Tập trung phát triển vùng cây ăn quả chủ lực
(LSO)- Thời gian qua, phát huy tiềm năng, lợi thế, huyện Hữu Lũng tập trung phát triển cây ăn quả chủ lực, nhất là cây na và cây có múi. Qua đó, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả; các sản phẩm cây ăn quả từng bước tạo thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hữu Lũng
hướng dẫn người dân xã Cai Kinh chăm sóc cây cam đường Canh
Hình thành vùng chuyên canh
Với diện tích vườn đồi lớn, lại giáp khu vực núi đá, là điều kiện phát triển trồng cây na, gia đình ông Nguyễn Văn Thản, thôn Sơn Đông (xã Yên Vượng) tập trung phát triển loại cây này. Hiện nay, gia đình ông Thản đã trồng được gần 1.000 cây na, trong đó có khoảng 700 cây cho thu hoạch quả. Ông Thản cho biết: Trong khoảng hai năm trở lại đây, từ na đã cho gia đình tôi thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, đây là nguồn thu chính của gia đình. Vì vậy, hiện nay, tôi tập trung trồng, chăm sóc na để nâng cao năng suất, chất lượng. Trong đó, năm 2019, gia đình tôi trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, so với trước đây, trồng theo VietGAP quả to, đẹp, năng suất hơn, bán được giá hơn so với trước từ 15 đến 20%. Thời gian tới, tôi tiếp tục tham gia các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc na, đặc biệt là trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị na.
Không chỉ gia đình ông Thản, nhiều gia đình trong xã phát huy lợi thế, tập trung phát triển cây na, như: hộ ông Nguyễn Văn Lấn, thôn Sơn Đông (có gần 1.000 cây); ông Quách Minh Vương, thôn Chục Quan (có 800 cây). Hiện nay, toàn xã có 320 ha cây ăn quả các loại, trong đó cây na chiếm chủ yếu với diện tích 260 ha. Ông Triệu Đức Chính, Chủ tịch UBND xã Yên Vượng cho biết: Xác định cây na là cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã, vì vậy, xã xây dựng và đưa vào nghị quyết của HĐND xã về tập trung phát triển loại cây này. Hiện nay, cây na trên địa bàn được trồng tập trung ở các thôn: Chục Quan, Sơn Đông, Sơn Tây, Ao Sen, Làng Lầm. Cùng với phát triển diện tích, việc chăm sóc, nâng cao chất lượng na được chú trọng. Năm 2019, xã thực hiện sản xuất 25 ha theo tiêu chuẩn VietGAP, những diện tích còn lại đều được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Thời gian tới, xã tiếp tục mở rộng trồng hết diện tích đối với những diện tích có thể trồng được na; áp dụng trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Khác với xã Yên Vượng, xã Minh Sơn với lợi thế về đồi đất, xã tập trung phát triển cây dứa, hiện toàn xã có gần 30 ha dứa, năm 2018, xã trồng dứa theo tiêu chuẩn VietGAP, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng dứa.
Hiện nay, toàn huyện có gần 4.700 ha cây ăn quả các loại, trong đó, cây na chiếm diện tích nhiều nhất với gần 1.500 ha; cây nhãn 420 ha; cây bưởi 450 ha; cây cam 170 ha; cây xoài 172 ha,… Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả như: vùng trồng na ở các xã: Yên Vượng, Yên Thịnh, Yên Sơn, Hòa Lạc, Cai Kinh; vùng trồng bưởi Diễn, cam, táo đại ở các xã: Nhật Tiến, Minh Tiến, Đồng Tân, Tân Thành, Cai Kinh; dứa ở Minh Sơn, Minh Hòa,… Qua đó, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm cây ăn quả.
Nguời dân xã Cai Kinh chăm sóc cây na
Đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu
Để phát triển cây ăn quả trở thành vùng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao, huyện Hữu Lũng chủ trương phát triển cây ăn quả theo chiều sâu, với các loại cây chủ lực gồm: na, bưởi, táo, mít, dứa, thanh long, xoài, nhãn, cam. Theo đó, huyện chủ trương phát triển mở rộng diện tích đối với vùng có lợi thế về trồng cây ăn quả và tập trung phát triển thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị.
Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao giá trị cây ăn quả. Qua đó, đến nay, toàn huyện có 35 ha na sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, 170 ha na VietGAP; 25 ha bưởi, 30 ha dứa, trên 100 ha táo đại theo tiêu chuẩn VietGAP; những diện tích cây ăn quả còn lại được người dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.
Ông Bùi Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian tới, để phát triển vùng cây ăn quả chủ lực, huyện tiếp tục chỉ đạo các giải pháp. Trong đó, hình thành, phát triển các hợp tác xã, tổ sản xuất có đủ điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, tem nhãn có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư, đặc biệt là liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với người dân. Từ đó, phát triển vùng cây ăn quả tập trung, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, làm giàu cho bà con nông dân trên địa bàn.
Ý kiến ()