Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp đồng bộ và toàn diện hơn
Đây là mục tiêu ngành nông nghiệp đặt ra trong hai năm 2014 - 2015 khi triển khai tái cơ cấu ngành. Việc làm này nhằm phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, từng bước xây dựng nền nông nghiệp giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Điều này được nêu lên tại Hội nghị sơ kết thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 17/5, tại Hà Nội. Đồng thời, nhân dịp này, Bộ NN&PTNT cũng phát động phong trào thi đua “Toàn ngành NN&PTNT chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng NTM. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dự và chỉ đạo Hội nghị.
Nỗ lực, quyết tâm thực hiện các nội dung, giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: sau gần 1 năm thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, toàn ngành đã nỗ lực và chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nội dung và giải pháp nên đã đạt được một số kết quả bước đầu. Đã cụ thể hóa nội dung và giải pháp tái cơ cấu tới các ngành, lĩnh vực và nhiều địa phương; xác định lộ trình thực hiện. Đồng thời nhiều hoạt động thực tiễn đã được triển khai đạt một số kết quả thực hiện.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, việc triển khai Đề án còn chưa đồng bộ. Nhiều địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm, triển khai chậm, thậm chí còn lúng túng. Kết quả thể hiện trên thực tiễn chưa nhiều, tác động đến tăng trưởng ngành và thu nhập của nông dân còn hạn chế, yêu cầu toàn ngành có sự tập trung và nỗ lực cao hơn nữa để thực hiện chủ trương này.
Thực tế, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, ban hành Chương trình hành động và tuyên truyền, phổ biến trong toàn ngành. Để định hướng nội dung, giải pháp và lộ trình tái cơ cấu trong từng lĩnh vực cụ thể, Bộ đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Đề án tái cơ cấu các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chế biến nông lâm thủy sản. Mặt khác, các giải pháp thực hiện Đề án cũng được Bộ cụ thể hóa trong 6 kế hoạch chuyên đề: Rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; Đổi mới công tác khoa học công nghệ; Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đổi mới cơ cấu, cơ chế và nâng cao hiệu quả đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân; Kiện toàn hệ thống tổ chức, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước ngành.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tính đến hết ngày 10/5/2014, đã có 23/63 tỉnh, thành phố ban hành Đề án (hoặc Kế hoạch hành động) tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Nhiều địa phương đã triển khai trong thực tiễn.
Đáng chú ý, 6 tháng cuối 2013 và đầu 2014, Bộ đã phối hợp với địa phương hướng dẫn nông dân chuyển đổi trên 87.000ha lúa sang trồng ngô, vừng, rau…; làm rõ định hướng phát triển các loại vật nuôi, tổ chức lại sản xuất, quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn và các giải pháp nâng cao năng suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi; xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng rừng kinh tế, trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ phục vụ chế biến, xuất khẩu. Phấn đấu đến 2017 có 235.000 ha rừng sản xuất có thể khai thác sản phẩm. Đối với lĩnh vực thủy sản, Bộ đang triển khai xây dựng Nghị định về chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản trình Chính phủ trong tháng 5 này; triển khai lực lượng kiểm ngư, tập trung chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên thủy sản có hiệu quả, khả quan nhất là phong chống hội chứng gây chết sớm với tôm (EMS).
Tái cơ cấu lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản cũng được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng, đây là khâu cuối cùng trong sản xuất, còn nhiều dư địa để áp dụng khoa học công nghệ, thiết bị hiện đại nâng cao giá trị gia tăng. Đối với công tác thủy lợi, tập trung vào nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, phát triển hệ thống tưới tiêu cho cây trồng cạn, nuôi trồng thủy sản…
Bộ cùng đang cùng doanh nghiệp trực thuộc quyết liệt thực hiện Kế hoạch sắp xếp đổi mới, đầu tư ngoài ngành theo Đề án. Năm 2013, đã cổ phần hóa được 4 Tổng công ty. Mô hình hơp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và cánh đồng lớn đã được tổng kết, đánh giá, nhiều địa phương hưởng ứng và nhân rộng ở 43 tỉnh, trên diện tích khoảng 120.500ha trồng lúa. Mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc đang được tiến hành với việc xây dựng các mô hình điểm tại 10 tỉnh phía Bắc (10 chuỗi), 5 tỉnh miền Trung (5 chuỗi), 7 tỉnh phía Nam (8 chuỗi) để nhân rộng.
Ngoài ra, tập trung đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành.
Đặc biệt, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh tới việc kiện toàn bộ máy, tổ chức và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ tái cơ cấu hiệu quả.
Đòi hỏi hoàn toàn đổi mới trong tư duy và tiếp cận về tái cơ cấu để thực hiện hiệu quả
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự và chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: HNV) |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã khẳng định: Ngành Nông nghiệp triển khai chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu gần như sớm và đầu tiên trong các ngành và cơ quan chính phủ. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của Đề án tái cơ cấu này đối với hiệu quả phân ngành nông nghiệp và tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân nói riêng cũng như người dân nói chung.
Phó Thủ tướng cũng thừa nhận, quá trình triển khai của ngành vẫn còn lúng túng nhưng về cơ bản đã chuẩn bị chu đáo, chi tiết chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án.
“Tái cơ cấu là vấn đề khó đòi hỏi hoàn toàn đổi mới trong tư duy và tiếp cận” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói. Do đó, trước hết, cần tập trung vào tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngành cũng như của người dân để nhận thức ngày càng đúng hơn về thị trường, áp dụng khoa học công nghệ, chất lượng nông sản, dịch vụ nông nghiệp…
Phó Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh phải ứng phó với khủng hoảng kinh tế và khó khăn của kinh tế trong nước, ngành nông nghiệp cũng đã đạt kết quả đáng khích lệ, trong đó, thu nhập hộ nông dân năm 2013 đạt 19,9 triệu đồng/người/năm, tăng 18 lần so với năm 2010. Đồng thời, biểu dương một số chuyển dịch cơ cấu trong cây trồng, thâm canh, chuyên canh, sản xuất hàng hóa rất sáng tạo, phù hợp thực tiễn cơ sở, mang lại hiệu quả và năng suất cao.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, vẫn còn nhược điểm cần tháo gỡ, giải quyết: đề án chưa đồng bộ, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, kết quả thực tiễn chưa nhiều, thu nhập vẫn còn thấp.
Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, cần tiếp tục điều chỉnh triển khai, xem xét thêm một số nội dung, trong đó, tiếp tục quán triệt các cấp, ngành, chức năng, cơ sở, doanh nghiệp, nông dân về nội dung tái cơ cấu, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ trong thực hiện tái cơ cấu. Xác định rõ ràng “Nông dân là trọng tâm của Đề án, doanh nghiệp là động lực của Đề án”. Nêu ra những mô hình so sánh (các nước khác, các địa phương khác…) để thúc đẩy các mô hình và khả năng sáng tạo, đổi mới của toàn bộ hệ thống từ người nông dân đến doanh nghiệp, nhà quản lý; thúc đẩy nghiên cứu mô hình mới để đạt được thành công.
Phó Thủ tướng cũng đòi hỏi lãnh đạo địa phương, nông dân, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp phải coi tái cơ cấu là yêu cầu quan trọng để phát triển, tập trung phát huy tiềm năng sẵn có, năng lực cạnh tranh của nông nghiệp trong nước, hạn chế gia công, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, tăng cường thông tin qua hệ thống trang tin điện tử của ngành tới bà con nông dân và nghiên cứu mô hình, áp dụng triệt để tiến bộ của khoa học kỹ thuật, có giải pháp mới tiết kiệm tài nguyên và chi phí trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh các giải pháp mới, nguồn giống mới. Đặc biệt, xây dựng mô hình mẫu sau đó phổ biến rộng khắp đối với từng loại sản phẩm nông sản. Phó Thủ tướng cũng cảnh báo “Ở đây, liên quan quy mô thị trường, đòi hỏi sự phối hợp của từng ngành, điều hòa thị trường, tránh thực trạng đua nhau, ồ ạt triển khai dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, từ đó, có phương án kiểm soát, khống chế quy hoạch (kết hợp các phương án cả mềm và cứng).
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT vẫn là đơn vị chủ trì, kịp thời nắm bắt kiến nghị cơ sở thực hiện nhanh về chính sách nhà nước trong vốn, tín dụng, nghiên cứu khoa học kỹ thuật thực hiện tái cơ cấu, đưa thành hợp đồng cơ chế chia sẻ trách nhiệm giữa nông dân và doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, tiêu thụ.
Nhân dịp này, Bộ NN&PTNT đã phát động Phong trào thi đua “Toàn ngành NN&PTNT chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng NTM” giai đoạn 2014- 2015 và đến 2015 tập trung: đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm trong toàn ngành; tham mưu và trình các cấp, ngành Đề án tái cơ cấu triển khai hiệu quả; tham mưu tốt ban hành các chính sách hỗ trợ và tạo động lực cho quá trình thực hiện tái cơ cấu; tiếp tục đăng ký giao ước thi đua, phấn đấu đến cuối 2015, mỗi cơ quan, đơn vị hỗ trợ hoặc phối hợp hỗ trợ 1-2 xã theo từng lĩnh vực, mô hình cụ thể; tăng cường kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thi đua để rút kinh nghiệm và kịp thời khen thưởng tổ chức, cá nhân, mô hình tiêu biểu trong triển khai Đề án…
Theo CPV
Ý kiến ()