Bệnh lao (chủ yếu là lao phổi) là bệnh xã hội, là hậu quả của chất lượng sống của người dân thấp như dinh dưỡng, tính chất công việc, môi trường sống, trình độ dân trí... Giảm thiểu và tiến tới thanh toán bệnh lao cần có sự phấn đấu kiên trì và đồng bộ trong phát triển kinh tế xã hội, nâng cao dân trí. Đó là công việc rất lớn lao đòi hỏi trách nhiệm cao của các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị mỗi địa phương. Tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về bệnh Lao, cách phòng chống, đi khám và phát hiện; nâng cao hiệu quả công tác điều trị, điều trị dứt điểm để tránh tình trạng lưu nguồn lây và phát sinh nguồn lây...là trách nhiệm của ngành y tế mà trước hết là của BV Lao Lạng Sơn với vị trí là nơi điều trị và là đầu mối trong công tác chống lao. Vì vậy, sự cần thiết BV phải được bổ sung thêm cán bộ, kinh phí để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Bởi vì tập trung nguồn lực không chỉ có nghĩa là giao thêm việc.
LSO-Là một tỉnh miền núi có khí hậu ôn hòa, có đến 80% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn. Trong những năm qua, kinh tế xã hội phát triển, đời sống của người dân từng bước được nâng cao; bên cạnh đó, ít bị ảnh hưởng do các yếu tố tiêu cực của môi trường, nên tỷ lệ nhiễm lao ở Lạng Sơn chỉ ở mức 113/100.000 dân, thấp hơn mức bình quân của toàn quốc (170/100.000 dân).
Bác sỹ Bệnh viện Lao Lạng Sơn khám và điều trị cho bệnh nhân
Tuy nhiên, do trình độ dân trí thấp, những hủ tục tại các thôn bản còn khá nặng nề; mặt khác, do kém hiểu biết, từ xưa người dân vùng cao Lạng Sơn vẫn coi bệnh lao thuộc loại “tứ chứng nan y” sự hiểu biết chưa đầy đủ nên vừa sợ hãi vừa chủ quan, thường giấu bệnh, không chịu đi khám phát hiện. Ở một số huyện như Hữu Lũng, Bình Gia, Đình Lập, cá biệt vẫn tồn tại các khu vực có nguồn lây do có người mắc lao lâu ngày không được phát hiện, điều trị không kịp thời, thậm chí bỏ trị dẫn đến tình trạng vi trùng lao cứ âm thầm lây lan trong cộng đồng. Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tràng Định cho biết, là huyện miền núi có môi trường khá trong lành với “gạo trắng, nước trong”, tỷ lệ nhiễm lao ở Tràng Định thấp hơn các huyện, thành phố trong tỉnh, nhưng vẫn còn tồn tại các thôn “điển hình” về tỷ lệ mắc lao như thôn Nà Pàn, xã Quốc Khánh và thôn Bản Chang, xã Đào Viên.
Không chỉ ở các vùng quê, mà ngay tại thành phố, nhận thức về bệnh lao và ý thức của người dân trong việc nhận biết bệnh lao cũng còn nhiều hạn chế. Như câu chuyện về trường hợp 1 cô gái ở phường Chi Lăng bị mắc lao; nghi nguồn bệnh có thể ở ngay trong gia đình, các bác sĩ Bệnh viện Lao Lạng Sơn đã làm công tác điều tra và động viên những người trong gia đình cô gái đi khám; kết quả là phát hiện “ ổ lao” ngay trong gia đình. Việc nâng cấp mở rộng và tăng cường trang thiết bị cho Bệnh viện Lao Lạng Sơn, nhất là triển khai nhóm kỹ thuật nội soi phế quản, mô bệnh học đã tạo bước ngoặt trong chẩn đoán, điều trị bệnh lao và bệnh phổi đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) một cách bền vững. Năm 2011, số lượng BN đến khám tăng 6,4%, nhập viện tăng 8,8% so với năm 2010, công suất giường bệnh đạt 96,7%; tỷ lệ bệnh nhân nặng, khó chẩn đoán, điều trị được thu dung và xử lý tốt hơn. Tỷ lệ chữa khỏi đã đạt trên 90%- cao hơn mức bình quân của toàn quốc, số BN tử vong giảm 57% so với năm trước. Những số liệu trên chứng tỏ người dân đã có sự chuyển biến khá rõ nét về bệnh lao và đã chủ động đến khám phát hiện và điều trị; năng lực của BV Lao Lạng Sơn cũng đã được nâng lên về mọi mặt. Mặc dù mạng lưới chống lao từ cấp tỉnh đến cơ sở, nhất là tuyến huyện và xã còn “mỏng” lại phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau trong y tế dự phòng và phòng chống một số bệnh xã hội, song trước yêu cầu của công tác phòng chống lao hiện nay, các cán bộ đã vào cuộc một cách tích cực ở cả 2 phương diện: tuyên truyền trong nhân dân nâng cao nhận thức về bệnh lao cũng như công tác khám, phát hiện và điều trị. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể trong hệ thống chính trị đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi quan niệm của người dân về bệnh lao. Tuy vậy, do nguồn lực bị phân tán, nhất là ở tuyến tỉnh, nên công tác quản lý, chỉ đạo và thực hiện công tác phòng chống lao vẫn còn đứng trước nhiều thách thức. Để khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, ngày 1/3/2012, ngành Y tế đã chuyển chương trình chống lao từ Trung tâm phòng chống Bệnh xã hội về Bệnh viện Lao. Việc đưa công tác phòng chống lao tập trung về một đầu mối là BV Lao đã khắc phục được tình trạng phân tán về nguồn lực. Trên thực trạng của công tác phòng chống lao, BV Lao Lạng Sơn không bị bó hẹp trong công tác chỉ đạo tuyến, mà được điều hành cả mạng lưới. Do có tính thống nhất nên chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn. Tuy nhiên, phạm vi chỉ đạo điều hành rộng hơn, trách nhiệm nặng nề hơn, song BV lại không hề được tăng biên chế. Ông Phan Thanh Huy, Giám đốc BV cho chúng tôi biết, với 10 bác sĩ ( kể cả lãnh đạo), chưa đồng đều về tay nghề cơ bản, số có tay nghề cao mới đạt tỷ lệ 50%, thì chỉ đảm nhiệm phần việc khám, điều trị và chỉ đạo công tác chuyên môn tuyến huyện cũng đã quá tải. Nay lại nhận thêm công việc mà Trung tâm phòng chống Bệnh xã hội bàn giao sang mà không được bổ sung thêm cán bộ, khó khăn sẽ lớn hơn rất nhiều.
Bệnh lao (chủ yếu là lao phổi) là bệnh xã hội, là hậu quả của chất lượng sống của người dân thấp như dinh dưỡng, tính chất công việc, môi trường sống, trình độ dân trí… Giảm thiểu và tiến tới thanh toán bệnh lao cần có sự phấn đấu kiên trì và đồng bộ trong phát triển kinh tế xã hội, nâng cao dân trí. Đó là công việc rất lớn lao đòi hỏi trách nhiệm cao của các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị mỗi địa phương. Tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về bệnh Lao, cách phòng chống, đi khám và phát hiện; nâng cao hiệu quả công tác điều trị, điều trị dứt điểm để tránh tình trạng lưu nguồn lây và phát sinh nguồn lây…là trách nhiệm của ngành y tế mà trước hết là của BV Lao Lạng Sơn với vị trí là nơi điều trị và là đầu mối trong công tác chống lao. Vì vậy, sự cần thiết BV phải được bổ sung thêm cán bộ, kinh phí để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Bởi vì tập trung nguồn lực không chỉ có nghĩa là giao thêm việc.
Minh Hồng
Ý kiến ()