Quốc lộ 1 và cao tốc TPHCM-Cần Thơ, rút ngắn được quãng đường 70 km từ Cà Mau đi TPHCM, từ đó thúc đẩy cho phát triển kinh tế-xã hội của 7 tỉnh phía đông ĐBSCL. Tuyến này phải làm sớm cầu Đại Ngãi và cầu Rạch Miễu 2. Yêu cầu Bộ GTVT sớm tổ chức nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ GTVT chủ động làm việc, tổng hợp nhu cầu đầu tư của các địa phương, báo cáo Chính phủ, từ đó có kế hoạch phân bổ đầu tư hợp lý.
Liên quan đến hệ thống cảng biển trong vùng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các bộ hữu quan để sớm báo cáo Chính phủ về dự án cảng than nhằm đáp ứng yêu cầu về tiêu dùng than cho các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL. Cùng với đó, yêu cầu Bộ GTVT chủ trì với các địa phương trong vùng tổ chức thực hiện việc nạo vét các cửa sông, cửa biển, luồng lạch, giao thông thủy nội địa để nâng cao năng lực vận tải của đường thủy nội địa khu vực…
Từ những nhiệm vụ nêu trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các giải pháp thực hiện, trong đó phải tập trung tháo gỡ các rào cản về pháp luật, điều chỉnh các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, bao gồm: đề xuất sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư công; sớm sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư; khẩn trương sửa đổi Thông tư 55 và Thông tư 44 liên quan đến lãi suất cho vay các dự án đầu tư BOT và Khung giá tính thuế tài nguyên… Bộ GTVT tập trung xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về quản lý công tác nạo vét luồng hàng hải và đường thủy nội địa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ GTVT tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân, tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư cho các dự án đang thực hiện hoặc đã được phê duyệt.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND các địa phương rà soát lại các quy hoạch, bổ sung và điều chỉnh nếu thấy cần thiết đối với hoạt động khai thác cát sỏi ở lòng sông, cửa sông, ở các luồng lạch, khu vực cảng biển; làm cơ sở cho việc cấp phép khai thác cát sỏi theo quy hoạch gắn với việc bảo vệ bờ sông, bờ biển, chống sạt lở đất.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu ngay việc tìm vật liệu thay thế cát xây dựng truyền thống và cát san nền để đáp ứng nhu cầu cát cho nhu cầu đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Trong giai đoạn 2010-2015, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL đã được đầu tư, hoàn thành 40 dự án với tổng vốn đầu tư 43.682 tỷ đồng, tương đương 11,5% tổng mức vốn đầu tư thực hiện của ngành giao thông cả nước. Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai 16 dự án trong vùng là: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi; dự án mở rộng tuyến tránh Quốc lộ 1, đoạn qua thành phố Tân An, tỉnh Long An; dự án mở rộng 7 cầu trên Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang; dự án xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận; dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi; dự án tuyến tránh thị trấn Cai Lậy; dự án mở rộng Quốc lộ 30 đoạn An Hữu-Cao Lãnh;… Trong giai đoạn 2017-2020, trong vùng dự kiến đầu tư 27 dự án quan trọng, cấp bách với tổng kinh phí khoảng 67.336 tỷ đồng. Trong đó, Bộ GTVT đang dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch trung hạn 2016-2020 nguồn TPCP cho bộ Giao thông vận tải triển khai 17 dự án với tổng mức đầu tư 22.645 tỷ đồng; đang tiếp tục triển khai thủ tục đầu tư và xúc tiến kêu gọi đầu tư nguồn vốn ODA để đầu tư 6 dự án với tổng mức đầu tư 34.999 tỷ đồng và kêu gọi đầu tư BOT 4 dự án với tổng mức đầu tư 9.692 tỷ đồng. Tại cuộc họp, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung nguồn vốn dự phòng của Chính phủ giai đoạn 2016-2020 nguồn NSNN với kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng để triển khai hoàn thành 6 dự án đang thi công sử dụng nguồn NSNN, 22.645 tỷ đồng để triển khai khởi công mới 17 dự án sử dụng ngồn vốn TPCP trong vùng. Đối với các dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn ODA, sau khi hoàn thành hồ sơ dự án, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung vào danh mục đầu tư công trung hạn để có cơ sở triển khai dự án. Đối với việc sử dụng vốn trái phiếu chính phủ còn dư của các dự án để đầu tư bổ sung một số hạng mục nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các dự án, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ để Bộ tiếp tục thực hiện. |
Theo baochinhphu
Ý kiến ()