Tập trung phòng, chống dịch bệnh tại vùng lũ
Khi mưa tạnh, lũ tan, ngoài tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, chính quyền các cấp của tỉnh Sơn La và Yên Bái cũng chú trọng đến việc phòng, chống dịch bệnh.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mường La hướng dẫn và phát màn cho người dân xã Nặm Păm để tránh nguy cơ dịch bệnh do muỗi đốt. Ảnh: TTXVN |
Trong đợt lũ ống, lũ quét xảy ra tại huyện Mường La (tỉnh Sơn La), các trạm y tế trên địa bàn đã bị thiệt hại nặng nề, ước tính trên 5 tỷ đồng.
Trạm trưởng Trạm y tế xã Nặm Păm, Lò Văn Lán cho biết, xã Nặm Păm có 11 bản với gần 7.000 dân. Mưa lũ đã khiến giao thông tại đây bị chia cắt, 5 bản bị cô lập hoàn toàn. Toàn bộ trang thiết bị, máy móc và thuốc men của trạm y tế xã đã bị lũ cuốn trôi.
Trong điều kiện như thế, việc triển khai công tác khám, chữa bệnh, cũng như phòng, chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cán bộ y tế không vì thế mà chùn bước. Tại các bản bị cô lập, trạm đã cử các tổ y tế đi bộ vào tận nơi nắm tình hình, cắm chốt để khám, chữa bệnh, sơ cứu ban đầu cho người dân, phát hiện sớm các ca bệnh truyền nhiễm, kịp thời xử lý, tránh lây lan trong cộng đồng.
Trước khó khăn của Trạm y tế xã Nặm Păm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sơn La Nguyễn Tiến Dũng cho biết, Trung tâm đã cử đoàn công tác đến nắm bắt và xử lý tình hình; thống nhất với UBND huyện Mường La việc khắc phục cơ sở vật chất cho trạm. Chậm nhất đến ngày 13/8 sẽ di chuyển toàn bộ hàng cứu trợ tại Nhà văn hóa bản Hốc và bàn giao trụ sở này cho Trạm y tế xã Nặm Păm.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sơn La cũng đã chuẩn bị hệ thống dây chuyền lạnh, trang thiết bị cấp cứu, các loại thuốc, tài liệu truyền thông, sổ sách và máy vi tính để Trạm y tế Nặm Păm hoạt động trở lại.
Còn tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), bất chấp khó khăn và nguy hiểm, lũ rút đến đâu, cán bộ y tế có mặt tới đó để hướng dẫn bà con vệ sinh, khử trùng, thu gom, xử lý, chôn xác súc vật.
Ngay sau khi lũ lụt xảy ra, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải đã huy động toàn bộ lực lượng của đơn vị, cùng với một kíp cấp cứu hỗ trợ điều trị của Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ và một kíp hỗ trợ chuyên môn xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh trong và sau lũ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích, phun khử trùng tiêu độc, xử lý nguồn nước cho các hộ gia đình để phòng tránh dịch bệnh và tổ chức tuyên truyền cách phòng tránh dịch bệnh có thể xảy ra sau mưa lũ, sạt lở đất.
Sở Y tế Yên Bái cũng đã chuẩn bị đầy đủ thuốc và trang thiết bị, hóa chất, thành lập các tổ chuyên môn, đội cấp cứu tại cơ sở và tăng cường từ tuyến tỉnh; ưu tiên cứu chữa nạn nhân và quyết tâm không để dịch bệnh xảy ra.
Theo đó, ngay sau khi lũ xảy ra, ngoài 4 đội lưu động với 24 y, bác sĩ của huyện Mù Cang Chải và 2 đội hỗ trợ, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải đã có 3 cơ số thuốc, 100 kg Cloramin B, 50.000 viên Aquatab, 50 lít dung dịch sát khuẩn nhanh,… cơ bản đáp ứng yêu cầu vệ sinh phòng dịch.
Cán bộ y tế dự phòng đến từng nhà hướng dẫn cách sử dụng thuốc khử khuẩn nguồn nước uống, nước sinh hoạt cho người dân. Ảnh: TTXVN |
Ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch… để phòng bệnh
Sau mưa lũ, môi trường và nguồn nước sẽ bị ô nhiễm nặng. Rác thải từ khắp nơi trôi về; xác động, thực vật bị phân hủy bốc mùi hôi thối. Tại nhiều gia đình, gia súc, gia cầm được nuôi nhốt ngay dưới gầm sàn, hoặc thả rông ngoài đường… Tất cả những điều này tạo cơ hội cho vi khuẩn, vi sinh vật phát triển. Đây cũng là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng.
Mặc dù ngành y tế đã và đang nỗ lực để khắc phục hậu quả bão lũ, nhưng nguy cơ xảy ra dịch bệnh như tiêu chảy cấp, các bệnh ngoài da, xoắn khuẩn vàng da, đau mắt đỏ… là vẫn còn.
Để ngăn chặn dịch bệnh, ngành y tế khuyến cáo: Bảo đảm lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Vệ sinh cá nhân hằng ngày. Rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
Diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng; mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) yêu cầu các sở y tế lên phương án cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường để bảo đảm sức khỏe cho người dân vùng lũ. Các sở y tế phải trực tiếp giám sát tình hình để phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh phát sinh trong và sau lũ như: Đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm, sốt xuất huyết, tiêu chảy… Đặc biệt, phải đề phòng các bệnh lây qua đường tiêu hóa. Duy trì, thường trực các đội cơ động, kịp thời hỗ trợ tuyến dưới. Bố trí đầy đủ thuốc men, nhân lực, vật lực để phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo khuyến cáo. Chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, hướng dẫn người dân cách phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường xung quanh, nhằm giảm thiểu tối đa các vấn đề phát sinh dịch bệnh. |
Theo baochinhphu
Ý kiến ()