Tập trung tái cơ cấu đầu tư công, kiểm soát chặt giá cả, bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp. Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN) Ngày 27-9, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và chín tháng qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-9, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 468,55 nghìn tỷ đồng, bằng 63,3% dự toán năm. Trong tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 5,9% so tháng 8; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,8 tỷ USD, giảm 4,45% so tháng trước; nhập siêu khoảng 100 triệu USD. Tính chung chín tháng: tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,79 tỷ USD, tăng 18,9% so cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 83,76 tỷ USD, tăng 6,6% so cùng kỳ năm trước. Xuất siêu chín tháng qua khoảng 34 triệu USD, bằng 0,04% tổng kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 2,2% so tháng trước, là mức tăng cao nhất trong chín tháng qua. Trong chỉ số CPI này giá thuốc và...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp. Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN) |
Về tình hình kinh tế – xã hội tháng 9 và chín tháng qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-9, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 468,55 nghìn tỷ đồng, bằng 63,3% dự toán năm. Trong tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 5,9% so tháng 8; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,8 tỷ USD, giảm 4,45% so tháng trước; nhập siêu khoảng 100 triệu USD. Tính chung chín tháng: tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,79 tỷ USD, tăng 18,9% so cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 83,76 tỷ USD, tăng 6,6% so cùng kỳ năm trước. Xuất siêu chín tháng qua khoảng 34 triệu USD, bằng 0,04% tổng kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 2,2% so tháng trước, là mức tăng cao nhất trong chín tháng qua. Trong chỉ số CPI này giá thuốc và dịch vụ y tế tăng 17,02%, giáo dục tăng 10,54%…
Vốn đầu tư phát triển từ NSNN lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-9 ước đạt 118,49 nghìn tỷ đồng, bằng 65,8% kế hoạch năm. Tốc độ tăng trưởng GDP quý III năm 2012 ước đạt khoảng 5,35%, thấp hơn nhiều so cùng kỳ năm trước (6,07%). Tuy nhiên, mức tăng nêu trên là sự cố gắng lớn trong điều kiện phải tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tính chung chín tháng, mức tăng GDP ước đạt 4,73%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 8,1 tỷ USD, bằng 98,8% so cùng kỳ năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng khoảng 4,8% so cùng kỳ năm 2011, nhưng chỉ bằng 61,5% mức tăng cùng kỳ năm trước (7,8%); tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 1.713 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so cùng kỳ năm trước; có khoảng 40,2 nghìn doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 6,5% so cùng kỳ năm 2011. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng giảm dần, tính đến đầu tháng 9 ước khoảng 20,4%.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận: Tờ trình Luật Đầu tư công, mua sắm công; Dự án Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Kế hoạch thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân…
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: tình hình kinh tế – xã hội tháng 9 và chín tháng qua có những chuyển biến tích cực, mức tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước. Tuy nhiên, tình hình cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó, mức tăng trưởng GDP còn thấp. Từ nay đến cuối năm, thời gian không còn nhiều song nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề, do đó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan cần tăng cường năng lực nghiên cứu dự báo tình hình để giúp Chính phủ đề ra các chủ trương, biện pháp điều hành đúng đắn, phù hợp; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, khắc phục khó khăn, hạn chế, phát huy mọi lợi thế, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở mức cao nhất.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường, không để chỉ số lạm phát vọt lên mức hai con số. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cố gắng bảo đảm mức tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm, gắn liền chất lượng tín dụng, không phát sinh nợ xấu. Cùng với đó là bảo đảm tổng phương tiện thanh toán tăng trưởng phù hợp như đã đề ra từ đầu năm. Chú ý kiểm soát tỷ giá ngoại tệ phù hợp thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Kiểm soát lãi suất phù hợp lạm phát. NHNN phải quyết liệt kiểm soát, điều hành lãi suất linh hoạt, phù hợp, không đẩy lãi suất lên cao. Đối với chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính nỗ lực bảo đảm cân đối thu chi năm nay và giữ mức bội chi ngân sách như đã đề ra trong hoàn cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành phải làm tốt cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng khan hiếm các mặt hàng thiết yếu như lương thực, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, sữa… dẫn đến “sốt” giá từ nay đến Tết Âm lịch, nhất là bảo đảm đủ nguồn cung thịt lợn, gà. Các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thực hiện tốt công tác quản lý thị trường và bình ổn giá chặt chẽ. Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Tài chính cần làm tốt công tác quản lý giá. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường (xăng dầu, điện, than, giá dịch vụ y tế… ) là cần thiết, song phải rút kinh nghiệm là không nên làm dồn dập, tránh gây “sốc” cho nền kinh tế và xã hội. Điều này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các ngành, không để xảy ra việc tăng giá do điều hành. Đối với các địa phương chưa công bố giá, phí dịch vụ y tế mới, cần cân nhắc thời hạn áp dụng, góp phần bảo đảm mục tiêu thực hiện kiềm chế lạm phát.
Để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ, các cấp, các ngành phải ưu tiên tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhất là ưu tiên nguồn vốn cho những lĩnh vực có lợi thế như sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, giúp đỡ bà con nông dân củng cố đê điều, bờ bao… Tăng hàm lượng chế biến nông sản để góp phần tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu. Tháo gỡ khó khăn cho các DN, kể cả các DN FDI. Hỗ trợ những mặt hàng công nghiệp có lợi thế phát triển, những dự án lớn. Chú trọng giải quyết hàng tồn kho bằng cách thúc đẩy tiến độ giải ngân cho các công trình để tăng lượng tiêu thụ xi-măng, vật liệu xây dựng… Phát triển các dịch vụ lợi thế như du lịch, tài chính – ngân hàng, viễn thông, hàng không.
Đối với vấn đề đẩy mạnh tái cơ cấu, Thủ tướng yêu cầu tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công. Về tái cơ cấu DNNN, sắp xếp lại quy mô các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phù hợp thị trường, tập trung vào ngành nghề chính; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, nâng cao năng lực quản trị gắn với đội ngũ lãnh đạo chủ chốt, khắc phục hạn chế yếu kém. Làm rõ chức năng, quyền hạn cụ thể đối với DNNN từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ quản lý ngành tới hội đồng quản trị. NHNN tập trung quyết liệt thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng thương mại gắn với xử lý mua bán nợ xấu của các ngân hàng.
* Chiều 27-9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành. Sau khi thông báo vắn tắt những nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam và đại diện Bộ Tài chính trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan vấn đề: tái cơ cấu DNNN, CPI tháng 9 tăng cao, độ an toàn của công trình thủy điện Sông Tranh 2, vệ sinh an toàn thực phẩm, vụ việc ở ngân hàng ACB…
Tại cuộc họp báo, đề cập về vụ việc khởi tố một số bị can nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Á Châu (ACB), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định đây là một trong các hoạt động nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và việc khởi tố này không ảnh hưởng đến hoạt động của ACB. Chính phủ và các cơ quan chức năng đã lường trước các khả năng để bảo đảm ổn định hệ thống, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Việc thâu tóm ngân hàng có nhiều thủ đoạn, các cơ quan chức năng và NHNN đã nhận diện được, báo cáo Chính phủ và Chính phủ cũng đồng ý để cho các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định lại là không có vùng cấm trong việc lành mạnh hóa ngân hàng.
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ lần này, Bộ đã báo cáo Chính phủ, các thành viên Chính phủ về giải pháp thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 37/NQ-CP của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý gia hạn thêm ba tháng số thuế VAT của các tháng 4, 5 và 6-2012 cho các DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động trên một số lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ đến tháng 4-2013. Số thuế VAT này, lẽ ra các DN phải nộp vào tháng 6-2012 thì đã được hoãn nộp tới tháng 1-2013 và nay được hoãn tiếp đến tháng 4-2013 với tổng trị giá số thuế VAT được gia hạn khoảng 3.745 tỷ đồng. Điều này giúp tháo gỡ khó khăn, giúp các DN có thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()