Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng
Trong thời gian tới, ngành thanh tra tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội…
Theo Thanh tra Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; Thanh tra Chính phủ (TTCP) tham mưu việc chỉ đạo triển khai Chương trình công tác trọng tâm năm 2018 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN); ban hành Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2018. Hoạt động phối hợp giữa TTCP với cơ quan Đảng, các cơ quan có chức năng PCTN ngày càng thường xuyên chặt chẽ và chất lượng hơn.
Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong 6 tháng đầu năm, các cấp ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 3.648 cán bộ, công chức, viên chức.
Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 877 cuộc kiểm tra việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 201 vụ việc vi phạm, 127 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 437 tỷ đồng.
Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 1.488 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 198 đơn vị vi phạm.
Đáng chú ý, qua kiểm tra và hoạt động thanh tra đã phát hiện 22 vụ, 18 đối tượng tham nhũng, liên quan đến tham nhũng như ở: An Giang, Long An, Phú Yên, Bình Định, Đồng Nai, Lào Cai, Hà Giang, Kiên Giang…
Tuy nhiên, một số ngành ,địa phương còn xây dựng kế hoạch PCTN chung chung, chưa đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN còn ít. Việc thu hồi tài sản tham nhũng đã được quan tâm hơn nhưng tỷ lệ còn thấp.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Trong thời gian tới, ngành thanh tra tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội.
Đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kết luận thanh tra các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với các cơ quan tố tụng để xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…/.
Ý kiến ()