Tập trung nâng cao chất lượng lao động trong doanh nghiệp
– Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng lao động. Qua đó, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và giảm chi phí lao động.
Là một trong những doanh nghiệp có số lượng lao động tương đối lớn, Công ty TNHH Bảo Long (huyện Cao Lộc) luôn chú trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho người lao động.
Người lao động tham gia lớp tập huấn về Luật Lao động do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức (Ảnh chụp tháng 5/2022)
Ông Huỳnh Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Long cho biết: Hằng năm, chúng tôi phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn tổ chức 2 – 3 khoá đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động về lắp ráp linh kiện. Đồng thời, phối hợp với đơn vị trên trong việc tuyển dụng các lao động đã qua đào tạo để đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên lựa chọn các cá nhân có kinh nghiệm làm việc để hướng dẫn các lao động mới vào nghề. Nhờ đó, chất lượng lao động luôn đảm bảo và từng bước được nâng cao. Hiện tại, công ty có khoảng 200 công nhân đang làm việc, toàn bộ đều đã qua đào tạo.
Tương tự, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn có trên 430 lao động đang làm việc. Để góp phần nâng cao năng lực cho người lao động, đơn vị đã xây dựng các chính sách trong điều hành, quản trị nhân sự nhằm giúp lao động tự chủ động rèn luyện, học tập để nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn. Theo đó, đơn vị thực hiện sát hạch chuyên môn định kỳ 1 lần/năm đối với đội ngũ lao động. Đồng thời, tổ chức xét mức thu nhập theo năng lực của lao động.
Ông Phương Thế Hào, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn cho biết: Đối với những lao động có sự nỗ lực trong học tập, rèn luyện chuyên môn, công ty sẽ tạo điều kiện để thử thách với các nhiệm vụ có yêu cầu cao hơn, đồng nghĩa với mức thu nhập cao hơn. Việc này được thực hiện từ cấp lãnh đạo công ty cho đến các tổ, nhóm người lao động. Với cơ chế trên, những năm qua, người lao động rất tích cực trong việc tự củng cố, nâng cao tay nghề. Ngoài ra, đối với các công nhân, kỹ sư phụ trách kỹ thuật trong việc cấp thoát nước, hằng năm đơn vị đều thuê chuyên gia có trình độ cao từ các tỉnh thành khác về để đào tạo, tập huấn chuyên sâu để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của công việc.
Từ việc tập trung phát triển chất lượng nguồn nhân lực, từ năm 2020 đến nay, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn đã giải quyết được rất nhiều vấn đề như: cải thiện chất lượng nước sinh hoạt; xử lý sự cố kỹ thuật đối với hệ thống cấp nước…
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều doanh nghiệp đã và đang tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng lao động. Theo tìm hiểu từ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, hiện tại, tỉnh có khoảng 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Để nâng cao năng lực cho lao động, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức cho người lao động làm việc theo nhóm để tăng cường trao đổi, trau dồi kinh nghiệm công việc. Đồng thời, một số doanh nghiệp đã tổ chức cho người lao động tham gia các khoá đào tạo chuyên môn, tạo cơ hội giao lưu học tập kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc khách hàng cho người lao động…
Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, mỗi năm, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với các sở, ngành trên địa bàn tổ chức khoảng 10 lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề cho hơn 1.000 lượt lãnh đạo, người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn về các nội dung chủ trương, chính sách, pháp luật, kỹ năng giao tiếp, quản trị doanh nghiệp… Từ đó, các doanh nghiệp tiếp tục triển khai tuyên truyền, tập huấn đến toàn thể người lao động tại đơn vị mình. Bên cạnh đó, hằng năm, hiệp hội còn phối hợp với các trường đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh triển khai đào tạo nâng cao tay nghề cho hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn với trên 1.000 lượt người lao động tham gia. Đối với một số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo chuyên sâu, dựa trên đề xuất của doanh nghiệp, hiệp hội sẽ kết nối doanh nghiệp với các chuyên gia có trình độ cao để triển khai thực hiện.
Trong năm 2022, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh còn ký kết “thoả thuận hợp tác về chuyển đổi số giữa Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn và Viettel Lạng Sơn. Theo đó, Viettel Lạng Sơn sẽ cung cấp nền tảng và cử nhân sự đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Đến nay, đơn vị đã tổ chức 2 hội nghị với trên 200 người lao động tham gia về nội dung liên quan đến chuyển đổi số.
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, hiện tại, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại các doanh nghiệp trên địa bàn đạt mức trên 40%. So với năm 2020, tỷ lệ này tăng khoảng 5 – 7% với mỗi doanh nghiệp.
Ông Lại Quốc Toản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Để làm tốt công tác nâng cao chất lượng lao động, thời gian tới, hiệp hội sẽ tiếp tục có các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp đăng ký tham gia, tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn cho người lao động. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới các nội dung tuyên truyền, bồi dưỡng năng lực người lao động phù hợp với tình hình thực tiễn của thị trường cũng như phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Có thể thấy, với sự chủ động của các doanh nghiệp cùng với sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, người lao động ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn, năng lực cũng như nhận thức pháp luật. Từ đó, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu trong công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ý kiến ()