Tập trung nguồn lực tái cấu trúc các ngành công nghiệp, thương mại và doanh nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến tại hội nghị. ( Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN) ) Ngày 3-1, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành công thương năm 2012. Tham dự có đại diện các bộ, ban, ngành, các địa phương, sở công thương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp (DN) lớn, Hiệp hội ngành hàng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu của toàn ngành công thương năm 2011 đã vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển sản xuất, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Sản xuất công nghiệp năm qua tuy còn chịu nhiều khó khăn và chịu những tác động mới của kinh tế thế giới nhưng sản xuất công nghiệp toàn ngành vẫn tăng 12,7% so cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp bảo đảm điện năng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, cung ứng xăng dầu, than cho sản xuất... Bên cạnh đó, công tác xuất nhập khẩu là một điểm sáng...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến tại hội nghị. ( Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN) ) |
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu của toàn ngành công thương năm 2011 đã vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển sản xuất, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Sản xuất công nghiệp năm qua tuy còn chịu nhiều khó khăn và chịu những tác động mới của kinh tế thế giới nhưng sản xuất công nghiệp toàn ngành vẫn tăng 12,7% so cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp bảo đảm điện năng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, cung ứng xăng dầu, than cho sản xuất… Bên cạnh đó, công tác xuất nhập khẩu là một điểm sáng của năm 2011, trong đó xuất khẩu tăng 33% so với năm 2010, vượt chỉ tiêu đề ra, kiểm soát tốt nhập siêu, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời mở rộng thị trường trong và ngoài nước với sản phẩm hàng hóa ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại, chất lượng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu cho sản xuất và đời sống. Ngành cũng đã tích cực trong hoạt động quản lý thị trường, nhất là giám sát và thực hiện các quy định liên quan đến khâu lưu thông hàng hóa để ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm pháp lệnh quản lý giá… góp phần tích cực bảo đảm bình ổn thị trường trong nước,
Nhấn mạnh nhiệm vụ xuyên suốt trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu để thực hiện tái cơ cấu ngành, Bộ Công thương tập trung rà soát lại quy hoạch, nhất là những lĩnh vực lợi thế để có những chính sách phù hợp phát triển nhanh ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, công nghiệp cơ khí trọng điểm, đặc biệt là áp dụng công nghệ tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, vật liệu và năng lượng. Ngành công thương cần phát huy lợi thế để phát triển, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, phát triển ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu và thực hiện các giải pháp để bảo đảm sản xuất và cung ứng đủ điện cho sản xuất và đời sống. Thực hiện giá điện, than, xăng, dầu theo cơ chế thị trường nhưng phải công khai minh bạch.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, năm 2012 bên cạnh nhiều thuận lợi, đất nước ta cũng phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế thế giới dự báo còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp nền kinh tế nước ta, nhất là xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta có những lợi thế về sản xuất nông nghiệp, thị trường bán lẻ, lao động, công nghiệp khai khoáng… do vậy, ngành cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu, phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%, tỷ lệ nhập siêu khoảng 11-12%. Theo đó, ngành cần tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các sản phẩm, ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế và khả năng cạnh tranh, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, giảm chi phí đầu vào, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu; làm tốt công tác phát triển thị trường nội địa, gắn với quản lý tốt thị trường giá cả, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá; tạo lập mối liên kết giữa nhà sản xuất với tổ chức phân phối và người tiêu dùng để tiếp tục hình thành và phát triển ổn định các kênh lưu thông hàng hóa, gắn với quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường vai trò của các hội, hiệp hội người tiêu dùng.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương tập trung nguồn lực, thực hiện tái cấu trúc các ngành công nghiệp, thương mại và tái cấu trúc các doanh nghiệp, nhất là kiểm tra, rà soát lại đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa.
Theo Nhandan
Ý kiến ()