Tập trung nguồn lực phát triển khoa học công nghệ và giáo dục, đào tạo
Hôm qua (12-6), các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.
Lo lắng tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu
Buổi sáng, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu QH.
Tình trạng hàng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) diễn ra trong nhiều năm nay nhưng chưa được cải thiện, giải quyết triệt để, là vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, dưa hấu và nhiều mặt hàng nông sản chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của khu vực này còn hạn chế, chỉ thông quan được 350 xe/ngày. Trong khi vào mùa vụ cao điểm, số xe chở hàng lên đến 1.000 xe/ngày, vì thế xảy ra ách tắc tạm thời. Trước mắt, Bộ trưởng Công thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến Chính phủ xây dựng khu trung chuyển đủ sức chứa 1.000 xe tải ở khu vực gần cửa khẩu Tân Thanh. Ngoài ra, Bộ xem xét triển khai các biện pháp khác như trao đổi với Trung Quốc, thỏa thuận các nội dung tạo điều kiện cho hàng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, người sản xuất, tránh việc sản xuất ồ ạt, theo phong trào một số mặt hàng như lâu nay.
Đại biểu Trương Thị Ánh (TP Hồ Chí Minh) quan tâm kết quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, và đặt câu hỏi: Bộ Công thương có chính sách gì để giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, khi đất nước đã và đang tham gia tiến trình hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng? Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, sau nhiều năm thực hiện, kết quả khảo sát cho thấy, hơn 70% người dân Việt Nam ủng hộ chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các siêu thị, trung tâm thương mại đạt mức cao, có nơi chiếm hơn 90%. Thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục đưa sản phẩm gạo, rau củ, nông sản thâm nhập mạnh hơn vào các thị trường, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn thông qua đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, xác định giá trị, nhận diện thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu…
Kết thúc chất vấn Bộ trưởng Công thương, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: Bộ Công thương tiếp tục quan tâm, tạo chuyển biến mạnh trong phát triển công nghiệp phụ trợ với sự tham gia của Nhà nước. Về điều hành giá điện, xăng dầu, cần tạo ra thị trường minh bạch, công khai, đồng thời tăng cường hơn sự kiểm soát, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân. Bộ Công thương tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác công trình thủy điện. Một mặt khai thác các công trình thủy điện, tái định cư giúp đồng bào vùng thủy điện, mặt khác xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, chây ỳ trong trồng bù rừng vùng thủy điện. Phấn đấu đạt mục tiêu đưa điện về nông thôn, hải đảo về đích trước năm 2020 theo quy hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thị trường khoa học, công nghệ phát triển yếu
Lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp tại QH, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Nguyễn Quân mong rằng, Bộ sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu QH và cử tri để nhận thức rõ hơn những hạn chế, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động, áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt câu hỏi, vì sao đến nay nước ta chưa có thị trường KH và CN? Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, đây là thị trường “sinh sau đẻ muộn” nhất trong các thị trường kinh tế Việt Nam, chỉ mới có từ sau năm 2000. Các năm 2004 và 2014, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về phát triển thị trường KH và CN.Thị trường KH và CN nước ta có các yếu tố chính là nguồn cung/cầu về công nghệ; môi trường pháp lý (đã hoàn thiện nhưng còn thiếu các định chế trung gian); tổ chức làm dịch vụ. Bộ đã xây dựng thể chế, các đạo luật trình QH, từng bước hoàn thiện các định chế trung gian hiện rất yếu, vì thiếu các tổ chức làm dịch vụ, môi giới, tư vấn, đánh giá, định giá, kiểm tra, kiểm định… Theo Bộ trưởng, lâu nay, các nhà khoa học không tìm được các địa chỉ ứng dụng, trong khi các doanh nghiệp lại đi tìm kiếm sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, những năm qua, các sàn giao dịch công nghệ được thành lập ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… và bắt đầu đi vào hoạt động. Các sự kiện kết nối cung cầu ở các địa phương bước đầu được tổ chức.
Các đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Ninh) và một số đại biểu chất vấn, tình trạng đề tài khoa học nghiên cứu xong “xếp ngăn kéo” còn khá phổ biến, chưa được áp dụng vào thực tế sản xuất, gây thất thoát, lãng phí. Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, thuật ngữ đề tài “xếp ngăn kéo” có nhiều loại. Tuy nhiên, để đề tài trở thành sản phẩm hàng hóa được ứng dụng thì phải tìm được nguồn lực đầu tư, trong khi ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho giai đoạn nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Bộ trưởng cho rằng, muốn trở thành sản phẩm hàng hóa, phải có sự đầu tư của doanh nghiệp, trong khi quy mô doanh nghiệp hầu hết vừa và nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư.
Vấn đề sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học thiếu công khai, minh bạch, có nơi tự đưa ra quy định các nhà khoa học phải trích nộp từ 25 đến 30% tổng mức kinh phí, được đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu ra. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, đến nay chưa có ai phản ánh và cung cấp những bằng chứng. Nếu có hiện tượng này, đề nghị các đại biểu chuyển cho Bộ trưởng địa chỉ, Bộ sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng cho biết thêm, hiện nay, Luật Khoa học công nghệ năm 2013 có những nội dung quan trọng quy định cụ thể, rõ ràng những đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước phải theo đặt hàng, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức, cá nhân được đề xuất sáng kiến, đề tài nghiên cứu, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước phải căn cứ vào nhiệm vụ, xác định đề xuất đó có phù hợp không, sau đó mới đề xuất các cơ quan quản lý về KH và CN tính khả thi của đề tài khi ứng dụng vào thực tiễn.
Phát biểu ý kiến tổng kết phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm phát triển KH và CN.Thực tế thời gian qua, lĩnh vực này đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu còn lo lắng, băn khoăn khi KH và CN chưa thật sự trở thành quốc sách hàng đầu, đầu tư cho KH và CN còn thấp… Bên cạnh đó, cơ chế quản lý nhà nước về KH và CN còn bất cập, trong đó, cơ chế tài chính còn vướng nhiều “tầng”, nhiều “lớp”. Đáng chú ý, thị trường KH và CN của nước ta ra đời chậm, chưa đáp ứng thực tế phát triển của đất nước và thế giới. Để KH và CN thật sự là quốc sách hàng đầu, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là cần phát triển đồng bộ và khoa học thị trường KH và CN, trong đó, chủ thể là người nghiên cứu khoa học. Cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào thực tế cuộc sống, kết nối người sản xuất, nhà khoa học và người tiêu thụ sản phẩm theo hướng công bằng, hợp lý, đúng với giá trị. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để tăng đầu tư cho nghiên cứu khoa học, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển KH và CN…
Băn khoăn về chất lượng Sách giáo khoa và đổi mới giáo dục phổ thông
Sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận là thành viên Chính phủ tiếp theo đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu.
Trả lời băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về chất lượng của bộ sách giáo khoa (SGK) mới, nằm trong Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, dự kiến áp dụng từ năm học 2018-2019, Bộ trưởng cho biết, về yêu cầu đổi mới, SGK phải kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, SGK giáo dục phổ thông hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp xu thế quốc tế. Đồng thời, đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; khắc phục tình trạng quá tải; tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống.
Vẫn chưa yên tâm về chất lượng của bộ SGK mới, các đại biểu Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương), Ngô Ngọc Bình (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, cần có sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong việc biên soạn. Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ, việc đổi mới được tiến hành đồng bộ, công khai, minh bạch, tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, nhà giáo và người học. Bộ đã chủ trì, phối hợp hoàn thiện hồ sơ dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông, có sự tham gia của gần 200 giáo viên, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục. Thời điểm này, dự thảo Chương trình về cơ bản nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao và Bộ đang hoàn thiện lần cuối để xin ý kiến rộng rãi trong xã hội vào tháng 7-2015.
Trước lo lắng về những vấn đề phát sinh khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) và nhiều đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, khi đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, hầu hết các trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. Đối với học sinh tham gia kỳ thi để tốt nghiệp THPT, sẽ được thi ngay tại địa phương; đối với học sinh tham gia kỳ thi để tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, Bộ sẽ tổ chức 38 cụm thi trong cả nước. Cách tổ chức này sẽ giảm chi phí xã hội, giúp thí sinh giảm bớt thời gian đi lại, giảm số lượng bài thi, giúp phân luồng học sinh…
Đối với Thông tư số 30/2014/TTBGDĐT, ngày 28-8-2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học, được triển khai thực hiện từ đầu năm 2015, đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đã nhận được những ý kiến trái chiều từ phía gia đình và nhà trường, đồng thời bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của Thông tư. Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ, việc đánh giá học sinh tiểu học bằng phương pháp giáo viên nhận xét mà không cho điểm số cụ thể là phương pháp tiên tiến, được các nước có nền giáo dục phát triển áp dụng. Phương pháp này nhằm thay đổi cách học từ “lấy điểm số” chuyển sang rèn luyện, phát triển phẩm chất, năng lực, kỹ năng. Qua đó, giúp học sinh giảm áp lực, giúp các em tiến bộ dần trong học tập, phát huy hết khả năng, có hứng thú học tập và rèn luyện. Đồng thời, hạn chế tình trạng học thêm, dạy thêm như hiện nay. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã phát sinh những hạn chế do khâu tập huấn đội ngũ giáo viên chưa chuẩn, vì vậy, thời gian tới Bộ sẽ có những điều chỉnh phù hợp.
Liên quan nội dung này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng (Long An) về hướng xử lý tình trạng bạo lực học đường gia tăng hiện nay. Bộ trưởng khẳng định, thời gian qua, phương pháp giáo dục thường chú trọng trang bị kiến thức mà xem nhẹ các môn học liên quan kỹ năng sống cần thiết. Vì vậy, với phương pháp đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, sẽ giúp hoàn thiện kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em học sinh ngay từ nhỏ, qua đó, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực học đường.
Đề nghị Bộ trưởng KH và CN phân tích rõ hơn thực trạng của những đề tài khoa học “xếp ngăn kéo” và tỷ lệ cụ thể từng loại đề tài, làm rõ hiện nay có bao nhiêu loại đề tài “xếp ngăn kéo” một cách thật sự, tỷ lệ phần trăm so với tổng số các đề tài. Từ đó mới có thể thấy được sự lãng phí trong công tác nghiên cứu khoa học hiện nay.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội):
Cần đề ra những giải pháp hữu hiệu để thực thi hiệu quả chính sách thu hút và sử dụng những cán bộ, lực lượng khoa học và công nghệ trình độ cao trong nước và người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()