Tập trung nguồn lực cho chính sách dân tộc
LSO- Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới có trên 83% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Nhiều chương trình, chính sách dân tộc luôn được các cấp ủy, chính quyền chú trọng triển khai và thực hiện hiệu quả.
Trên 800 tỷ đồng thực hiện chính sách dân tộc
Giai đoạn 2010-2015, nguồn vốn được phân bổ để thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh là 807,1 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều chương trình được triển khai như xây dựng hạ tầng, hỗ trợ đất và nước sinh hoạt, vay vốn phát triển sản xuất, tổ chức học nghề…
Trong đó, việc hỗ trợ sản xuất đang góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 5 năm qua, toàn tỉnh có hàng chục nghìn hộ nghèo được hỗ trợ phân bón, cây trồng, vật nuôi, máy nông cụ… với tổng nguồn vốn gần 120 tỷ đồng.
Có vốn, có nguyên liệu sản xuất, bà con mạnh dạn phát triển các mô hình có giá trị kinh tế cao. Từ đó, nhiều vùng chuyên canh dần được hình thành như trồng cây lâm nghiệp (Lộc Bình, Đình Lập), trồng cây ăn quả (Chi Lăng, Hữu Lũng), nuôi dê (Hữu Lũng, Bắc Sơn)…
Bên cạnh đó, dựa trên những lợi thế về địa hình, khí hậu, đồng bào ở vùng biên giới các huyện Tràng Định, Đình Lập được hỗ trợ giống cây thạch đen, cây thông. Theo thống kê, các hộ gia đình tham gia trồng thạch đen và cây thông đều có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, nhờ vậy giúp họ tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Hộ nghèo xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng nhận hỗ trợ phân bón
Trọng điểm nhất trong thực hiện chính sách dân tộc phải kể đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng đã giúp thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có trên 600 công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng với tổng nguồn vốn trên 580 tỷ đồng. Trong đó, đường giao thông và trường học là hạng mục được tập trung đầu tư.
Anh Triệu Sáng Minh, người dân thôn Khe Pặn Ngọn, xã Châu Sơn, huyện Đình Lập chia sẻ: trước đây, đường vào thôn gập ghềnh, khó đi, vào mùa mưa hầu như bị cô lập. Từ nguồn vốn chương trình 135 năm 2013, tuyến đường dài trên 10 km nối từ thôn đến trung tâm xã được hoàn thành giúp bà con lưu thông thuận lợi, mở rộng cơ hội trao đổi hàng hóa với các địa phương khác.
Ưu tiên hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn
Ông Triệu Sành Lẩy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 91 xã khu vực III, 124 thôn đặc biệt khó khăn, còn 2 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là Bình Gia và Đình Lập. Đây được xác định là những địa bàn trọng điểm tập trung nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc. Điểm mới trong việc phân bổ nguồn vốn tới địa phương là việc lồng ghép nguồn vốn chương trình 135 với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Như vậy, nguồn vốn tăng tạo điều kiện cho các địa phương đầu tư các công trình, dự án có trọng tâm, trọng điểm.
Là huyện gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, Bình Gia hiện nay mới chỉ có 55% số xã có đường đi lại 4 mùa. Bà Chu Thị Hải, Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: xác định tầm quan trọng của đường giao thông, thời gian tới, huyện sẽ ưu tiên đầu tư nguồn vốn xây dựng các công trình hạ tầng. Đặc biệt chú trọng ở những thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Mặc dù còn nhiều khó khăn song các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là hệ thống cơ sở vật chất. Đến nay, toàn tỉnh có 96,6% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 89% dân cư được sử dụng nước sạch, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc hằng năm giảm từ 3-5%.
Bài, ảnh: KHÁNH TRANG
Ý kiến ()