Tập trung tái cấu trúc các khoản nợ, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp
Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là một trong những doanh nghiệp (DN) mạnh của ngành xây dựng, đi tiên phong trong quá trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, quá trình phát triển của Tổng công ty đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, đòi hỏi có sự mạnh dạn thay đổi từ tư duy nhận thức đến hành động để từng bước lấy lại vị thế vốn có.
Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là một trong những doanh nghiệp (DN) mạnh của ngành xây dựng, đi tiên phong trong quá trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, quá trình phát triển của Tổng công ty đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, đòi hỏi có sự mạnh dạn thay đổi từ tư duy nhận thức đến hành động để từng bước lấy lại vị thế vốn có.
Vẫn còn nhiều chông gai
Kiểm điểm việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu DN, lãnh đạo Vinaconex thẳng thắn thừa nhận hiện nay Tổng công ty còn gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan: Chiến lược đầu tư dàn trải, cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, nhiều lĩnh vực đầu tư không có thế mạnh, đặc biệt là hai dự án xi-măng Yên Bình và Cẩm Phả. Có quá nhiều công ty con nhưng tiềm lực và nhiều công ty con kinh doanh thua lỗ. Vốn chủ sở hữu thấp, hệ số nợ cao phải chịu áp lực lớn rủi ro lãi suất. Nhiều khoản vay lớn được thực hiện bằng ngoại tệ kéo theo áp lực rủi ro tỷ giá, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị thâm hụt lớn. Bộ máy nhân sự gián tiếp cồng kềnh và nhiều cấp, dẫn đến chi phí hành chính cao. Nhiều dự án đầu tư hiệu quả thấp, không khai thác hết công suất trong khi đó, nợ phải thu lớn và chậm thu hồi.
Do đặc thù của ngành, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Vinaconex tương đối cao (ở mức trung bình 85%). Trên thực tế, việc tăng vốn điều lệ của Tổng Công ty Vinaconex đã không đạt được như lộ trình đề ra, cụ thể, vốn điều lệ đạt 1.850 tỷ đồng năm 2009, 3.000 tỷ đồng năm 2010 và 4.417 tỷ đồng năm 2012. Mức vốn chủ sở hữu này không đáp ứng kịp yêu cầu phát triển và hoạt động kinh doanh mà nguyên nhân chính là sự chậm trễ do vướng mắc trong triển khai thủ tục tăng vốn, nên tình hình cân đối tài chính của Vinaconex luôn căng thẳng. Tại một số thời điểm Vinaconex đã phải thực hiện các hình thức huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu để đáp ứng yêu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Việc này càng làm gia tăng rủi ro và áp lực trả nợ, ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của DN.
Tính từ 2008 đến hết 2012, Vinaconex đã thoái vốn tại 40 đơn vị có góp vốn, trong đó có tám đơn vị xây dựng, chín đơn vị bất động sản, chín đơn vị sản xuất VLXD và SXCN, 12 đơn vị thương mại và một đơn vị nhân lực thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần trong nội bộ hoặc các đơn vị bên ngoài Tổng Công ty. Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành theo chiến lược tái cấu trúc đã được phê duyệt của tổng công ty. Các đơn vị hoạt động trên cả hai lĩnh vực xây dựng và bất động sản chưa thực hiện được việc chuyển sang một lĩnh vực, hoặc nhiều mảng trong một lĩnh vực, hoặc chuyển sang hoạt động chuyên ngành một mảng. Việc thoái vốn ở các lĩnh vực kinh doanh ngoài xây dựng và bất động sản còn chậm. Việc thoái vốn một số đơn vị nằm trong lĩnh vực kinh doanh chính đang phá vỡ kế hoạch tái cấu trúc đặt ra ban đầu…
Ðẩy nhanh tái cơ cấu tại xi-măng Cẩm Phả
Khó khăn lớn nhất trong tái cấu trúc hiện nay nằm ở Dự án xi-măng Cẩm Phả (XMCP), công suất thiết kế 2,3 triệu tấn/năm do Vinaconex làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2008. Do những khó khăn của thị trường tiêu thụ và tác động của kinh tế vĩ mô dẫn tới áp lực lãi vay và trả nợ quá lớn nên kết quả sản xuất, kinh doanh không đạt hiệu quả như dự kiến. Số lỗ năm 2012 tuy đã giảm xuống còn 316 tỷ đồng nhưng vẫn không đủ tiền để trả nợ do chi phí tài chính quá cao. Hiện nay, Vinaconex vẫn đang quyết tâm theo đuổi kế hoạch tái cấu trúc tại dự án XMCP theo hướng tìm kiếm nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực trong lĩnh vực sản xuất xi-măng, có mạng lưới phân phối xi-măng lớn, đồng thời có khả năng chi trả một số khoản vay cho XMCP. Cùng với quá trình tìm kiếm đối tác tái cấu trúc XMCP, Vinaconex tập trung thực hiện đổi mới công tác quản trị, điều hành DN, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí, tiêu hao nguyên, nhiên liệu để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Quá trình tái cấu trúc XMCP cần có một lộ trình rõ ràng và khẩn trương vì nếu không thực hiện thành công việc tái cấu trúc tại Công ty cổ phần XMCP khi các khoản vay đầu tư cho dự án này đến hạn sẽ tạo áp lực trả nợ rất lớn. Dự kiến đến thời điểm đầu tháng 1-2015, số dư nợ gốc của các khoản vay cho dự án XMCP vào khoảng 72,7 triệu USD.
Thực tế triển khai đầu tư, xây dựng, Tổng công ty đã gặp rất nhiều khó khăn, rủi ro về lãi suất, chênh lệch tỷ giá, giải phóng mặt bằng, thanh toán… Do vậy, một trong những điểm mấu chốt hiện nay được Vinaconex hết sức quan tâm là nâng cao chất lượng quản trị DN theo hướng tăng cường trách nhiệm của người quản lý phần vốn tại các đơn vị có vốn góp, phân công, phân cấp nhiệm vụ rõ ràng để tránh chồng chéo. Củng cố khối tham mưu về đầu tư và xây dựng. Ðối với lĩnh vực kinh doanh chính, Tổng Công ty trực tiếp thực hiện kinh doanh bất động sản, thành lập công ty quản lý xây dựng (Tổng Công ty sở hữu 100% vốn), dưới đó là các công ty con hoạt động theo từng lĩnh vực chuyên ngành trong xây dựng, bảo đảm các công ty con hoạt động chủ động, không cạnh tranh lẫn nhau. Tổng Công ty giữ vai trò đầu tư tài chính vào các đơn vị thành viên và nắm giữ ít nhất hai phần ba số thành viên trong Hội đồng quản trị của các đơn vị thành viên…
Hướng đi cụ thể sắp tới là tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, bám sát Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, Tổng công ty đang đẩy mạnh triển khai Dự án nhà ở xã hội Bắc An Khánh có diện tích 18,55ha nằm trong ranh giới đất dự trữ phát triển của Khu đô thị Bắc An Khánh (nay là Khu đô thị Splendora), thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Ðức. Khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp 5.196 căn hộ, quy mô dân số 17.485 người, trong đó hơn 4,1ha được dành để xây dựng hạ tầng xã hội. Gần đây, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận cho phép Vinaconex và Công ty CP Phát triển nhà xã hội (HUD.VN) cùng tham gia nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án “Khu đô thị nhà ở xã hội Ðại Áng” trên quy mô khoảng 65 ha (theo quy hoạch phân khu đô thị S5) tại xã Ðại Áng, huyện Thanh Trì, trong đó diện tích nhà ở xã hội chiếm 80%, nhà ở thương mại 20%.
Theo Nhandan
Ý kiến ()