Tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông
Bên thềm Xuân Giáp Ngọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đã trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về kết quả nổi bật sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và những định hướng, nhiệm vụ lớn của Ngành trong năm 2014.
Quyết liệt thực hiện tái cơ cấu đầu tư
Phóng viên (PV):Thưa Thứ trưởng, kết quả nổi bật của ngành Giao thông vận tải sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là gì? Có vướng mắc, hoặc có những điều gì chưa đồng thuận trong triển khai Nghị quyết và đề xuất các giải pháp khắc phục?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường:Trong 2 năm qua, ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 về “Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa vào năm 2020” (Nghị quyết Trung ương 4 Khoá XI), Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã kịp thời nắm bắt toàn diện, sâu sát tình hình, tập trung vào những vướng mắc, khó khăn lớn của Ngành, từ đó tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục khó khăn, tổ chức thực hiện quyết liệt, bảo đảm hoàn thành được các mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra.
2 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Bộ GTVT đã đạt được một số kết quả nổi bật: Bộ GTVT đã xây dựng và báo cáo Chính phủ Đề án mở rộng QL1 giai đoạn 2012-2020 và phương án đầu tư đường Hồ Chí Minh (QL14) qua Tây Nguyên theo hình thức BOT kết hợp ngân sách nhà nước (NSNN). Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan tổng hợp vào nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ để báo cáo Quốc hội Khóa XIII tại Kỳ họp thứ 6 và đã được Quốc hội thông qua. Bộ ưu tiên đầu tư nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A, hoàn thành phần lớn vào năm 2015 và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020. Đầu tư nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh và nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên.
Về Quốc lộ 1, ngoài đoạn Hà Nội – Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành, đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ được chia thành 37 dự án, trong đó: 17 dự án được đầu tư theo hình thức BOT, với vốn huy động ngoài ngân sách 43.720 tỷ đồng; 21 dự án trái phiếu Chính phủ, với tổng mức đầu tư 52.116 tỷ đồng; 01 dự án ODA (vay ADB), tổng mức đầu tư 4.368 tỷ đồng.
Về đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (QL14), giai đoạn 1 đã hoàn thành 110 km từ Đắc Zôn đến Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum), giai đoạn 2 từ Tân Cảnh đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) có chiều dài 553 km, được chia thành 24 dự án thành phần; trong đó: 19 dự án đang được đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ, tổng mức đầu tư 14.934 tỷ đồng; 05 dự án đang đầu tư bằng hình thức BOT, tổng mức đầu tư 5.890 tỷ đồng. Năm 2016, dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên dự kiến sẽ hoàn thành. Việc chủ động, quyết liệt triển khai các dự án mở rộng QL1 và QL14 bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có nguồn vốn BOT tham gia tới hơn 40% là kết quả huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cao nhất từ trước đến nay. Việc làm này, có ý nghĩa rất quan trọng và thể hiện tính hiệu quả của các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư công của ngành GTVT.
Trong những năm qua, Bộ GTVT đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển hệ thống đường cao tốc. Trong đó, Bộ tập trung cho cao tốc Bắc – Nam, các tuyến cao tốc tại hai vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam nối với các cảng biển cửa ngõ. Năm 2013, Bộ GTVT đã hoàn thành được một số tuyến cao tốc như: Hà Nội – Thái Nguyên, Long Thành – Dầu Giây, đẩy mạnh tiến độ thi công để hoàn thành trong năm 2015 dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai, khởi công các dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, cao tốc Bến Lức – Long Thành… Tính đến hết năm 2015, dự kiến có khoảng 10 đoạn tuyến với chiều dài 689 km sẽ hoàn thành, đáp ứng cơ bản nhu cầu vận chuyển trên các hành lang vận tải quan trọng của quốc gia. Cùng với đó, Bộ GTVT đang tiếp tục triển khai, cũng như chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đầu tư xây dựng gần 20 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.335 km, để phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 2.044 km đường cao tốc.
Đối với các mục tiêu khác về phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải, hàng không… cũng đã và đang được Bộ GTVT nghiên cứu, triển khai theo đúng định hướng, tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết.
Như vậy, Bộ GTVT đã đạt được những kết quả quan trọng ban đầu trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XI) về “Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa vào năm 2020”.
PV:Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) của Bộ GTVT là rất đáng ghi nhận, nhưng theo đánh giá của Chính phủ là triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có xây dựng kết cấu hạ tầng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, vậy ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường:Bên cạnh những thành tích cơ bản nêu trên, Bộ GTVT cũng nhận thức rõ vẫn còn tồn tại một số thiếu sót khi triển khai thực hiện Nghị quyết, đó là: Do xuất phát điểm của hệ thống kết cấu hạ tầng thấp, nhu cầu vốn đầu tư lớn trong điều kiện nguồn lực hạn chế đã ảnh hưởng nhiều đến chủ trương đầu tư chung. Nguồn vốn được giao thấp trong khi nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho các vùng miền ngày càng cao, dẫn tới việc khắc phục đầu tư dàn trải gặp nhiều khó khăn.
Tiếp đó, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Việc Chính phủ vẫn dành ưu tiên cao cho mục tiêu kiềm chế lạm phát dẫn đến nguồn vốn từ ngân sách dành cho lĩnh vực GTVT tiếp tục khó khăn. Nguồn vốn ODA dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng giảm sút sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Các hình thức huy động vốn khác bị hạn chế do ảnh hưởng đến quy mô trần nợ công. Các chính sách về phí sử dụng dịch vụ hạ tầng chậm được đổi mới, gây tâm lý xã hội không tốt và chưa làm cho người sử dụng thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ trong đóng góp tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông…
Những khó khăn trên đã dẫn đến việc huy động vốn đầu tư cho công tác xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của Bộ GTVT gặp nhiều khó khăn. Công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn đã kéo dài tiến độ thi công các công trình, phát sinh chi phí đầu tư, chậm đưa vào khai thác sử dụng làm giảm hiệu quả đầu tư. Sự phối kết hợp giữa các bộ ngành, các địa phương chưa cao, đặc biệt là trong quản lý thực hiện quy hoạch, huy động vốn, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư.
Khắc phục có hiệu quả những tồn tại, yếu kém ở một số lĩnh vực
PV:Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng vẫn đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Vậy, Bộ GTVT triển khai Nghị quyết này như thế nào? Kết quả cụ thể và những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường:Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã được toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Giao thông vận tải đặc biệt quan tâm. Ngay sau khi có Nghị quyết, các đơn vị của Bộ GTVT đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hết sức nghiêm túc. Nhìn chung, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên các đơn vị đều nhận thấy rõ đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hết sức quan trọng, cần thiết và bổ ích. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và thách thức, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Bộ nói riêng và của ngành GTVT nói chung, nhằm góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2013 và là tiền đề để tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014 và những năm tiếp theo.
Qua Hội nghị kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, Ban Cán sự đảng bộ Bộ GTVT đã khắc phục có hiệu quả những tồn tại, yếu kém của ngành Giao thông vận tải ở một số lĩnh vực đã được Bộ Chính trị chỉ ra. Kết quả đạt được trong năm 2013 trên các lĩnh vực như sau:
Đổi mới hoạt động của Ban Cán sự đảng Bộ và công tác cán bộ:Hàng tháng, Ban Cán sự đảng Bộ họp định kỳ từ 2 đến 3 phiên, kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ của từng đồng chí Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ, quyết định công tác tổ chức cán bộ và những chủ trương lớn của Bộ. Trong các phiên họp, Ban Cán sự đảng Bộ luôn mời Thường trực Đảng ủy Bộ và Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan của Bộ, đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Công an tham dự để nắm bắt thông tin, phối hợp với Ban Cán sự đảng Bộ thực hiện các nhiệm vụ được kịp thời, bảo đảm đúng quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước
Công tác cán bộ tiếp tục được Ban Cán sự đảng Bộ thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của Đảng và Chính phủ. Việc bố trí đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đều căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ, trên cơ sở quy hoạch cán bộ và năng lực thực tế của cán bộ. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Cán sự đảng Bộ với Đảng ủy Bộ, Bộ Nội vụ, các Ban của Trung ương Đảng, các Đảng uỷ Khối, các cấp ủy đảng địa phương có liên quan trong công tác cán bộ; làm tốt công tác nhận xét, đánh giá, lựa chọn đúng cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời kiên quyết thay đổi cán bộ thiếu năng lực. Công tác cán bộ nữ đã được đặc biệt coi trọng.
Trong các lĩnh vực chuyên môn:
Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển: Đã thực hiện giải ngân 62.021,4 tỷ đồng, đạt 125% kế hoạch và tăng 56.9% so với năm 2012; trong đó giải ngân vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước đạt 21.761 tỷ đồng (chiếm 35% tổng số vốn giải ngân), đạt 109% kế hoạch. Riêng năm 2013 đã huy động được hơn 80.000 tỷ đồng/26 dự án, trong đó huy động cho các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên khoảng 50.000 tỷ đồng, chiếm 43% tổng mức đầu tư.
Về quản lý tiến độ, chất lượng công trình giao thông: Năm 2013, Ban Cán sự đảng Bộ tiếp tục xác định là “Năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông”. Bộ GTVT đã khởi công 78 công trình, dự án (trong đó có các dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, nhiều dự án đường cao tốc và các dự án lớn khác trong lĩnh vực đường sắt, hàng hải, hàng không…); khánh thành 46 công trình, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Ban Cán sự đảng Bộ đã chỉ đạo sát sao và quyết liệt việc bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Tỉnh ủy, Thành uỷ, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương, làm việc kiên quyết với lãnh đạo cấp cao của các đối tác nước ngoài v.v…để cùng phối hợp giải quyết các vướng mắc.
Đối với các dự án có khiếm khuyết về chất lượng công trình, Bộ đã chỉ đạo khắc phục, sửa chữa ngay, đồng thời đã kiên quyết kiểm điểm, xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân liên quan. Qua đó, Bộ GTVT đã thay thế nhiều nhà thầu không đủ năng lực, hạ bậc xếp hạng năng lực đối với một số nhà thầu; yêu cầu các đơn vị, địa phương kiểm điểm các tập thể, cá nhân sai phạm. Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Cán sự đảng Bộ, tiến độ nhiều công trình, dự án đã đạt và vượt kế hoạch trước thời hạn, bảo đảm chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và các vùng, các địa phương nơi có công trình, dự án triển khai nói riêng. Đây thực sự là cố gắng lớn của Ban Cán sự đảng Bộ, của Bộ và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Ngành.
Công tác sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp: Bộ GTVT đã hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 45 doanh nghiệp, trong đó phê duyệt phương án cổ phần hóa 34 doanh nghiệp (vượt mức kế hoạch là 01 đơn vị), trình Thủ tướng Chính phủ phương án phê duyệt phương án cổ phần hóa 10/10 Tổng công ty. Tiến độ cổ phần hóa đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam đang được tiến hành theo đúng lộ trình. Tình hình tài chính các doanh nghiệp bước đầu được lành mạnh hóa, tình trạng vay nợ cao đã được cơ bản khắc phục. Đến nay, các Tổng công ty của Bộ đã giảm được trung bình 50% số nợ phải trả/vốn điều lệ; nợ đọng trong xây dựng cơ bản đã được khắc phục.
Về bảo đảm trật tự an toàn giao thông: Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban Cán sự đảng Bộ và sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương đã góp phần mang lại những thành công quan trọng trong lĩnh vực này. Lần đầu tiên trong 2 năm liên tiếp, tai nạn giao thông liên tục giảm cả 3 tiêu chí, số người tử vong dưới con số 10.000 người.
Công tác tiết kiệm, chống lãng phí: Trong quản lý giá thành đầu tư, Ban Cán sự đảng Bộ đã chỉ đạo điều chỉnh, xây dựng nhiều định mức, đơn giá cho phù hợp thực tế; quyết liệt chỉ đạo rà soát các dự án, kịp thời phát hiện và giải quyết những vấn đề tồn tại, bất hợp lý. Qua kết quả kiểm tra, rà soát 21 dự án đã tiết kiệm được khoảng 35.517 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Trong chi phí hành chính, các đơn vị hành chính, sự nghiệp đã tiết kiệm được 31,890 tỷ đồng. Thực hiện chủ trương sử dụng dịch vụ của các hãng hàng không giá rẻ, Văn phòng Bộ đã tiết kiệm được trên 500 triệu đồng trong 3 tháng cuối năm 2013.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng tồn tại một số hạn chế và khó khăn mà Ban Cán sự đảng Bộ cần khắc phục trong thời gian tới như: Việc khắc phục đang trong giai đoạn bước đầu nên còn nhiều vấn đề chưa triệt để. Bên cạnh đó, thực tế xã hội cũng như công tác quản lý liên tục phát sinh những yêu cầu, đòi hỏi mới, nên gặp nhiều khó khăn, thách thức mà Ban Cán sự đảng Bộ cần tiếp tục phải khắc phục, giải quyết, tháo gỡ trong thời gian tới.
Về tình trạng suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống:Bên cạnh những cán bộ giữ vững được phẩm chính trị, đạo đức lối sống, vẫn còn một bộ phận đảng viên, công chức, viên chức chưa thực sự nghiêm túc trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, còn có biểu hiện gây phiền hà, khó khăn cho đơn vị cơ sở, địa phương và người dân. Tuy không phổ biến, nhưng một số cá nhân chưa thể hiện được rõ vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, trong đó có một số ít cán bộ lãnh đạo chưa làm tốt nhiệm vụ người đứng đầu.
Trong các lĩnh vực chuyên môn:Công tác quản lý tiến độ các công trình hạ tầng giao thông – tuy đã được chú trọng và đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn tồn tại một số công trình, dự án bị chậm từ những năm trước đây do nguyên nhân tồn đọng về năng lực nhà thầu, giá thầu thấp…; chất lượng mặt đường bê tông nhựa tại một số công trình cầu, đường chưa bảo đảm theo yêu cầu, đang được tiếp tục khẩn trương khắc phục. Chất lượng công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng nhìn chung chưa đảm bảo yêu cầu, do tình trạng thiếu vốn dành cho công tác duy tu, sửa chữa; tình trạng xe chở quá tải không được kiểm soát chặt chẽ trên diện rộng…;
Vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông bất cập lớn so với mục tiêu đặt ra của Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) cũng như chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Mặc dù, Ban Cán sự đảng Bộ đã hết sức tích cực, huy động được khối lượng lớn vốn ngoài ngân sách nhà nước, nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật, nhận thức kém của người điều khiển phương tiện, còn có trách nhiệm của các lực lượng chức năng thực thi công vụ như: Tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm vẫn chưa tốt; công tác cấp giấy phép kinh doanh vận tải, quản lý phương tiện, người lái, quản lý tải trọng phương tiện… của các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Hoạt động sản xuất kinh doanh tại không ít doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.
Siết chặt quản lý các Ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát
PV:Thưa Thứ trưởng, với những kết quả cũng như những tồn tại, vướng mắc nêu trên, cộng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế, Bộ GTVT đặt ra chương trình hành động như thế nào trong năm Giáp Ngọ 2014?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường:Bước sang năm 2014, với tiền đề là những kết quả quan trọng đã đạt được trong năm 2013 và các năm trước đây về quản lý chỉ đạo điều hành, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và giảm ùn tắc giao thông, khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng hiện có…, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phát huy để những kết quả này ngày càng bền vững.
Để thực hiện thành công Nghị quyết số 53/2013/QH13 về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014, Bộ GTVT sẽ tập trung vào các nhiệm vụ công tác sau:
Chú trọng việc rà soát, đề xuất điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt các cơ chế, chính sách thông thoáng để khuyến khích nhà đầu tư tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, trong đó, trọng tâm đối với ngành GTVT là tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông. Năm 2014, nhiệm vụ cụ thể của Ngành là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm như: Các dự án mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, đường nối sân bay Nội Bài – cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 Nội Bài, các đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, Đà Nẵng – Quảng Ngãi… bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đẩy mạnh thực hiện năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông 2014 với Chủ đề “Siết chặt quản lý các Ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát”
Một trong những mục tiêu của Bộ là đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư. Thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu chính phủ, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, tiếp tục tổ chức rà soát các nội dung đầu tư, cắt giảm các chi phí, hạng mục chưa thật cần thiết trên nguyên tắc vẫn bảo đảm mục tiêu chủ yếu của dự án; thực hiện rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án căn cứ vào khả năng cân đối nguồn vốn; triển khai mạnh mẽ các đề án “Tái cơ cấu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”, “Huy động các nguồn lực đột phá để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hình thành quỹ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông” đã xây dựng.
Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện quyết liệt tái cơ cấu theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Chỉ đạo, triển khai thực hiện các bước tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Hoàn tất các thủ tục chuyển 10 Công ty mẹ của các Tổng công ty thuộc Bộ sang hoạt động theo loại hình Công ty Cổ phần. Hoàn thành cổ phần hóa Công ty mẹ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Phối hợp với các Tổng Công ty thực hiện xử lý tài chính để chuyển các doanh nghiệp đã mất vốn chủ sở hữu thành Công ty Cổ phần. Triển khai thực hiện Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Thực hiện giám sát đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ, lựa chọn một số chuyên đề để thực hiện giám sát trực tiếp như: Việc thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động trong doanh nghiệp; Việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý tài chính, quản lý vốn tài sản tại doanh nghiệp; Việc chấp hành các quyết định của chủ sở hữu, Nghị quyết của Hội đồng thành viên, Điều lệ doanh nghiệp. Tập trung nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp thuộc Bộ tương xứng với nguồn lực được giao.
Bộ GTVT triển khai thực hiện Năm an toàn giao thông 2014 với Chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng xe”. Ngành GTVT phấn đấu giảm tai nạn giao thông trong phạm vi cả nước từ 5 – 10% trên cả ba tiêu chí và giảm ùn tắc giao thông ở hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh so với năm 2013. Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 21/2011/QH13 của Quốc hội, Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ, và Quyết định số 1586/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng./.
Theo CPV
Ý kiến ()