Tập trung nguồn lực, sản xuất vụ đông xuân thắng lợi
Người dân xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân (Hà Nam) thu hoạch vụ đông.
Chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất
Tại Hội nghị tổng kết vụ đông xuân 2017-2018, và triển khai vụ đông xuân 2018-2019, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Trần Xuân Ðịnh cho biết, vụ đông xuân 2018-2019 được dự báo có xu hướng ấm hơn so trung bình nhiều năm. Hiện tượng hạn hán có thể lặp lại tại các tỉnh miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ, do đó chỉ sử dụng các giống cây trồng ngắn ngày cho vụ đông xuân 2019 (riêng với cây lúa, cần tổ chức gieo mạ khay, sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn để có thể ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt mức cao nhất).
Ghi nhận tại tỉnh Hà Nam, vụ đông xuân 2018-2019, tỉnh đã quyết định gieo cấy 100% diện tích trà xuân muộn để lúa có thể trổ bông tập trung. Cơ cấu giống cũng được thay đổi với 50% diện tích cấy lúa lai, hơn 35% diện tích lúa chất lượng, còn lại là các giống lúa thuần khác.
Theo ông Bạch Văn Huy, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, vụ đông xuân năm 2019, tỉnh đã giao chỉ tiêu gieo trồng hơn 35.300 ha. Trong đó, diện tích gieo cấy lúa hơn 30.760 ha, diện tích cây màu và các cây trồng khác là 4.600 ha. Ðối với những vùng có điều kiện, tỉnh cũng khuyến khích các địa phương chủ động mở rộng diện tích sản xuất, có thể vượt 15% kế hoạch, ưu tiên phát triển một số loại cây thế mạnh, gồm: Ngô làm thức ăn cho gia súc, bí đỏ, dưa chuột, khoai lang… Ước giá trị sản xuất vụ đông xuân năm 2019 trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1.355 tỷ đồng.
Tỉnh Hưng Yên, cũng đã sớm xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông ngay từ khi kết thúc vụ hè thu 2018, thông qua việc giao chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của sản xuất vụ đông và những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người nông dân tham gia sản xuất. Song, trước những khuyến cáo từ Cục Trồng trọt và để bảo đảm một vụ đông thắng lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên quyết định giảm 2,1 nghìn ha diện tích gieo trồng cây hoa màu so với vụ đông năm 2017-2018. Trong đó, diện tích gieo trồng cây ngô và cây công nghiệp ngắn ngày đạt hơn 2,8 nghìn ha, giảm 931 ha, rau các loại đạt xấp xỉ 6,5 nghìn ha, giảm gần 1,4 nghìn ha so cùng kỳ năm trước… Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã gieo trồng được hơn 10,5 nghìn ha rau màu các loại, đạt 87,5% kế hoạch. Hiện, các cây rau màu vụ đông đã và đang cho thu hoạch với ghi nhận bước đầu, vụ đông được mùa, được giá với mức tăng từ 1,2 đến 1,5 lần so năm trước. Trong đó, bí ngô thu quả non, giá bán từ 6 đến 10 nghìn đồng/kg, bí xanh từ 14 đến 15 nghìn đồng/kg, các loại cải ngọt, cải chíp, cải canh… giá bán từ 6 đến 8.000 đồng/kg, ngô nếp trên đất chuyên màu giá bán từ 20 đến 22 nghìn đồng/kg. Riêng với vụ lúa đông xuân năm 2019, toàn tỉnh gieo cấy hơn 31 nghìn ha với 100% diện tích trà xuân muộn nhằm tăng năng suất, tăng chất lượng gạo. Theo tổng hợp từ các địa phương, tính đến ngày 11-2, toàn tỉnh đã gieo cấy được gần 5,8 nghìn ha; phấn đấu hoàn thành gieo cấy trước ngày 5-3.
Ðể vụ mùa bội thu
Có mặt từ rất sớm trên cánh đồng cùng với nông dân và các tổ máy cày đang hoàn thành khâu làm đất, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam Bùi Văn Nguyên cho biết: Ðến nay, chúng tôi đã đưa cơ giới hóa vào tất cả các khâu sản xuất, từ bơm nước, làm đất đến thu hoạch, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất trên đồng ruộng.
Ngoài chủ động về hạ tầng phục vụ gieo cấy vụ đông xuân, tỉnh bám sát lịch lấy nước đổ ải, bảo đảm gieo cấy các trà xuân muộn kết thúc trong tháng 2-2019. Ngoài ra, tỉnh cũng chuyển hướng từ cây trồng truyền thống sang khai thác tiềm năng cây dược liệu và đầu tư phát triển các loại cây ăn quả đặc sản, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, bảo đảm quy hoạch theo từng vùng, tạo sản phẩm hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, không chỉ góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, mà còn tạo niềm tin để nông dân tiếp tục phát triển sản xuất.
Không chỉ tỉnh Hà Nam triển khai tích tụ ruộng đất, mời gọi đầu tư nhằm tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Hưng Yên cũng đã sớm ban hành những văn bản, chính sách mở tạo điều kiện cho người nông dân có thể tích tụ ruộng đất, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi khép kín. Hiện, tỉnh đã có 16 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn (mỗi mô hình có từ 15 ha trở lên), với diện tích 450 ha, trong đó có tám cánh đồng trồng bí đỏ, diện tích 240 ha tại các xã: Nhân La, Vĩnh Xá, huyện Kim Ðộng; Quang Hưng, Nhật Quang, huyện Phù Cừ; Tiền Phong, Nguyễn Trãi, Cẩm Ninh, Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi. Bảy mô hình trồng ngô nếp diện tích 190 ha tại các xã Vũ Xá, Hùng An, Ðức Hợp và thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Ðộng; các xã Ðặng Lễ, Văn Nhuệ, huyện Ân Thi và mô hình trồng cây dược liệu ở xã Mai Ðộng, huyện Kim Ðộng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng cho biết, đối với một số loại cây có giá trị cao như: dưa lưới, dưa vàng, nghệ… bên cạnh việc duy trì hỗ trợ vốn, tỉnh và các huyện còn khuyến khích người dân mở rộng diện tích gieo trồng. Nhờ đó, giá trị kinh tế của cây vụ đông mỗi ngày một tăng cao góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.
Tại HTX rau an toàn Chiến Thắng, xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, diện tích rau an toàn lên đến 20 ha. Trong đó, 12 nghìn m2 nhà lưới và 1.000 m2 nhà màng của HTX rau an toàn Chiến Thắng và các hộ dân liên kết theo quy trình VietGAP đã trở thành mô hình điểm trong phát triển kinh tế của địa phương. Chủ tịch HÐQT HTX rau an toàn Chiến Thắng Phạm Văn Khôi cho biết: Rau của HTX sản xuất chủ yếu được tiêu thụ theo hợp đồng đã ký với siêu thị, các bếp ăn công nghiệp và trường học. Việc tiêu thụ rau thuận lợi, giá từ 8.000 đồng đến 10 nghìn đồng/kg, tùy theo loại rau. Ðặc biệt, năm nay rau vụ đông được mùa, được giá, đã góp phần nâng cao giá trị 1 ha rau của HTX và các hộ liên kết đạt 400 triệu đồng/năm.
Dù cây vụ đông đang ngày càng khẳng định ưu thế trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại hầu hết các địa phương phía bắc, song có một thực tế là nông dân những địa phương gần các khu công nghiệp đã và đang dịch chuyển lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực cho nông nghiệp. Bên cạnh đó, tại nhiều tỉnh, quy mô sản xuất vụ đông còn nhỏ lẻ, thiếu đơn vị đầu tư và thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây trồng dẫn đến tình trạng “được mùa – mất giá” khiến cho nhiều nông dân không “mặn mà” với vụ đông, nhất là những nơi nông dân có công việc khác thu nhập cao hơn… Ðây chính là nguyên nhân dẫn đến diện tích trồng cây vụ đông ở không ít tỉnh phía bắc đang sụt giảm.
Ðể khơi thông điểm nghẽn nêu trên, yêu cầu đặt ra hiện nay đối với các tỉnh phía bắc chính là sớm đề ra những chính sách đầu tư mang tính đột phá nhằm nâng cao thu nhập cho nghề nông như tăng mức đầu tư, hỗ trợ vốn để nông dân mua máy móc thiết bị, giống cây trồng phục vụ sản xuất, giãn nợ, khoanh nợ đối với những vùng sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai… giúp người nông dân yên tâm sản xuất, tăng diện tích cây vụ đông. Bởi vụ đông chính là mắt xích quan trọng để ngành nông nghiệp có thể đạt được mục tiêu tối thiểu do Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp trong năm 2019, tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 là: tốc độ tăng trưởng 3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD.
Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ đông xuân 2018-2019 các tỉnh phía bắc có kế hoạch gieo trồng hơn 1,1 triệu ha lúa, giảm 5.600 ha so vụ đông xuân 2017-2018. Sản lượng ước đạt khoảng 7,216 triệu tấn, giảm khoảng 16.200 tấn so vụ đông xuân 2017-2018. Trong khi diện tích trồng lúa giảm, thì diện tích gieo trồng rau màu vụ đông xuân 2019 lại có xu hướng tăng và hiện đã đạt 535 nghìn héc-ta (tăng khoảng 15 nghìn héc-ta so vụ đông xuân 2018). |
Theo Nhandan
Ý kiến ()