Tập trung phòng trừ sâu keo mùa thu hại ngô
LSO-Hiện nay, sâu keo mùa thu đã và đang xuất hiện, gây hại ở 11/11 huyện, thành phố. Đáng chú ý, đây là loại sâu mới gây hại trên cây ngô – lần đầu tiên xuất hiện. Hiện, các cơ quan chức năng của tỉnh, người dân tập trung phòng, diệt trừ.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Văn Quan kiểm tra diện tích ngô
bị sâu keo mùa thu gây hại
Ông Lưu Văn Trần, phố Đức Thịnh, thị trấn Văn Quan (huyện Văn Quan) cho biết: Sâu keo mùa thu bắt đầu xuất hiện và gây hại ngô từ cuối tháng 4 đến nay, hiện đã gây hại 6/6 sào ngô của gia đình. Ngay sau khi phát hiện, tôi đã báo và được cơ quan chuyên môn huyện hướng dẫn phòng, diệt trừ. Với các biện pháp tích cực, diện tích bị sâu hại chỉ chiếm khoảng 20%. Tuy vậy, việc diệt trừ cũng gặp khó khăn vì sâu nằm ở trong nõn trên đỉnh của cây nên khi phun thuốc phải phun từ trên đỉnh nõn của cây trở xuống. Nếu không thì thuốc sẽ bị lá ngô che kín, không tác động trực tiếp đến sâu, làm giảm hiệu quả diệt trừ. Ngoài ra, tôi dùng tay bắt trực tiếp sâu tại các cây ngô.
Không chỉ gia đình ông Trần, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Văn Quan tích cực các biện pháp phòng, diệt trừ. Tính đến ngày 8/5, toàn huyện có 62 ha bị sâu gây hại, diện tích phòng trừ là 42 ha; mật độ sâu hại phổ biến từ 1-3 con/m2, cục bộ một số xã cao từ 15-20 con/m2.
Để phòng, diệt trừ sâu gây hại, UBND huyện Văn Quan ban hành các văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng chống, diệt trừ. Bà Dương Ái Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Sâu keo mùa thu xuất hiện và gây hại ngô trên địa bàn huyện từ giữa tháng 4 đến nay. Để phòng trừ, trung tâm tăng cường điều tra, phát hiện, phòng trừ; tuyên truyền cách nhận biết, các biện pháp phòng trừ cho nhân dân; ra văn bản thông báo gửi các xã, thị trấn chỉ đạo thực hiện phòng chống sâu gây hại; …. Với các biện pháp tích cực, đến nay, diện tích nhiễm chủ yếu là nhiễm nhẹ, nhiễm nặng chiếm 3 ha. Hiện, trung tâm tiếp tục điều tra, theo dõi diễn biến tình hình để diệt trừ kịp thời.
Không chỉ Văn Quan, các huyện, thành phố đã và đang tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống sâu gây hại.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến ngày 7/5, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại cây ngô, tổng diện tích nhiễm là 693,5 ha (mật độ sâu non phổ biến 1 – 3 con/m2, cao 2 – 6 con/m2, cục bộ 10 – 15 con/m2). Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ – trung bình 645,5 ha; diện tích nhiễm nặng 48 ha; diện tích phòng trừ 471,3 ha. Một số huyện có diện tích nhiễm nhiều như: Đình Lập (187 ha); Cao Lộc (145,6 ha); Văn Quan (62 ha).
Ông Hoàng Văn Lợi, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật – Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Vì sâu keo mùa thu gây hại trong phần nõn cây ngô nên rất khó để thuốc tiếp xúc với sâu bệnh. Do đó, để phun phòng, diệt trừ hiệu quả nhất, người dân sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất sau để phun trừ như: Esfenvalat, Carbaryl, Chlorpyrifos, Malathion, Permethrin và Lamba-cyhalothrin. Cần lưu ý sử dụng thuốc đúng nồng độ, khi phun phải đúng kỹ thuật để thuốc tiếp xúc và diệt được sâu bệnh. Cùng với đó, người dân cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện và bắt sâu, ngắt các ổ trứng; sử dụng bẫy, bả chua ngọt, bẫy đèn để diệt sâu trưởng thành;….
Để phòng trừ sâu keo gây hại, hiện nay, cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố đã và đang tiếp tục chỉ đạo, triển khai tập trung các giải pháp phòng, diệt trừ sâu gây hại.
Theo cơ quan chức năng, sâu keo mùa thu có các đặc điểm là đầu hình chữ “Y” ngược, trên lưng đốt áp sát đuôi có 4 chấm đen bố trí cân đối nhau tạo thành hình vuông; lưng có 3 sọc màu sáng chạy song song, chia phần lưng mỗi đốt thành 2 phần đều nhau, trên mỗi phần có 2 chấm đen và cơ thể có nhiều lông. Sâu tuổi nhỏ thường tập trung nhiều cá thể trên một cây. Một đặc điểm nổi bật là sâu thường phản ứng giả chết và cuộn tròn khi đụng vào. Màu sắc cơ thể thay đổi theo tuổi sâu và điều kiện ngoại cảnh, có thể hơi xanh, nâu, xám hoặc pha trộn xám và đen. Chúng gây hại từ trong ra ngoài, phần ngọn cây ngô thường bị cắn đứt trước, sau đó chúng ăn khuyết dần các lá tiếp theo. |
Ý kiến ()