Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ
- Nâng cao trình độ, kỹ năng cho người quản lý, lao động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ (TMDV) là một trong những yếu tố then chốt đáp ứng nhu cầu phát triển trong lĩnh vực này. Trong Kế hoạch số 192 ngày 27/9/2021 của UBND tỉnh về phát triển TMDV tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có nội dung quan trọng là xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nhân viên siêu thị Winmart, thành phố Lạng Sơn thao tác thanh toán tiền hàng cho khách trên phần mềm máy tính
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển TMDV, những năm gần đây, các ngành như: công thương; lao động, thương binh và xã hội… đã quan tâm triển khai công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển TMDV; phát triển quy mô đào tạo, nhất là đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hằng nằm, các ngành đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị mở từ 5 đến 8 khóa đào tạo ngắn hạn, trung hạn cho từ 150 đến 400 người là chủ các cơ sở kinh doanh, người lao động và cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực TMDV với các nội dung như: đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ khách du lịch; ngoại ngữ; nghiệp vụ bán hàng; kế toán; thương mại điện tử (TMĐT)...
Cùng với đó, các ngành thường xuyên tổ chức các hội nghị, chương trình tập huấn để bổ sung, cập nhật kiến thức mới về lĩnh vực TMDV cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Riêng trong năm 2023, Sở Công Thương đã tổ chức 7 hội nghị tập huấn, bổ sung kiến thức mới về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; ứng dụng các nền tảng TMĐT, thúc đẩy tăng trưởng doanh số trong lĩnh vực TMĐT... cho khoảng 600 người.
Bà Nguyễn Hồng Linh, Phó Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương cho biết: Phòng luôn chủ động nghiên cứu, rà soát các nội dung mới, cần thiết phải bổ sung, cập nhật cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh TMDV để tham mưu sở tổ chức các chương trình tập huấn kịp thời, phù hợp. Nổi bật gần đây là những nội dung liên quan đến TMĐT khi mà tỉnh đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số như: tổng quan về pháp luật TMĐT Việt Nam; AI (trí tuệ nhân tạo) ứng dụng trong quản lý và bán hàng; phân tích thị trường TMĐT qua các sàn giao dịch trực tuyến; sáng tạo nội dung đa kênh để tiếp cận khách hàng…
Theo thống kê của ngành lao động, thương binh và xã hội, hiện trong tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, phân theo cơ cấu ngành nghề trên địa bàn tỉnh thì lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 57,6%; ngành TMDVchiếm 32,8%; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 9,6%. Theo kế hoạch đào tạo lao động, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, bình quân mỗi năm tỉnh đào tạo nghề cho trên 18.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% vào năm 2025 và đạt khoảng 75% trở lên vào năm 2030. Trong đó, ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp, TMDV,… góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong công nghiệp - xây dựng, thương mại và dịch vụ. |
Cùng đó, để nâng cao kiến thức thực tế cũng như tạo cơ hội tìm hiểu, học hỏi, trao đổi kỹ năng của người quản lý, người lao động trong lĩnh vực TMDV, hằng năm, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh tổ chức các đoàn công tác (thành viên là cán bộ quản lý nhà nước, đại diện các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực TMDV) tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước. Bình quân mỗi năm tổ chức 8 - 10 đoàn công tác cho hơn 200 lượt người tham gia. Qua đó, giúp đại diện các cơ sở kinh doanh cũng như cán bộ quản lý nhà nước có cái nhìn thực tế, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, phù hợp để áp dụng tại địa phương.
Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, để thích ứng với xu hướng phát triển, các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực TMDV cũng chủ động thực hiện các biện pháp tự đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động theo nhu cầu sử dụng của mỗi đơn vị. Ông Nông Hồng Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Siêu thị Đồng Tiến, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, siêu thị có khoảng 40 nhân viên, người lao động làm việc ở các bộ phận như bán hàng, thu ngân, kế toán… Mỗi nhân viên khi được tuyển dụng, tùy từng vị trí việc làm, chúng tôi đều cử đi tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn từ 1 đến 3 tháng về kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cần thiết cho công việc. Đồng thời hằng năm, chúng tôi chủ động đăng ký tham gia các chương trình tập huấn, bồi dưỡng những nội dung, kiến thức mới liên quan đến hoạt động kinh doanh do các sở, ngành tổ chức để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Nhân viên tại siêu thị Đồng Tiến, thành phố Lạng Sơn sắp xếp hàng hóa lên kệ
Đặc biệt, với đặc thù là tỉnh phát triển về thương mại biên giới, các sở, ngành liên quan đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả “Thỏa thuận hợp tác lao động qua biên giới” với Quảng Tây, Trung Quốc. Trong đó, năm 2023, các sở, ngành liên quan đã phối hợp tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền, phổ biến thông tin, pháp luật về lao động, cơ chế hợp tác quản lý lao động qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại các huyện: Tràng Định, Văn Lãng, Đình Lập, Lộc Bình cho 348 người là cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, HTX kinh doanh TMDV tại khu vực biên giới. Cùng với đó, từ năm 2021 đến nay, các ngành, đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn những nội dung về thương mại biên giới, nền tảng cửa khẩu số, thông tin những chính sách, quy định mới trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa cho đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực, các doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại xuyên biên giới.
Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện nay, lĩnh vực thương mại tiếp tục có những bước phát triển mới, trong đó nổi bật là TMĐT. Chính vì vậy, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu phát triển TMDV trên địa bàn tỉnh theo đúng kế hoạch đề ra, thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành quan tâm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực. Trong đó, trọng yếu là nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng về TMĐT, thương mại xuyên biên giới, qua đó vừa thúc đẩy lĩnh vực TMDV phát triển theo hướng hiện đại vừa đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đến nay, trong khoảng 164.000 người hoạt động trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực TMDV trên địa bàn tỉnh đã có trên 60% lao động qua đào tạo. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như giá trị kinh tế của TMDV - lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhiều năm nay (năm 2023 chiếm tỷ trọng 47,44%).
Ý kiến ()