Tập trung phát triển kinh tế rừng
– Trong những năm qua, nhận thức rõ về vị trí, tầm quan trọng của rừng trong phát triển kinh tế, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung cho công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Các mô hình trồng rừng ngày càng được nhân rộng đã có tác dụng thiết thực trong việc tăng thu nhập cho người dân và từng bước giúp lâm nghiệp phát triển bền vững.
Khởi sắc từ những cánh rừng
Bình Gia là một trong những huyện top đầu của tỉnh về công tác trồng rừng. Điều đó được thể hiện rõ qua việc toàn huyện có hơn 94 nghìn ha đất lâm nghiệp, thì đến cuối năm 2022 đã có hơn 84 nghìn ha diện tích có rừng, độ che phủ rừng của Bình Gia tính đến thời điểm này đạt 74,9% – tỷ lệ che phủ lớn nhất so với các huyện và thành phố trên địa bàn tỉnh. Để có được kết quả đó, huyện đã tiến hành điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch đất lâm nghiệp, thực hiện giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, đồng thời, tạo động lực để người dân trên địa bàn gắn bó chặt chẽ với rừng, yên tâm sản xuất. Những năm qua, trồng rừng đã trở thành phong trào sâu rộng trong quần chúng Nhân dân và một nghề đem lại thu nhập ổn định cho người dân trong huyện.
Đoàn công tác của HĐND tỉnh thăm, giám sát mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn huyện Văn Lãng
Ông Hoàng Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Nhằm phát huy những lợi thế về đồi rừng, thời gian qua, huyện đã định hướng, vận động người dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế. Theo đó, hiện toàn huyện có hơn 18.000 ha rừng gỗ lớn. Trong đó, chỉ tính từ năm 2020 đến nay (tháng 12/2022), bà con trồng rừng đã trồng được 2.962 ha rừng gỗ lớn. Hiện trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng trồng cây gỗ lớn như vùng trồng keo tại các xã: Thiện Thuận, Thiện Hòa, Thiện Long, Hồng Thái, Yên Lỗ, Hưng Đạo…; vùng trồng mỡ tại các xã: Tân Hòa, Thiện Long, Vĩnh Yên… Bên cạnh đó, huyện cũng phát triển mạnh vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ nhỏ nhằm cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ. Tổng thu nhập từ rừng trung bình mỗi năm của bà con trên địa bàn huyện được khoảng 40 tỷ đồng, trong đó, riêng thu từ quế và hồi là hơn 20 tỷ đồng.
Không có nhiều lợi thế về đồi rừng nhưng thời gian qua, huyện Văn Lãng cũng tập trung cho công tác phát triển rừng trồng. Ông Bế Văn Nhớ, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: Xác định kinh tế rừng vẫn là một trong những hướng phát triển mũi nhọn của huyện, thời gian qua, huyện Văn Lãng đã phát huy tối đa quỹ đất rừng hiện có để trồng các loài cây bản địa phù hợp với sinh thái, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện như: lát hoa, lim xanh, keo, thông, hồi, bạch đàn… Theo đó, tính đến tháng 12/2022, trên địa bàn huyện có 6.766 ha thông, 1.638,2 ha bạch đàn, 3.714 ha hồi,… Trong đó, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh cây thông, hồi, bạch đàn, keo… tại các xã: Trùng Khánh, Thanh Long, Thụy Hùng, Tân Tác, Bắc Hùng, Bắc Việt, Hội Hoan, Hoàng Văn Thụ, Nhạc Kỳ… Thu nhập từ rừng của huyện hiện vào khoảng 23 tỷ đồng/năm.
Ngoài hai huyện trên, những năm qua, các huyện và thành phố của tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh cho công tác trồng rừng. Theo thống kê, hiện tổng diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh là hơn 617 nghìn ha, chiếm 74,34% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó, diện tích đất có rừng của tỉnh là trên 522 nghìn ha. Độ che phủ rừng tính đến thời điểm tháng 12/2022 là 63,8%.
Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm qua, nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng về lợi ích to lớn cả trước mắt cũng như lâu dài của rừng và kinh tế rừng mang lại, người dân các huyện, thành phố trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư để trồng rừng, phong trào trồng rừng phát triển rất mạnh, nhiều huyện diện tích dành cho trồng mới đã được phủ kín. Qua kiểm tra thực tế ở cơ sở cho thấy chất lượng rừng trồng đã được nâng lên. Đặc biệt, là ở các huyện: Bình Gia, Đình Lập, Lộc Bình, Tràng Định, Bắc Sơn…, các hộ có đất rừng đã tích cực tham gia trồng rừng, nhiều mô hình trồng rừng xen canh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Vũ Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thu nhập từ rừng của người trồng rừng ngày một cao hơn, nhất là trong thời gian qua, các huyện đã tập trung nâng tầm rừng sản xuất bằng hình thức chuyển dần diện tích trồng rừng gỗ nhỏ, rừng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn, do vậy giá trị thu về tăng gấp 4 – 5 lần so với thời điểm năm 2020. Vì thế, giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh tăng từng năm. Cụ thể, năm 2021, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp toàn tỉnh đạt 4.053 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng đã đạt gần 3.930 tỷ đồng. Năm 2022, giá trị ngành lâm nghiệp của tỉnh đạt 4.570 tỷ đồng, trong đó giá trị gỗ rừng trồng đạt gần 4.300 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác phát triển rừng được các ngành, các cấp của tỉnh rất quan tâm, trong đó, tập trung phát triển và trồng mới rừng sản xuất. Qua đó, rừng sản xuất được đầu tư phát triển theo hướng thâm canh tăng năng suất. Diện tích rừng sản xuất tập trung được trồng mới tăng dần theo từng năm. Cụ thể, chỉ tính từ năm 2020 đến 2022, diện tích trồng rừng tập trung đã tăng thêm 21.520,2 ha. Cùng đó, diện tích rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn cũng được các huyện quan tâm. Theo đó, diện tích rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn từ năm 2020 đến năm 2022 đã đạt gần 5.600 ha. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao giá trị của rừng trên cùng một diện tích, người trồng rừng trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có gần 1.260 ha các loại cây dược liệu được trồng xen dưới tán rừng đã cho thu hoạch.
Phát triển rừng bền vững
Để công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng có hiệu quả, những năm qua, các ban, ngành từ tỉnh đến các huyện, xã trong tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp phù hợp, gắn trách nhiệm và lợi ích kinh tế cho người trồng rừng, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã phối hợp các huyện, thành phố tổ chức triển khai tốt việc giao đất, giao rừng cho người dân, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nhân rộng các mô hình trồng rừng có hiệu quả để nâng cao đời sống của người dân và tỷ lệ độ che phủ của rừng.
Người dân xã Hồ Sơn (Hữu Lũng) phát triển vườn ươm giống cây lâm nghiệp
Bà Lộc Thị Ảnh, thôn Khuổi Cưởm, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia chia sẻ: Thông qua việc tuyên truyền của các cấp, nhận thấy việc trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế, năm 2015, gia đình đã tập trung vào trồng keo và hiện gia đình có gần 4 ha cây keo. Bình quân mỗi năm, thu nhập từ trồng rừng kết hợp với thu nhập từ bán dược liệu dưới tán rừng được từ 190 đến 250 triệu đồng. “Hiện bán keo 6 – 7 tuổi được 80 – 90 triệu đồng/ha, qua hướng dẫn của các ngành chức năng và theo dõi thị trường, gia đình quyết định chuyển hướng sang rừng gỗ lớn, tức là giữ rừng keo từ 10 – 12 năm mới thu hoạch. Đến thời điểm đó thu nhập sẽ đạt 200 – 220 triệu đồng/ha…” – bà Lộc Thị Ảnh chia sẻ.
Mục tiêu về diện tích trồng rừng tập trung theo Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025 là 45 nghìn ha. Do vậy, mỗi năm sẽ phải trồng được khoảng 9,5 – 10 nghìn ha, trong đó, có 800 ha là rừng gỗ lớn. Để thực hiện các mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh ranh giới ba loại rừng tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030; tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của các tổ chức sản xuất lâm nghiệp; tiếp tục cùng với các huyện tăng dần diện tích rừng đạt tiêu chuẩn cấp Chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế và chứng nhận sản xuất hữu cơ đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn của thị trường thế giới; phát triển vùng trồng rừng tập trung, các loại cây nguyên liệu gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thế mạnh của tỉnh;…
Ông Vũ Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về phát triển lâm nghiệp, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên rừng có hiệu quả, thời gian qua, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành một số giải pháp mang tính chiến lược như: chính sách hỗ trợ cho vay đối với người trồng rừng; cải thiện chất lượng giống cây lâm nghiệp; quy hoạch cơ cấu vùng cây trồng hợp lý để tạo vùng trồng tập trung, ổn định; các biện pháp canh tác lâm nghiệp tiên tiến theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tập trung phát triển lĩnh vực chế biến lâm sản; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm từ gỗ rừng trồng…
Từ thực tiễn công tác trồng, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã cho thấy Lạng Sơn đã và đang trở thành điểm sáng, điển hình trong phong trào trồng rừng của cả nước. Với phong trào trồng rừng đang ngày phát triển như hiện tại, cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi trong trồng và phát triển rừng của tỉnh, trong vài năm tới, Lạng Sơn sẽ trở thành cứ điểm của ngành gỗ Việt Nam, đóng góp quan trọng cho hành trình phát triển xanh của đất nước trong giai đoạn tới.
Một số mục tiêu cụ thể theo Nghị quyết số 30-NQ/TU, ngày 3/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030 đã đề ra là: tăng trưởng giá trị của ngành lâm nghiệp đạt 7,0 – 7,2%/năm; giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2025 (theo giá thực tế) đạt 5.600 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu gỗ, các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 510 tỷ đồng; thu tiền dịch vụ môi trường rừng 31,49 tỷ đồng; năng suất gỗ rừng trồng đạt 15 – 18 m3/ha/năm; sản lượng khai thác gỗ đạt 350.000 m3/năm;… |
Ý kiến ()