Tập trung phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi
Từ đầu năm đến nay đã xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền núi phía bắc; một số nơi nhiệt độ giảm sâu, chỉ còn dưới 5 0C kèm theo mưa, độ ẩm cao, gây ảnh hưởng không tốt cho sự sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 21/2, thời tiết khắc nghiệt đã khiến hơn 1.000 con gia súc bị chết ở các địa phương (Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Sơn La, Bắc Kạn…). Một số diện tích cây trồng vụ đông xuân 2021-2022 (xoài, bưởi, mận…) đang trong giai đoạn ra hoa, đậu quả có dấu hiệu phát triển chậm lại. Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, thời gian tới có thể sẽ xuất hiện thêm một số đợt rét đậm, tiềm ẩn nguy cơ đàn vật nuôi tiếp tục bị chết do đói, rét; cây trồng bị hại.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do tác động của thời tiết giá rét gây ra, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện ngay một số giải pháp như: Chủ động chăm sóc, tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh cho cây trồng theo quy trình kỹ thuật nhằm tạo bộ rễ mới, tăng sức chống chịu thời tiết khắc nghiệt. Với các loại cây ưa ấm, nhất là các loại rau màu trái vụ, thực hiện che bạt, phủ ni-lông, thắp điện để tăng nhiệt độ, giữ ấm cho cây, vệ sinh vườn, tỉa những cành già cỗi, sâu bệnh. Theo dõi sát tình hình sâu bệnh trên cây trồng để có biện pháp phòng, chống kịp thời.
Khi nhiệt độ trong ngày xuống dưới 15 0C, cần tập trung thu hoạch cây rau màu đã đến kỳ thu hoạch, gần đến kỳ thu hoạch để bảo đảm năng suất, chất lượng, đồng thời không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết còn rét đậm, rét hại. Đặc biệt hướng dẫn bà con chống rét cho mạ, tuyệt đối không gieo mạ những ngày nhiệt độ dưới 13 0C.
Đối với vật nuôi, người chăn nuôi cần theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi kịp thời, giữ ấm cho gia súc, không thả rông gia súc và cho gia súc làm việc khi nhiệt độ xuống dưới 10 0C. Các hộ chăn nuôi cần dự trữ thức ăn thô xanh, bổ sung thức ăn tinh cho gia súc và tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động triển khai phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt trong tình huống cần thiết để bảo đảm an toàn. Các địa phương cần chủ động ban hành và triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi.
Thường xuyên kiểm tra chuồng trại, tiến hành xây mới chuồng nuôi bảo đảm chống rét cho gia súc sau mỗi đợt rét đậm, rét hại. Có phương án chủ động về con giống để sẵn sàng thay thế khi gia súc bị chết, sản xuất lại ngay sau khi thiệt hại do rét đậm, rét hại. Thu gom phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như: Rơm rạ, cây ngô, cây đậu, cây lạc khi thu hoạch; dự trữ, chế biến để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn thức ăn, phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại các địa phương (ủ chua, xử lý rơm, thân cây ngô già bằng u-rê…) làm thức ăn cho gia súc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()