Tập trung phát triển ngành công nghiệp phụ trợ
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, do phụ tùng, linh kiện chiếm một phần lớn trong cơ cấu chi phí của các sản phẩm công nghiệp lắp ráp, nên việc phát triển mạnh ngành công nghiệp phụ trợ sẽ giúp đạt được hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh.
Công nghiệp phụ trợ phát triển sẽ góp phần kéo giảm tình trạng nhập siêu |
Ngành công nghiệp phụ trợ chưa tạo được sức bật
Hiện ở Việt Nam, việc sử dụng các linh kiện trong nước vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức tối ưu. Do đó, việc thiếu vắng sự cung ứng của ngành công nghiệp phụ trợ ngay tại thị trường trong nước là yếu tố cản trở đầu tư, cản trở quá trình công nghiệp hoá. Để cải thiện năng lực ngành công nghiệp và khả năng cạnh tranh với các ngành công nghiệp của các nước khác thì phát triển công nghiệp phụ trợ đang là đòn bẩy cho ngành công nghiệp nói chung có những bước đi đúng hướng, mạnh mẽ.
Ngành công nghiệp phụ trợ được cho là thành công nhất ở Việt Nam là ngành công nghiệp xe máy. Ngành này đã hình thành được một hệ thống các nhà cung ứng ngay trong nội địa, cung cấp các linh kiện thiết bị. Trong khi đó, công nghiệp phụ trợ cho các ngành chế tạo khác như: Điện tử, ôtô lại rất yếu. Đơn cử, hiện nay, hãng Toyota có 11 nhà cung ứng trong nước, thì chỉ có 1 doanh nghiệp nội địa sản xuất bộ phụ tùng sửa chữa xe đi kèm.
Nhận định của các chuyên gia kinh tế cho rằng, lý do khiến ngành công nghiệp phụ trợ trong nước chưa tạo được sức bật, đó là do sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp phụ trợ còn thấp do giá thành cao, chất lượng không ổn định, thời hạn giao hàng không đảm bảo; thiếu các cơ sở sản xuất vật liệu cơ bản như: Sắt, thép, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử…; hầu hết các ngành này công nghệ sản xuất còn lạc hậu. Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là do doanh nghiệp vẫn chưa chủ động trong tìm kiếm thương mại và thiếu sự phối hợp liên kết giữa nhà sản xuất và nhà cung ứng.
Các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam tìm hiểu đầu tư đều cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ thì cần phải đa dạng hoá trong hợp tác, liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nhằm cung ứng các linh kiện, sản phẩm phụ trợ, tạo thành một mắt xích trong dây chuyền sản xuất toàn cầu.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam cho rằng: Chúng ta đều biết đây là giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế thế giới. Chính vì vậy, các công ty của Việt Nam và các công ty đến từ châu Âu cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định. Nhưng tôi tin rằng trong kế hoạch lâu dài của các đối tác châu Âu, Việt Nam vẫn là một điểm đầu tư được lựa chọn, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ở khu vực Đông Nam Á. Có thể tốc độ phát triển sẽ chậm hơn, nhưng Việt Nam vẫn cho thấy là địa điểm có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Âu.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam vẫn chưa phát triển trong thời gian qua, ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản, cho rằng, lý do ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển chưa tương xứng là bởi vốn đầu tư chưa tới được doanh nghiệp, đào tạo nhân lực chưa đủ và thiếu các biện pháp ưu đãi liên quan đến ngành công nghiệp này.
Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chúng ta còn chưa xác định được sản phẩm chủ lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ, đồng thời, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng chưa đầy đủ.
Còn theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh thì nhất thiết phải cải thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ…, từ đó mới có thể đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Để ngành công nghiệp phụ trợ tương xứng với vai trò của mình
Tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam, theo các nhà đầu tư nước ngoài, ngoài vấn đề liên doanh liên kết, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược đầu tư vào khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, chủ động việc sản xuất các linh kiện, nội địa hoá sản phẩm, đây sẽ là tiền đề tạo sức cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu, giảm giá thành của sản phẩm và rút ngắn được thời gian cung ứng cho khách hàng.
Hiện nay, một số địa phương có ngành công nghiệp phát triển mạnh tại khu vực Đông Nam bộ như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu…đang có những động thái mạnh mẽ trong thu hút và ưu đãi phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Riêng tỉnh Đồng Nai hiện đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập một số khu công nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ.
Các chuyên gia kinh tế nhận định về vai trò quan trọng của ngành công nghiệp phụ trợ trong nền kinh tế quốc dân, đó là nó sẽ hỗ trợ đắc lực cho ngành công nghiệp nội địa phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng công nghiệp xuất khẩu, theo đó, khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu phụ thuộc vào 3 yếu tố cơ bản là chi phí, chất lượng và thời gian. Trong đó, chi phí có thể coi là nhân tố quan trọng hàng đầu, việc giảm chi phí là để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu trong điều kiện giá nhân công tương đồng như vậy là giảm thiểu chi phí về nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng. Và để làm được điều này mỗi quốc gia cần phát triển mạnh mẽ nền công nghiệp phụ trợ, tạo khả năng canh tranh cho hàng xuất khẩu.
Đồng thời, việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ là điều kiện cần thiết để một quốc gia có thể tăng cường đón nhận chuyển giao công nghệ và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các công ty nước ngoài, chủ yếu là các công ty đa quốc gia thường chọn những nơi có nền công nghiệp phụ trợ phát triển nhằm cắt giảm chi phí trong khâu nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng.
Bên cạnh đó, công nghiệp phụ trợ phát triển sẽ thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ từ các công ty đa quốc gia. Đi cùng với đó là máy móc, công nghệ hiện đại được chuyển giao sang nước tiếp nhận đầu tư. Như vậy, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, công nghiệp phụ trợ phát triển sẽ góp phần quan trọng trong đổi mới sản xuất, nâng cao nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại của một quốc gia.
Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam, mà một trong những yếu tố các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đến Việt Nam là khả năng cung cấp tại chỗ các loại sản phẩm, phụ tùng, chi tiết, linh kiện phục vụ lắp ráp sản phẩm.
Với việc phát triển ngành công nghiệp này, các địa phương cho rằng sẽ thu hút được được các nhà đầu tư tập trung vào một một số lĩnh vực mũi nhọn. Nhờ đó ngành công nghiệp sẽ chủ động được quá trình sản xuất, đặc biệt không còn phụ thuộc vào việc nhập khẩu linh kiện, thiết bị và các nguyên liệu cho lắp ráp. Đồng thời khi chủ động được sản xuất thì sẽ giảm được chi phí, tạo động lực cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp trên thị trường, đồng thời sẽ kéo giảm được tình trạng nhập siêu.
Theo CPV
Ý kiến ()