Tập trung tái cơ cấu ngành lâm nghiệp
LSO-Để thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tại Chương trình 22/CTr-UBND ngày 15/7/2016 đã xác định rõ lĩnh vực ưu tiên chỉ đạo theo thứ tự là: lâm nghiệp - chăn nuôi - trồng trọt. Trong lĩnh vực lâm nghiệp phát triển các sản phẩm chủ lực: hồi, vùng cây gỗ lớn (thông, keo, bạch đàn).
Người dân xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia chăm sóc cây keo – Ảnh: Kim Huyên |
Như vậy có thể thấy, lâm nghiệp là lĩnh vực được tỉnh ưu tiên lựa chọn để tập trung đầu tư. Thực hiện mục tiêu này, các cấp, ngành chức năng đã đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp.
Thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, huyện Hữu Lũng đã tập trung đẩy mạnh công tác phát triển rừng. Trên cơ sở nghị quyết của tỉnh, các nguồn vốn dự án trồng rừng, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và trở thành một trong những huyện làm tốt công tác xã hội hóa trồng rừng của tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, năm nào huyện cũng trồng đạt và vượt chỉ tiêu giao. Trung bình mỗi năm, Hữu Lũng trồng mới được 1.500 ha rừng, góp phần nâng độ che phủ rừng từ 52,7% (2011) đến nay lên 56%.
Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng cho biết: Những năm qua, huyện đã tự chủ động được các loại giống cây lâm nghiệp mới có năng suất, chất lượng cao như: keo hom, bạch đàn hom đưa vào trồng. Chính điều này góp phần xây dựng vùng sản xuất tập trung chuyên canh loại cây bạch đàn và keo của huyện. Việc thâm canh rừng bạch đàn, keo đã giúp cải thiện năng suất, chất lượng rừng. Ngoài hình thành vùng sản xuất rừng tập trung, trên địa bàn huyện còn hình thành vùng sản xuất gỗ nguyên liệu, gỗ xây dựng và chế biến gỗ gia dụng tương đối tập trung.
Huyện Bình Gia cũng vậy, để triển khai kế hoạch trồng rừng hằng năm đảm bảo đạt chỉ tiêu đề ra, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách phát triển lâm nghiệp trên địa bàn; triển khai các chương trình, dự án như: dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ, chương trình trồng cây phân tán… qua đó diện tích rừng trồng ngày càng tăng, độ che phủ rừng của huyện hiện đạt cao nhất tỉnh (73,5%). Ông Đào Thế Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trong 4 năm trở lại đây, huyện tập trung trồng các loại cây công nghiệp như: hồi, keo, bạch đàn, quế… Đồng thời, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền về lợi ích kinh tế từ rừng để bà con tích cực hưởng ứng trồng rừng. Trong 8 tháng đầu năm 2017, huyện đã trồng mới được hơn 1.300 ha rừng, đạt gần 200% kế hoạch tỉnh giao. Trong đó, có đến 700 ha do người dân tự trồng. Hiện nhiều hộ trồng rừng thu nhập đạt từ 150 đến 200 triệu đồng/năm từ hồi, khai thác gỗ rừng trồng.
Ngoài Hữu Lũng, Bình Gia, các huyện và thành phố cũng đều tập trung mạnh cho trồng rừng. Vị thế ngành lâm nghiệp ngày càng được khẳng định, tỷ trọng giá trị ngành lâm nghiệp đóng góp trong tổng giá trị ngành nông lâm nghiệp ngày một tăng cao. Hiện nay, giá trị sản xuất lâm nghiệp tính theo giá trị thực tế đạt 2.645 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, diện tích rừng sản xuất đã được các huyện, thành phố tập trung trồng mở rộng. Đến nay, diện tích rừng sản xuất toàn tỉnh đạt gần 370 nghìn ha. Cơ cấu các loại giống cây lâm nghiệp được điều chỉnh theo hướng đa mục tiêu, chú trọng trồng một số loại cây bản địa có giá trị kinh tế cao, đầu tư trồng rừng bằng các giống mới… Qua đó, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh như: vùng cây thông ở các huyện: Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc; vùng keo, bạch đàn tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng; vùng hồi tại các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng; vùng cây nguyên liệu quế tại các huyện: Bình Gia, Bắc Sơn, Tràng Định…
Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh cho biết: Sau một thời gian thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, công tác trồng rừng đã có chuyển biến và hiệu quả từ rừng cũng đã có. Tuy nhiên, các huyện, thành phố cần tiếp tục tập trung cho việc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Trong đó, ngoài công tác phát triển rừng trồng mới, tập trung cho vùng rừng sản xuất có hiệu quả kinh tế, các huyện, thành phố cần tập trung đẩy mạnh phát triển chế biến lâm sản.
Với sự vào cuộc có trách nhiệm của các cấp, ngành, sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, tin rằng mục tiêu nâng tỷ trọng ngành lâm nghiệp lên 19 – 20% vào cuối năm 2017 sẽ đạt được (tỷ trọng lâm nghiệp trong cơ cấu nội ngành đến hết năm 2016 đạt 18,8%)
Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh trồng mới được 9.936,3 ha rừng, vượt 10,4% kế hoạch. Một số huyện trồng rừng vượt kế hoạch như: Hữu Lũng, Tràng Định, Bình Gia… |
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()