Tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn
LSO-Phát triển công nghiệp nông thôn nhằm động viên và huy động các nguồn lực tham gia, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn theo quy hoạch.
Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hoạt động sản xuất gạch tuynel tại Công ty Cổ phần Toàn Phát |
Trong những năm qua, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tại các huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là các vùng nông thôn, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương đã triển khai nhiều chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ các cở sở sản xuất đầu tư, nâng cấp trang thiết bị máy móc kỹ thuật, các chương trình đạo tào nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã triển khai thành công hơn 20 đề án hỗ trợ phát triến sản xuất công nghiệp tại các huyện, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Các đề án được đưa vào thực tế đã giúp cơ sở sản xuất nâng cao năng suất theo công nghệ mới hiện đại, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn.
Ông Vũ Phong Quyết, Giám đốc Công ty TNHH Quyết Thắng, huyện Cao Lộc đơn vị đã được nhận sự hỗ trợ của chương trình khuyến công địa phương cho biết: Công ty sản xuất gạch từ năm 1993 nhưng trước đây chỉ làm thủ công nhỏ lẻ bằng những lò nung truyền thống, cách làm đó ngày một lỗi thời, sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Trong khi đó, lại sản sinh ra nhiều khí thải độc hại gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, khi công ty được Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp lựa chọn để hỗ trợ và tư vấn lắp đặt dây chuyền sản xuất gạch theo công nghệ tuynel, ban lãnh đạo đã coi đây là một cơ hội để đầu tư thay đổi công nghệ. Dây chuyền công nghệ mới được tự động hóa đến 90% đã khắc phục được hạn chế của công nghệ cũ và đảm bảo yêu cầu của môi trường. Nhờ đó mà sản phẩm gạch của công ty ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường và đã tạo thêm việc làm cho hơn 50 lao động địa phương.
Trong năm 2014, để khích lệ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư và sáng tạo hơn nữa, trung tâm đã xây dựng đề án tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh theo chủ trương của Chính phủ. Nội dung đề án nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp được thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Qua đó, xây dựng kế hoạch hỗ trợ sản xuất, xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển theo nhu cầu thực tế tại địa phương và trên cả nước. Đồng thời lựa chọn ra các sản phẩm tiêu biểu để tham gia bình chọn ở cấp khu vực.
Ông Hoàng Minh Biên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: Từ tháng 3/2014, trung tâm đã gửi công văn đến các huyện trên địa bàn tỉnh thông báo về nội dung đề án bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014. Hiện nay, cán bộ phụ trách khuyến công của Trung tâm đang phối hợp cùng với phòng chức năng của các huyện đi tìm hiểu và vận động các cở sở sản xuất đang ký tham gia. Đối tượng tham gia bình chọn là các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trực tiếp đầu tư sản xuất trên địa bàn các huyện, thành phố Lạng Sơn. Bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… đã đăng ký và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Các sản phẩm tham gia bình chọn ngoài việc phải có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất còn phải đảm bảo đáp ứng được các tiêu chí cơ bản về kinh tế, kỹ thuật, xã hội và thỏa mãn các yêu cầu về môi trường. Đề án dự kiến sẽ kết thúc trong tháng 6 năm 2014.
Các cơ sở sản xuất gạch tư nhân trên địa phận xã Hợp Thành – Ảnh: THANH SƠN |
Các đề án khuyến công được triển khai thành công, phù hợp với nhu cầu thực tế của từng địa phương sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh; đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Lạng Sơn nói riêng và đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước nói chung.
ANH DŨNG
Ý kiến ()