Tập trung nguồn lực giảm nghèo bền vững
LSO-Năm 2017, gần 6.000 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 19,07%, vượt 10% chỉ tiêu đề ra. Đây là kết quả quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.
Người dân xã Đình Lập, huyện Đình Lập được hỗ trợ chăn nuôi bò để giảm nghèo bền vững |
Năm 2017 là năm thứ 2 tỉnh ta thực hiện chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều và thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Để thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2017, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành, huyện, thành phố thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, trên 6.810 lượt hộ nghèo được vay hỗ trợ tín dụng ưu đãi với số tiền trên 293,6 tỷ đồng; trên 10.520 hộ cận nghèo vay tín dụng ưu đãi với trên 78,3 tỷ đồng; trên 800 hộ mới thoát nghèo vay trên 36,8 tỷ đồng. Mức cho vay ưu đãi bình quân trên 50 triệu đồng/hộ đã tạo điều kiện về vốn để các hộ phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Với nguồn kinh phí 2.000 tỷ đồng từ Ban Chỉ đạo Tây Bắc, 40 hộ nghèo chính sách bảo trợ xã hội của tỉnh được hỗ trợ xây nhà ở; 855 hộ nghèo được vay trên 21,3 tỷ đồng xây nhà ở. Ngoài ra, thực hiện mô hình giảm nghèo ở xã Tân Văn, huyện Bình Gia; Hữu Lễ, huyện Văn Quan, hộ nghèo được hỗ trợ bò cái sinh sản; dự án của tổ chức Misereor hỗ trợ hộ nghèo của 2 xã Đình Lập, Châu Sơn, huyện Đình Lập; chương trình 135 hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn về phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y…
Tại Đình Lập, một trong 2 huyện nghèo của tỉnh, thực hiện Dự án “Giảm nghèo thông qua tăng cường năng lực người dân dựa vào cộng đồng” từ năm 2015 – 2017, ngành chức năng của huyện đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người nghèo. Nổi bật là dạy nghề cho 120 lượt người nghèo; lần đầu tiên tổ chức hội thi khởi nghiệp tại xã: Châu Sơn, Đình Lập cho 100 người tham dự; tập huấn các nội dung liên quan cho trên 1.100 người… Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 41,94% (năm 2015) xuống còn 29,45%. Ông Nguyễn Văn Công, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Kinh nghiệm để dự án thực hiện thành công là cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã quan tâm, chỉ đạo thường xuyên; người dân hưởng ứng, tham gia nhiệt tình; việc tuyên truyền cụ thể, hiệu quả; các tổ chức hội, đoàn thể tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất hoạt động phù hợp với địa bàn, các cán bộ làm công tác giảm nghèo chủ động phối hợp, giám sát hộ nghèo được giúp đỡ…
Bên cạnh các giải pháp chung, điểm đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo là các xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ chức hội, đoàn thể thường xuyên rà soát, chỉ rõ nguyên nhân, thực trạng và nhu cầu của các hộ gia đình để có hình thức hỗ trợ phù hợp với từng địa chỉ cụ thể. Điển hình như: huyện Văn Lãng hỗ trợ pháp lý, cho vay theo nhu cầu giúp giảm trên 460 hộ nghèo, đạt 3,54%, vượt chỉ tiêu đề ra, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 22,05% (năm 2017); thành phố Lạng Sơn huy động doanh nghiệp, xã hội hóa giảm nghèo giúp giảm 28/126 hộ nghèo, hiện tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 0,37%; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giúp nhau giảm nghèo có địa chỉ bằng hình thức hỗ trợ ngày công, cây, con giống, cho vay không lấy lãi giúp hơn 410 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo…
Theo mục tiêu, trong năm 2018, Lạng Sơn sẽ giảm 3% hộ nghèo trở lên, tương đương trên 5.500 hộ; cuối năm 2018 sẽ còn khoảng 31.000 hộ nghèo. Ông Nông Thanh Bình, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Giảm nghèo bền vững tỉnh) cho biết: Để hoàn thành chỉ tiêu trên, cùng với sự quyết tâm của các cấp, ngành, đoàn thể, huyện, thành phố và huy động nguồn lực giảm nghèo, Lạng Sơn đã và sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo. Trong đó, nhóm các chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập được quan tâm thực hiện với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
THANH HÒA
Ý kiến ()