Tập trung phòng chống cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”
Nắng nóng trên diện rộng, cùng với thời tiết hanh khô kéo dài trong nhiều ngày qua đã làm cho toàn bộ diện tích rừng ở khu vực Nam bộ luôn trong tình trạng nguy hiểm. Trước tình hình này, các địa phương đã tập trung cao độ nguồn nhân lực, vật lực, sẵn sàng cho công tác phòng chống cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”.
Một khu rừng trồng bị cháy ở Đồng Nai (Ảnh: K.V) |
* Chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương này đã nâng mức cảnh báo cháy rừng lên mức cực kỳ nguy hiểm (cấp 5) trên địa bàn toàn tỉnh.
Đặc biệt, rừng phòng hộ núi Cậu tại huyện Dầu Tiếng là địa bàn nóng nhất nên được đặt trong tình trạng phòng chống cháy rừng ở mức độ cao. Cũng trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có hàng chục nghìn ha cao su thay lá trong mùa khô, nên nguy cơ cháy lô cao su hết sức nguy hiểm. Nếu để xảy ra cháy sẽ gây thiệt hại nặng nề.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 132 nghìn ha cao su, trong đó cao su tiểu điển chiếm gần 70%, số còn lại là các công ty quốc doanh gồm Công ty cao su Dầu Tiếng và Phước Hòa. Do đó, công tác phòng chống cháy cho cao su là hết sức quan trọng trong mùa khô năm nay.
Để ứng phó cháy cao su trong mùa khô năm nay, các nông trường cao su thuộc Công ty cao su Dầu Tiếng quản lý đã áp dụng giải pháp dùng máy cắt cỏ chuyển đổi công năng thành chiếc máy thổi lá khô. Chỉ cần một đến hai giờ, chiếc máy thổi có thể gom lá khô cho hàng chục ha cao su.
* Nắng nóng khô hanh kéo dài cũng đã đặt hàng chục nghìn ha rừng trên địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai nằm trong tình trạng báo động cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Ðể giữ rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đã xây dựng nhiều phương án, đầu tư các hạng mục phòng cháy, chữa cháy rừng để sẵn sàng ứng phó với các tình huống cháy rừng xảy ra.
Nhiều năm kinh nghiệm trong phòng, chống cháy rừng, nên các khu rừng keo lai có lượng thực bì cao, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc và các hộ dân canh tác nông nghiệp trong lâm phận, sống nơi bìa rừng đã tiến hành phát quang, cày xới để dập thực bì, làm đường băng cản lửa, đồng thời lên lịch phân công nhau thường xuyên tuần tra vào các giờ cao điểm có nguy cơ cháy cao, nhằm phát hiện và ứng phó kịp thời khi có tình huống cháy xảy ra.
Với phương châm “4 tại chỗ”, đó là lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đã chủ động thực hiện hàng trăm cây số đường băng cản lửa để dập thực bì và chia nhỏ những lô rừng nhằm tạo thuận lợi cho công tác tuần tra, vừa có thể cơ động đưa phương tiện máy móc, cơ giới ứng phó kịp thời nếu xảy ra cháy.
Đơn vị cũng thành lập sở chỉ huy phòng chống cháy rừng và các tổ chỉ huy phòng chống cháy rừng ở 6 phân trường trong lâm phận do đơn vị quản lý, gồm các phân trường là Đầm Voi, Núi Le, Gia Huynh, Gia Phu, Láng Cát và Trảng Táo. Các tổ chỉ huy thường xuyên trực gác, chỉ đạo các tổ lâm nghiệp cộng đồng và tổ chữa cháy túc trực 24/24 giờ, đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và thay phiên trực gác trên 8 chòi canh…
Hiện nay, các phương tiện, thiết bị chữa cháy, như: máy bơm cao áp, bình xịt tay, máy định vị, thùng đựng nước, cuốc, xẻng… đều được trang bị đầy đủ tại 6 phân trường và các chốt canh trọng yếu. Nhờ đó, đơn vị đã kịp thời dập tắt các điểm phát lửa do người dân bất cẩn trong xử lý thực bì cây điều và người dân đi bắt ong rừng gây ra.
Hầu hết diện tích rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc quản lý là rừng phòng hộ đầu nguồn sông La Ngà, nên rừng ở đây giữ vai trò rất quan trọng trong việc chống xói mòn, ổn định mạch nước ngầm và đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý, rừng do đơn vị quản lý chủ yếu gồm các loại cây sao, dầu, xà cừ…, được trồng xen canh với cây keo lai, tràm bông vàng nên giá trị kinh tế rất cao.
* Để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị các cơ quan chức năng và chủ rừng tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Các nội dung của kế hoạch phòng cháy rừng bao gồm như tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ rừng, chủ động mua sắm các trang thiết bị, huấn luyện nghiệp vụ, tỉa thưa rừng, nạo vét thông thoáng kênh mương, chủ động đưa nước vào rừng để tăng độ ẩm và dự trữ để phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng..
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Phòng cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy sẽ tiến hành định kỳ và đột xuất, tập trung vào các khu vực trọng điểm là khu vực Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu Di tích Gò Tháp, rừng tràm Bắc Tháp Mười và rừng Phòng hộ Biên giới; phương án và kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2014.
Công tác chữa cháy rừng thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cháy lan trên diện rộng. Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cơ sở đã có kế hoạch và chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, củng cố lực lu ̛ ợng chuyên trách và bán chuyên trách, tổ chức tuần tra, trực 24/24 tại Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng và các đài quan sát để phát hiện đám cháy sớm và tổ chức chữa cháy kịp thời.
* Tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, các lực lượng chức năng và người dân nơi đây cũng đã khẩn trương triển khai các giải pháp chủ động phòng chống cháy rừng trên đảo khi mùa khô đang đến.
Theo đó, các đơn vị và địa phương có rừng tập trung xây dựng lực lượng phòng chống cháy rừng kết hợp với thành lập tổ, đội trực chiến sẵn sàng làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các địa phương được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị dập lửa như máy bơm, ống dẫn nước, bình chữa cháy, xe chữa cháy chuyên dụng, thùng tưới nước, hồ chứa nước, xây dựng tháp canh lửa, đường băng cản lửa ở những khu vực có nguy cơ cháy cao, nhất là vào giai đoạn cao điểm mùa khô.
Được biết, rừng trên đảo phần lớn tập trung ở Vườn Quốc gia Phú Quốc với diện tích gần 31.500 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt hơn 8.500 ha. Hiện nay, Vườn đã bố trí lực lượng phòng chống cháy rừng ở tất cả các tiểu khu, phân khu thuộc lâm phần, trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu xảy ra. Tại những nơi xung yếu, nguy cơ cháy cao, Vườn tổ chức các chòi canh, thực hiện chế độ trực chiến 24/24 giờ cho đến hết mùa khô năm 2014, nghiêm cấm vào rừng trái phép kết hợp tuần tra thường xuyên, kiểm soát chặt chẽ lâm phần, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm bảo vệ rừng.
Ngoài việc triển khai kế hoạch theo phương châm “4 tại chỗ”, các đơn vị chủ rừng trên đảo phối hợp với địa phương tổ chức họp dân tuyên truyền, thực hiện ký cam kết phòng chống cháy rừng và tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng. Các đơn vị chủ rừng cũng đóng cửa rừng vào giai đoạn cao điểm mùa khô kết hợp cập nhật thông tin dự báo cấp cháy cụ thể từng khu vực lâm phần để mọi người biết, cẩn trọng khi sử dụng lửa và nâng cao ý thức phòng chống cháy, chung tay bảo vệ rừng.
Huyện đảo Phú Quốc có trên 37.000 ha rừng được quy hoạch hai loại gồm rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Hiện nay, tại đây đã có hàng chục ha rừng ở đây đang có nguy cơ cháy cao. Ngoài ra, vào cao điểm mùa khô, khu vực đồng tràm thuộc các xã Bãi Thơm, Cửa Cạn, Gành Dầu, Hàm Ninh và khu vực Bắc – Nam Bãi Trường có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào.
Trong mùa khô năm 2013, huyện đảo Phú Quốc xảy ra 19 vụ cháy, tổng diện tích hơn 91 ha, chủ yếu là đồng cỏ xen lẫn tràm nước tái sinh thưa và keo lá tràm. Nguyên nhân cháy do một số hộ dân sống ven rừng chưa ý thức được tác hại của nạn cháy rừng nên tự tiện đốt rẫy, dọn vườn và đốt đồng bừa bãi, làm cháy lan vào rừng.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()