Tập trung nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam xác định công nghệ AI là sự đột phá, mũi nhọn cần tập trung nghiên cứu, phát triển thời gian tới.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, thay thế nhiều công việc thủ công, tốn sức lao động. Trên thế giới, các cường quốc đều xây dựng chiến lược phát triển riêng cho AI, lấy công nghệ AI làm cốt lõi cho sự tăng tốc của nền kinh tế.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế có nhiều thay đổi, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam xác định công nghệ AI là sự đột phá, mũi nhọn cần tập trung nghiên cứu, phát triển thời gian tới.
Top 30 doanh nghiệp có nhiều công trình nghiên cứu AI
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết Việt Nam có những thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ, đặc biệt công nghệ đột phá trong lĩnh vực AI.
Thời gian qua, tại Việt Nam, với môi trường kinh doanh mở và nguồn nhân lực đam mê công nghệ, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực đã có bước phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy mối liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo trong cả nước.
Việt Nam ngày càng ý thức được tầm quan trọng của AI, Chính phủ và cả doanh nghiệp đều đẩy mạnh đầu tư vào việc ứng dụng AI.
Báo cáo của Deloitte – Tập đoàn toàn cầu về dịch vụ tư vấn dự đoán, giá trị thị trường toàn cầu liên quan đến AI sẽ tăng mạnh lên 6.000 tỷ USD vào năm 2025 và duy trì tỷ lệ tăng trưởng gộp là 30% từ 2017 đến 2025.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường CB Insights, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI trên toàn cầu năm 2019 đã gọi được mức vốn kỷ lục 26,6 tỷ USD, tăng 60% so với hai năm trước đó.
Tại Hội nghị quốc tế về Máy học (ICML) 2020 – nơi tập hợp các tập đoàn, chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực AI và máy học mới diễn ra, những gã “khổng lồ” công nghệ như Google, Facebook… tham gia và giới thiệu nhiều nghiên cứu quan trọng.
Việt Nam có sự tham gia của VinAI Research thuộc Tập đoàn Vingroup. Tại hội nghị VinAI Research đã công bố 3 công trình nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và đây cũng là lần đầu tiên một đơn vị Việt Nam lọt vào top 30 doanh nghiệp có nhiều công trình được công bố nhất.
Ba công trình được công bố của VinAI Research tập trung vào các vấn đề quan trọng trong nghiên cứu AI ở thời điểm hiện tại, tương đương với các trung tâm nghiên cứu lớn của Apple, NTT, NEC… gồm phương pháp tính toán tối ưu để so sánh các phân bố từ dữ liệu lớn, nghiên cứu so sánh là nền tảng cho nhiều thuật toán học máy, góp phần thúc đẩy các thuật toán học máy không giám sát – là một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong AI, thị giác máy tính, xử lý và hiểu ngôn ngữ tự nhiên; Các nghiên cứu về biểu diễn của dữ liệu và hệ thống động phi tuyến tính là nền tảng cho việc đột phá trong phát triển robot tự động hóa hoặc xe hơi tự lái; Các nghiên cứu học sâu từ dữ liệu ảnh, video cho bài toán điều khiển tối ưu và đề xuất phương pháp suy diễn hiệu quả cho các hệ thống động noron phi tuyến tính phức tạp.
Trước đó, tháng 12/2019, VinAI đã có 2 công trình nghiên cứu công bố tại hội nghị quốc tế hàng năm về hệ thống xử lý thông tin mạng thần kinh nhân tạo NeurIPS – Hội nghị hàng đầu trên thế giới về AI tại Canada.
Bên cạnh hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, đội ngũ kỹ sư tại VinAI Research đang nỗ lực phát triển các sản phẩm ứng dụng và công nghệ lõi AI với chất lượng cạnh tranh cao. Tháng 5/2020 vừa qua, VinAI trở thành một trong những đơn vị đầu tiên trên thế giới công bố nghiên cứu thành công công nghệ nhận diện dùng khẩu trang.
Hình thành Trung tâm nghiên cứu AI đầu tiên tại Việt Nam
Đại học Bách Khoa Hà Nội và Tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc Naver – được mệnh danh là “Google của Hàn Quốc” vừa ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác đưa Trung tâm đào tạo và nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (AI) đi vào hoạt động, hình thành Trung tâm nghiên cứu AI đầu tiên tại Việt Nam.
Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định nhân lực và tri thức công nghệ đã trở thành yếu tố cạnh tranh cốt lõi của mỗi doanh nghiệp và mỗi tổ chức, việc ký kết này “tham vọng” đào tạo ra lứa đầu tiên các lãnh đạo và chuyên gia cao cấp về AI cho Việt Nam.
Cũng theo Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn, tất cả các trường đại học lớn về khoa học và kỹ thuật trên thế giới đều đang nỗ lực đón đầu ngọn sóng công nghệ tiếp theo – Trí tuệ nhân tạo.
Theo báo cáo AI Index 2018, số lượng sinh viên bậc đại học theo đuổi ngành này liên tục tăng. Tại Mỹ, số lượng sinh viên theo học AI tăng gần 4 lần từ năm 2012 đến năm 2018.
Tại Trung Quốc, riêng Đại học Thanh Hoa đã chứng kiến số lượng sinh viên ghi danh vào các khóa học AI tăng 16 lần trong vòng 7 năm qua.
Không nằm ngoài xu thế của thế giới, năm 2019 Đại học Bách Khoa Hà Nội mở ngành học mới về Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, điều này cho thấy vai trò dẫn dắt của Đại học Bách Khoa Hà Nội trong việc đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực then chốt của công nghệ 4.0.
Là một trong 16 Viện đào tạo của Đại học Bách Khoa Hà Nội, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (SoICT) hiện có các phòng nghiên cứu công nghệ 4.0 gồm thị giác máy tính, học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, blockchain.
Phó Giáo sư Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho biết việc hợp tác đưa Trung tâm đào tạo và nghiên cứu AI đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động, Tập đoàn Naver cam kết đầu tư và mang lại cho sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội chương trình học tối ưu với các chuyên gia hàng đầu về AI của Tập đoàn Naver.
Đồng thời, Viện sẽ tạo điều kiện để các sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam có cơ hội được nghiên cứu và làm việc tại Naver Labs thông qua các suất học bổng và cơ hội làm việc tại Hàn Quốc và Châu Âu. Naver cũng sẽ hỗ trợ các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội phát triển chuyên môn thông qua các chương trình trao đổi và hội thảo khoa học.
Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn kỳ vọng việc hợp tác với Naver xây dựng vành đai nghiên cứu AI toàn cầu sẽ giúp phát hiện và hỗ trợ nhân tài Việt trong lĩnh vực AI, góp phần tạo nên bước phát triển “đột phá” cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam./.
Ý kiến ()