Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững
Chỉ nên để lại hai Chương trình Mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững - Đó là ý kiến của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) của Quốc hội thống nhất đề xuất của Chính phủ về danh mục CTMTQG giai đoạn 2016-2020.
Khẳng định việc việc tiếp tục đầu tư cho hai Chương trình này là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết của Đảng và định hướng phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, Uỷ ban TCNS cũng thống nhất với dự kiến về các mục tiêu cụ thể của CTMTQG xây dựng nông thôn mới, CTMTQG giảm nghèo bền vững thể hiện cụ thể trong Báo cáo của Chính phủ.
Uỷ ban cũng lưu ý, vấn đề nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn chưa được đề cập trong nội dung CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là chưa hợp lý.
Qua xem xét các mục tiêu cơ bản của 2 Chương trình, Ủy ban TCNS nhận thấy, 2 Chương trình nhìn chung có thể đáp ứng yêu cầu là CTMTQG vì các mục tiêu sâu, rộng, tầm quốc gia, phù hợp với các cam kết quốc tế về mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 (SDGs).
Tuy nhiên, mục tiêu, quy mô, phạm vi đầu tư của 2 Chương trình là rất rộng, bao hàm hầu hết các lĩnh vực: giáo dục đào tạo, y tế, an ninh quốc phòng, vệ sinh môi trường, văn hóa, xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị,… do đó, để phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực và khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả trong lĩnh vực đầu tư công trong giai đoạn vừa qua, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ rà soát phạm vi đầu tư đối với 2 CTMTQG, tránh trùng lặp với các nội dung đầu tư thuộc lĩnh vực đã được đưa vào danh mục CTMT. Loại bỏ các hạng mục đầu tư chưa rõ tính cấp thiết, có thể bố trí nguồn lực từ cơ sở hoặc từ kinh phí hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị như nâng cao hiệu quả truyền thông, đào tạo đội ngũ cán bộ, tăng cường năng lực đánh giá, giám sát thực hiện chương trình; quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình,…
Uỷ ban cũng đề nghị Chính phủ xem xét lại một số nội dung đầu tư trùng lặp như “phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn nông thôn” và “phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, đời sống của cư dân nông thôn” trong cùng CTMTQG xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, Chính phủ cần lưu ý về tính trùng lặp của CTMTQG về xây dựng nông thôn mới và CTMTQG về giảm nghèo bền vững vì thực tiễn giai đoạn vừa qua cho thấy, việc triển khai thực hiện 2 Chương trình này có sự trùng lặp về đối tượng thụ hưởng, phạm vi triển khai như cả 2 Chương trình đều tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước sạch, trường học các cấp, trạm y tế xã, nhà văn hóa trên địa bàn nông thôn, ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc; huyện, xã, thôn, bản nghèo; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; bảo vệ môi trường nông thôn; phát triển giáo dục, đào tạo và y tế, chăm sóc sức khỏe của cư dân nông thôn,…
Xây dựng hệ thống tiêu chí, phân kỳ đầu tư cụ thể
Qua triển khai thực hiện CTMTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn vừa qua, Ủy ban TCNS nhận thấy, các quy định về tiêu chí nông thôn mới hiện hành có những mặt tích cực, phù hợp song cũng có mặt về điều kiện, hoàn cảnh, cân đối vốn, trật tự ưu tiên chưa thực sự phù hợp. Trong giai đoạn mới, hệ thống tiêu chí phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với định hướng phát triển giai đoạn 2016-2020. Do đó, Uỷ ban TCNS đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá lại hệ thống tiêu chí hiện hành, phân kỳ đầu tư, ưu tiêu tập trung đầu tư đối với một số nội dung cấp thiết trong giai đoạn 2016-2020 liên quan đến hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất; tập trung đầu tư cho các địa phương còn chưa hoàn thành các tiêu chí về điện, đường, trường, trạm, thủy lợi,… bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối, bố trí vốn, hoàn thành dứt điểm các hạng mục đầu tư theo từng giai đoạn, khả thi trong thực hiện, tránh đầu tư dàn trải, phân tán, kém hiệu quả.
Riêng đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững, Uỷ ban yêu cầu xây dựng mục tiêu, tiêu chí định lượng cụ thể cho từng nhóm đối tượng thụ hưởng, bảo đảm tính minh bạch, cụ thể, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện, giám sát, đánh giá kết quả của chương trình.
Xác định rõ phương án huy động nguồn vốn
Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến nguồn lực thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới là 800.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 40.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác.
Về vấn đề này, Ủy ban TCNS nhận thấy, tính khả thi trong huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình không cao do Chính phủ chưa làm rõ nguồn lực thực hiện đối với từng hợp phần của chương trình; đặc biệt là khi nguồn vốn ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 33% (240.000 tỷ đồng), trong khi ngân sách Trung ương trước mắt chỉ bố trí được 40.000 tỷ đồng là quá thấp; các nguồn vốn khác chiếm tỷ trọng tương đối lớn (khoảng 67%) song lại chưa rõ phương án huy động, tỷ trọng huy động đối với từng nguồn vốn. Trong khi CTMTQG giảm nghèo bền vững có tổng mức đầu tư là 48.261 tỷ đồng thì tỷ trọng vốn ngân sách Trung ương chiếm tới trên 85%, các nguồn vốn khác chiếm tỷ trọng nhỏ.
Do đó, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ tính toán lại nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đặc biệt là vốn ngân sách Trung ương bố trí cần cao hơn mức dự kiến của Chính phủ. Phần vốn ngân sách địa phương đóng góp phải bảo đảm sự cam kết của các địa phương. Đồng thời, phải có cơ chế minh bạch về chế độ ưu đãi đối với khu vực doanh nghiệp tham gia đóng góp vốn cho 2 Chương trình này.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần làm rõ phương án huy động đối với từng nguồn lực, phương án bố trí vốn đối với các dự án thành phần của từng chương trình. Thực hiện nguyên tắc ưu tiên bố trí, phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho CTMTQG xây dựng nông thôn mới cho các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, các địa phương chưa tự cân đối ngân sách căn cứ vào số thu và tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng cân đối, bố trí vốn của từng địa phương.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()